Cơ hội vàng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Chính phủ sẽ tạo môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất | |
“Chìa khóa” giúp đổi mới sáng tạo thành công |
Nằm trong chuỗi các hoạt động của TechFest 2020, sáng 28/11, tại Hà Nội, Bộ KH&CN và Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng tổ chức Diễn đàn “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Nguồn nhân lực đóng vai trò tiên quyết
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp với 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu và hiện hoạt động tại Việt Nam là 108 quỹ. Đồng thời đang liên tục tăng qua các năm thể hiện sự tham gia tích cực của hệ sinh thái.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo còn thiếu rất nhiều. Bởi lẽ, nhân lực cho hệ sinh thái này không chỉ là những người khởi nghiệp, mà còn là các nhà tư vấn, các chuyên gia và các chủ doanh nghiệp thành công quay lại hỗ trợ cho khởi nghiệp...
“Nếu có đủ các nhân lực này chúng ta mới hoàn thiện được hệ sinh thái và có đủ nguồn lực hỗ trợ cho hệ sinh thái phát triển. Được sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đang xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển hệ sinh thái này, nhưng trực tiếp thực hiện phải là cộng đồng doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Chính vì vậy, cần hình thành liên kết giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp phát triển các không gian sáng tạo, khu làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp không chỉ cơ sở hạ tầng mà còn là sự cổ vũ cho tự do sáng tạo, tinh thần doanh nhân.
Theo định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết hiện đang phối hợp với các trường đại học xây dựng các trung tâm kỹ thuật để hỗ trợ các sinh viên, những người làm khởi nghiệp đưa ra mẫu vật ban đầu, từ đó hình thành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Gợi ý về hệ thống 16.000 du học sinh Việt Nam tại nước ngoài, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam cho rằng cần có giải pháp để thu hút nguồn nhân lực này.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, Chính phủ đang có những chính sách thu hút tổng thể cũng như những chương trình hỗ trợ cụ thể cho việc thu hút các nguồn lực từ nước ngoài - những người có cơ hội tiếp xúc với công nghệ kỹ thuật cao về nước để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nước.
Trong khi đó, ở góc độ đơn vị phụ trách việc trực tiếp đào tạo nhân lực, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, việc đổi mới giáo dục đã được thực hiện tiên phong và mạnh mẽ. Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với các Bộ, ngành kết nối thực hiện các chương trình.
Tuy nhiên không dừng lại ở việc đào tạo kiến thức cho nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết cần bổ sung những kỹ năng phát triển thị trường cho các startup.
Chậm chân là mất cơ hội
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc tài chính AREVO, đồng sáng lập quỹ Alabaster, cho rằng: "Chúng ta có câu “chậm là chắc”, nhưng trong khởi nghiệp công nghệ chậm chưa chắc đã chắc mà là mất".
Theo bà Trang, thông qua các dự án kết nối của mình, AREVO đã “xuất khẩu tại chỗ trí tuệ Việt Nam”. Cơ hội này giúp nguồn lực trí thức Việt Nam được tiếp xúc những công nghệ lõi, công nghệ đột phá nhất trên thế giới. Đồng thời, quá trình thương mại hoá những công nghệ này giúp các bạn trẻ rèn luyện năng lực sáng tạo về sản phẩm - là năng lực còn rất thiếu trong nhóm kỹ sư Việt Nam.
Bà Trang cho rằng, việc “xuất khẩu tại chỗ trí tuệ Việt Nam” giúp chúng ta có cơ hội đào tạo, đồng thời mở ra nguồn lực cho sự phát triển cho các ngành công nghệ. Thậm chí, việc phát triển một lĩnh vực công nghệ cũng giúp phát triển những ngành công nghiệp khác tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Giám đốc tài chính AREVO cũng cho biết, vướng mắc nhiều nhất là tốc độ khi làm ở Việt Nam. Bà Lê Diệp Kiều Trang thẳng thắn, Việt Nam vẫn chưa phải điểm đến của các công ty công nghệ, các nhà đầu tư nước ngoài thường chọn Hàn Quốc và Nhật Bản thay vì Việt Nam.
“Chúng ta có câu “chậm là chắc”, nhưng trong công nghệ chậm chưa hẳn đã chắc mà là mất. Startup chỉ cần chậm 3 - 6 tháng là chúng ta sẽ mất cơ hội, đồng thời còn thụt lùi, bị bỏ lại phía sau”, bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ, đồng thời mong muốn các startup và các Bộ, ngành nhanh chóng bắt kịp.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Dũng - Sáng lập quỹ Do Ventures cho rằng, nguồn lực vốn là quan trọng với các startup. Các quỹ đầu tư có những giai đoạn đầu tư cho các startup có khi 3 - 5 năm không có doanh thu.
“Do đó, khởi nghiệp đừng mơ mộng. Những nhà sáng lập cần tiếp cận các nguồn lực vốn có thể từ các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, bởi các startup sẽ rất khó hiện thực ý tưởng và phát triển nếu không có nguồn vốn”, ông Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ.