Chuyên gia: Doanh nghiệp hân hoan trước quyết định giảm lãi suất của NHNN
Ông đánh giá thế nào về động thái hạ một số mức lãi suất điều hành của NHNN trong thời điểm hiện tại?
Việc NHNN giảm lãi suất điều hành được tất cả các chủ thể trong nền kinh tế đón nhận một cách rất tích cực, hân hoan. Có thể thấy, quyết định giảm lãi suất điều hành sẽ được tính toán dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô, chỉ số lạm phát, thanh khoản trong hệ thống…
NHNN đã rất chủ động, có động thái phù hợp với bối cảnh hiện tại, thể hiện quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Bước đi này của NHNN phù hợp diễn biến của thị trường trong nước khi thanh khoản hệ thống có nhiều cải thiện thời gian qua, tỷ giá ổn định, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối.
Hơn nữa, đây còn là sự trông chờ của cộng đồng doanh nghiệp về giảm chi phí sử dụng vốn vay. Thời gian qua, lãi suất cho vay ở mức cao đã khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại trong việc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vì chi phí vốn ăn mòn vào lợi nhuận.
Quyết định của NHNN khi giảm một số mức lãi suất điều hành đã phát đi tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là động thái điều hành thực hiện theo Chỉ đạo của Thủ tướng tại Chính phủ ban hành Nghị quyết 31/NQ-CP ngày 7/3/2023, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp qua đó phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn.
TS. Châu Đình Linh |
Động thái trên sẽ có tác động thế nào đối với mặt bằng lãi suất cho vay thời gian tới, thưa ông?
Công cụ lãi suất điều hành đương nhiên có tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ, giảm lãi suất điều hành sẽ là tiền đề để các TCTD giảm lãi suất cho vay, Tuy nhiên, sẽ có độ trễ nhất định, lãi suất cho vay không thể giảm ngay lập tức.
Thực tế, trong thời gian qua, các NHTM đi đầu là nhóm NHTM nhà nước đã chủ động giảm lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay, đồng thời tung nhiều gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên. Việc giảm lãi suất điều hành như một động thái kép, đem lại cơ sở để khẳng định mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng lãi suất cho vay có giảm nhưng không nhiều so với kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp.
Lãi suất cho vay giảm sẽ có tác động thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp, liệu xu hướng giảm lãi suất có tiếp tục trong thời gian tới, thưa ông?
Trong khi các kênh dẫn vốn khác của nền kinh tế như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu… đang có khó khăn nhất định, cần khẳng định rằng, vốn vay từ ngân hàng vẫn là chủ đạo trong kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp. Trong thời gian qua, lãi suất vay vốn ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn vì đòn bẩy tài chính. Chính vì vậy, khi lãi suất cho vay giảm, đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Nhất là khi các kế hoạch sản xuất, kinh doanh đang trong giai đoạn bắt đầu, cần đầu tư.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay có giảm thì ngân hàng vẫn phải đảm bảo sự an toàn của khoản vay. Chính vì vậy, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự cơ cấu lại nguồn vốn, các kế hoạch kinh doanh phù hợp, khả thi, tích cực tìm kiếm các thị trường mới, tiềm năng. Như vậy, các nhà băng mới an tâm cho vay.
Đối với việc lãi suất có giảm dài hạn hay không phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ của các nước trên thế giới, nhất là Mỹ và động thái lãi suất từ Fed.
Về phía NHNN, cần có biện pháp kiểm soát, đảm bảo các TCTD không “lách luật”, đưa lãi suất huy động cao hơn quy định. Đồng thời tiếp tục chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, theo dõi sát diễn biến thị trường, không chủ quan với lạm phát.
Điều quan trọng nữa là sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khoá, thông qua việc thúc đẩy thị trường trái phiếu, cổ phiếu, thúc đẩy đầu tư công… có vậy mới tạo được cơ sở cho việc giảm lãi suất trong điều kiện cho phép.
Xin cảm ơn ông!