Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn
Cổ phần hóa vẫn chậm | |
Sôi động làn sóng thoái vốn | |
Phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp |
Ông Đặng Quyết Tiến |
Tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong 6 tháng qua và cả một năm 2020 rất chậm. Phải chăng là do tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, thưa ông?
Đúng là công tác cổ phần hóa và thoái vốn những tháng qua chậm cũng có phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đợt dịch lần thứ 4 kéo dài từ tháng 4 tới nay khiến các hoạt động chuẩn bị cổ phần hóa và tổ chức cho thoái vốn như xác định giá trị doanh nghiệp, đấu thầu thuê tư vấn… phải hoãn, chậm lại. Các kế hoạch roadshow cũng không thực hiện được.
Mặc dù thị trường chứng khoán khởi sắc, nhưng các doanh nghiệp bán vốn nhà nước mới, cả những dự án bán rồi cũng không thành công. Có trường hợp chỉ bán được chưa đầy 1%... Đấy là những nguyên nhân khách quan tác động tới việc cổ phần hóa và thoái vốn. Nhưng cổ phần hóa và thoái vốn chậm do nguyên nhân chủ quan là chính.
Ông có thể nói rõ hơn về nguyên nhân chủ quan này?
Phải nói thẳng là bước sang năm 2021, lãnh đạo các cơ quan đại diện chủ sở hữu là các bộ, UBND tỉnh, lãnh đạo các tập đoàn tổng công ty… đang có biểu hiện, có tư tưởng dừng lại để chờ đợi.
Họ chờ đợi gì, thưa ông?
Không phủ nhận là từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, DNNN đã thể hiện rõ vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong khi trong danh mục cổ phần hóa giai đoạn này có những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương... Nên có người đang chần chừ xem có nên cổ phần hóa những DNNN này hay không.
Bên cạnh đó là tâm lý chờ đợi cơ hội doanh nghiệp của họ thành sếu đầu đàn, chờ đợi đến ngày 19/8/2021, ngày mà tiêu chí phân loại DNNN mới sẽ có hiệu lực. Những đề xuất thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn mạnh và những doanh nghiệp lớn có vốn nhà nước đã được đưa ra. Theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII, đây sẽ là những doanh nghiệp nòng cốt, dẫn dắt lan tỏa các thành phần kinh tế khác phát triển để hình thành cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao sự tự lực tự cường, tự chủ của quốc gia.
Đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, đảo lộn nhiều thứ nhưng cũng là lúc có nhiều cơ hội.
Vậy công tác cổ phần hóa, thoái vốn có cơ hội gì hay không, thưa ông?
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các hoạt động chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa, thoái vốn và khiến phần lớn các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng xấu. Sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Nhưng vẫn phải tiếp tục cơ cấu lại DNNN. Khó khăn dồn vào chân tường là áp lực phải làm và cũng là cơ hội để thay đổi và cũng là lúc có những thuận lợi.
Nhưng đây cũng là cơ hội thay đổi thị trường, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, nâng cao quản trị doanh nghiệp, thay đổi phương thức quản trị, đổi mới công nghệ, cơ cấu lại nguồn nhân lực... Trong khó khăn này cũng là lúc nhiều doanh nghiệp có cơ hội chiếm lĩnh thị trường khi thị trường đang bị cơ cấu lại.
Khi doanh nghiệp sắp xếp, cơ cấu lại và sau cổ phần hóa thì quản trị tốt hơn, theo đó giảm chi phí, tiếp cận nâng cao năng suất và sản lượng cộng với thị trường có cầu lớn, giá tăng cao, thì doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn có nguồn lực hơn. Đó là cơ hội để doanh nghiệp có thêm dư địa tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu và cổ phần hóa.
Cần nhớ rằng, cơ cấu lại DNNN là quá trình thường xuyên liên tục và tùy từng thời kỳ bám sát cơ chế thị trường để có giải pháp và lộ trình phù hợp, có phương thức và hình thức thích hợp. Mặc dù đại dịch Covid-19 mang lại rất nhiều thách thức, song nó cũng mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp.
Vậy cần có những giải pháp như thế nào để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, để đạt mục tiêu tái cơ cấu DNNN?
Một trong những giải pháp chúng tôi đề xuất là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo nhắc nhở và đôn đốc lãnh đạo doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 22 về tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.
Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới. Định hướng và quan điểm ban hành Đề án này là Chính phủ không đưa ra mục tiêu cứng mà phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, giao cho họ tự đề xuất, tự đăng ký, lựa chọn thời điểm thích hợp, lựa chọn lĩnh vực cơ cấu và hướng đi.
Như thế các chủ sở hữu và doanh nghiệp chủ động hơn, tự lựa chọn quyết định, đảm bảo phù hợp với doanh nghiệp, đồng thời tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp gắn với trách nhiệm kiểm tra đôn đốc của các bộ, ngành và Ban đổi mới doanh nghiệp.
Đây là hướng đi tích cực, phù hợp với xu thế hiện nay và đồng thời đúng định hướng là không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, để doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu, gắn với nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đảm bảo đúng chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước. Như thế, DNNN thực sự đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt mở đường cho các thành phần kinh tế khác. Đặc biệt là nền kinh tế phục hồi sau Covid-19 thì vai trò dẫn dắt của DNNN rất quan trọng. Nhưng sang năm, sau Covid-19 doanh nghiệp tư nhân sẽ bật lên nhanh lắm, nếu lúc này DNNN không cải tổ mạnh thì sẽ thua.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) . Lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 6/2021, đã có 183 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.943 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020: thoái 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021: Thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng. |