Cơ hội vàng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
VIETNAM EXPO 2025: Cánh cửa mở ra cơ hội hợp tác và đổi mới công nghệ Phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí: Cần tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế |
Những năm gần đây, hàng loạt tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG, Foxconn, Intel, Apple, Lego… đã mở rộng đầu tư hoặc dịch chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), tính đến ngày 30/4/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là thỏi nam châm hút vốn đăng ký mới với 3,39 tỷ USD (chiếm 60,6%), theo sau là hoạt động kinh doanh bất động sản với 1,51 tỷ USD (chiếm 26,9%).
Theo các chuyên gia kinh tế, việc các tập đoàn lớn chuyển dịch sang Việt Nam không chỉ mang lại nguồn vốn, mà còn tạo ra cơ hội để doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải có hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh. Cơ hội đã có, nhu cầu rõ ràng, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang loay hoay với bài toán nâng cao năng lực và tiếp cận thị trường.
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu vốn, thiếu công nghệ và thiếu khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là việc tiếp cận vốn tín dụng.
Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử tại Bắc Ninh chia sẻ, doanh nghiệp có hợp đồng cung cấp sản phẩm cho đối tác FDI trong khu công nghiệp, nhưng để mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc thì cần vốn trung, dài hạn. Khi vay vốn, các ngân hàng thường yêu cầu tài sản thế chấp, trong khi doanh nghiệp nhỏ không có nhiều tài sản đảm bảo.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ “lớn lên” và bám rễ sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, rất cần sự trợ lực của ngành Ngân hàng. Ngân hàng nên xây dựng các gói tín dụng riêng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, với lãi suất ưu đãi và điều kiện linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, cần phát triển các mô hình tài chính sáng tạo như tài trợ chuỗi cung ứng dựa trên hợp đồng đã ký với các tập đoàn lớn thay vì tài sản thế chấp truyền thống.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco Group nhấn mạnh, muốn công nghiệp hóa thành công thì phải coi trọng đúng mức vai trò của công nghiệp hỗ trợ. Chính vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp, mà là chiến lược quốc gia cần có sự đồng hành toàn diện. Trong bối cảnh dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam, nếu không tận dụng được thời cơ này để nâng tầm doanh nghiệp nội, rất có thể Việt Nam vẫn chỉ là “công xưởng gia công giá rẻ” chứ chưa thể trở thành một mắt xích thực sự trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cánh cửa đang mở, nhưng để bước qua, doanh nghiệp Việt cần sự hậu thuẫn thiết thực hơn, đặc biệt từ hệ thống ngân hàng.
Tin liên quan
Tin khác

“Kỳ lân” fintech góp sức kiến tạo hệ sinh thái AI mang bản sắc Việt

Ngành dệt may khó có thể đi xa nếu mãi “đi làm thuê”

Trưởng dự án Net Zero Vinamilk: Chia sẻ bài học đúc kết từ gần 15 năm “xanh hóa” sản xuất

Hợp tác Việt – Hàn trong lĩnh vực giao thông và đô thị: Cơ hội kết nối từ Hội nghị Giao thương 2025

Nhượng quyền thương hiệu Việt hướng ra toàn cầu

VPBankSME, Hilo, Vinatti: Hợp lực thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp

BIDV SME Fast Track: Ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp

Nghị quyết 68 “định hình lại” năng lực cạnh tranh Việt Nam

Chuyên gia đề xuất ban hành danh mục phân loại xanh
