Cơ cấu lại nền kinh tế ngày càng trở nên cấp thiết
Đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong phục hồi kinh tế | |
Xanh hóa nền kinh tế để phát triển bền vững |
Nhìn lại để làm tốt hơn
Thảo luận tại Phiên họp về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 ngày 30/10 vừa qua, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thiết phải ban hành kế hoạch này. Tuy nhiên, trước khi bàn về mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch này, cần làm rõ những kết quả - đặc biệt là những hạn chế, yếu kém của kế hoạch cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 để rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó thực hiện hiệu quả hơn cho giai đoạn 5 năm tới.
Nhiều đại biểu nhìn nhận, thực tế Kế hoạch cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thậm chí cho đến trước khi đợt dịch COVID thứ tư bùng phát vào tháng 4/2021 Việt Nam vẫn được xem là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Có 17/22 mục tiêu đặt ra đã được hoàn thành trong giai đoạn này, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng suất lao động chuyển biến tích cực; quản lý nợ xấu, nợ công, hiệu quả sử dụng vốn có nhiều cải thiện...
Khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp |
Tuy nhiên vẫn còn 5/22 mục tiêu chưa hoàn thành, chiếm 22,7% tổng số mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động. Các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của việc không hoàn thành các mục tiêu này đến kết quả thực hiện cơ cấu lại giai đoạn 2016 - 2020 cũng như xác định các mục tiêu trong Kế hoạch cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, việc triển khai Kế hoạch cơ cấu lại giai đoạn 2016 - 2020 cũng cho thấy một số hạn chế như: Cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu đề ra; thu ngân sách nhà nước chưa bền vững; khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp; việc lập và phê duyệt các quy hoạch còn chậm, hiệu quả liên kết vùng còn thấp; một số thị trường còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc.
Theo Chính phủ, một trong những nguyên nhân của các hạn chế trên là do hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đồng bộ, chi phí tuân thủ cao, tính cạnh tranh còn thấp, việc tổ chức thực hiện pháp luật chưa hiệu quả.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), nguyên nhân này có phần chủ quan của các bộ, ngành Trung ương trong việc tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành các văn bản luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. “Chính sự chủ quan đó đã vô tình "trói buộc" các địa phương trong quá trình phát triển. Hạn chế này cần được nghiên cứu, khắc phục ngay trong Kế hoạch cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực
Về tổng thể, đại biểu Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi) cho rằng, kế hoạch này phải gắn với 3 nhiệm vụ đột phá, 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra cũng như gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Chương trình mục tiêu quốc gia và đặt trong mối quan hệ với phát triển liên kết vùng, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính quốc gia vay và trả nợ công 5 năm để từ đó xác định phạm vi, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện đảm bảo có tính hệ thống và thống nhất sử dụng được nguồn lực một cách có hiệu quả.
Bàn về các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể, các đại biểu cho rằng, giai đoạn 2021-2025 phải hoàn thành cho được các mục tiêu mà giai đoạn 2016-2020 chưa hoàn thành, nhất là 3 mục tiêu chưa hoàn thành thuộc nội dung cơ cấu lại DNNN và đầu tư công. Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định), đến nay chưa hoàn thành các mục tiêu này là “đã quá muộn so với kế hoạch” dẫn đến không thể tập trung nguồn lực để triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác. Vì thế, vị đại biểu này nhấn mạnh phải quan tâm hoàn thành càng sớm càng tốt, không nên chậm trễ và không nên kèm theo điều kiện “phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực hiện của giai đoạn 2021-2025”.
Trong kế hoạch, Chính phủ xác định một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Bởi việc một số thị trường còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc và thị trường chưa là cơ chế chính trong phân bổ nguồn lực là nguyên nhân khiến hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao trong giai đoạn vừa qua. Cùng với đó, tập trung cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng… Theo các đại biểu, cơ cấu lại không gian kinh tế phải bao hàm được nội dung về phát triển các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế bao trùm, nhưng phải tính đến đặc thù của từng địa phương, từng vùng kinh tế để thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn.
Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực nhìn góc độ liên kết vùng, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, nếu nâng cao được hiệu quả đầu tư công trong định hướng phát triển kinh tế vùng sẽ giúp nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, bởi liên kết kinh tế vùng chính là để tận dụng lợi thế so sánh của từng địa phương để tạo ra tính cạnh tranh về kinh tế cao hơn trong một vùng - điều mà chúng ta mong muốn hiện nay.
“Để đẩy nhanh quá trình liên kết vùng, Trung ương cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương có liên kết vùng với nhau, mang lại hiệu quả cao trong liên kết vùng”, đại biểu Cảnh nói và lấy ví dụ trong một vùng, địa phương có lợi thế về sân bay và có liên kết được với các địa phương khác sử dụng sân bay của mình thì Trung ương sẽ ưu tiên đầu tư giao thông kết nối nhanh các địa phương đến sân bay. Hay địa phương nào đầu tư được khu chế biến, sản xuất mang giá trị cao và liên kết được với các vùng nguyên liệu, Trung ương sẽ đầu tư giao thông liên kết các vùng nguyên liệu đến địa phương sản xuất. Như thế sẽ tạo tiền đề, điều kiện cho các địa phương phối hợp với nhau trong các lĩnh vực có lợi thế so sánh, tạo nên liên kết vùng mà không còn đầu tư dàn trải, làm giảm hiệu quả nguồn lực của Trung ương.
Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 có thể còn lớn và kéo dài, các ý kiến cũng nhấn mạnh việc cần nghiên cứu kỹ tính khả thi của các mục tiêu đặt ra, như mục tiêu về số lượng doanh nghiệp; mục tiêu đến năm 2022 hoàn thành phê duyệt quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia… Trong khi đó về các nhóm nhiệm vụ cơ cấu lại, cần xác định nhiệm vụ nào là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định đến sự thành công của kế hoạch để ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện trước.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị cần gắn hơn nữa cơ cấu lại với chuyển đổi mô hình và chất lượng tăng trưởng, đồng thời bổ sung một số chỉ tiêu để phản ánh rõ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn tới như: Chỉ tiêu về cơ cấu kinh tế trong GDP theo ngành kinh tế; chỉ tiêu về tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP; làm rõ nội hàm, các yếu tố cấu thành kinh tế số, cụ thể hóa đối với từng ngành, lĩnh vực để làm cơ sở xác định mục tiêu “Kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%”…
Dự kiến vào ngày 12/11 tới, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch này.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch Tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh. Kế hoạch đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, kế hoạch bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo. |