Cổ phiếu chứng khoán có triển vọng tươi sáng
Tuy nhiên các thống kê cho thấy, tính đến cuối quý II/2023, tỷ lệ nhà đầu tư (NĐT) trên toàn dân số ở Việt Nam chỉ khoảng 7%, thấp hơn so với mức 7,5% ở Thái Lan và 12,5% tại Malaysia. Bởi vậy, các nhà phân tích tin rằng, dư địa để TTCK phát triển trong thời gian tới là rất lớn.
Nhìn trong ngắn hạn CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết, chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ thúc đẩy TTCK phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Điều này sẽ mang lại kỳ vọng giá trị giao dịch trung bình hàng ngày từ 3 sàn chứng khoán chính có thể đạt 20 đến 25 nghìn tỷ đồng/phiên trong nửa cuối năm 2023 từ mức 16 nghìn tỷ đồng trong quý II/2023 nhờ lãi suất huy động ở mức thấp cũng như nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn.
Cùng với đó, VNDirect dự báo tổng cho vay ký quỹ toàn thị trường có thể đạt 155 đến 180 nghìn tỷ đồng trong nửa cuối 2023, hàm ý mức tăng 10-30% từ mức 140 nghìn tỷ đồng cuối quý II/2023.
Vì vậy, nhiều dự báo khác cũng cho rằng, cổ phiếu chứng khoán sẽ có diễn biến tích cực trong nửa cuối 2023. Đến thời điểm hiện tại, định giá ngành đang giao dịch ở mức P/B là 1,6 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của ngành trong 3 năm gần đây.
Trong bối cảnh này, các công ty môi giới với lợi thế NĐT nhỏ lẻ và mức độ số hóa cao sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dòng vốn chảy mạnh vào TTCK bao gồm: SSI, VND, MBS.
Ngoài ra, với hoạt động cho vay ký quỹ nhộn nhịp hơn, các công ty dịch vụ tài chính có tiềm năng tăng trưởng cho vay ký quỹ và khả năng duy trì spread (chênh lệch giữa lãi suất cho vay ký quỹ và chi phí vốn) cũng sẽ có khả năng mở rộng thu nhập ký quỹ như: SHS, AGR, SSI, BSI và MBS.
Một số phân tích khác cũng cho biết, kết quả kinh doanh của ngành chứng khoán quý II/2023 đã vượt qua giai đoạn khó khăn khi cho vay ký quỹ và đầu tư sẽ là động lực doanh thu chính. Lợi nhuận gộp của 30 CTCK hàng đầu đạt xấp xỉ 8.800 tỷ đồng, tăng 38,5% so với quý trước, chủ yếu nhờ lãi hoạt động đầu tư tăng đột biến. Đặc biệt, doanh thu hoạt động đầu tư đóng vai trò động lực với mức đóng góp tăng vọt lên 54,4% sau khi dao động khoảng 10 đến 30% trong năm 2022, nhờ sự phục hồi của thị trường trong quý 2/2023. Tỷ suất lợi nhuận gộp của hoạt động đầu tư theo lĩnh vực cũng được cải thiện lên 11,1%, so với mức 5,05% trong năm 2022 và mức 8,1% trong quý 1/2023.
Lợi suất cho vay ký quỹ cũng có sự phục hồi nhẹ kể từ quý I/2023 sau khi chạm đáy vào quý II/2022 do áp lực của chi phí huy động vốn cao hơn. Lợi suất biên của ngành cải thiện đáng kể 2 điểm % so với quý trước từ 12,2% lên 10,2%. Do đó, mức lãi suất thấp hơn hiện tại sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí huy động vốn của các công ty dịch vụ tài chính.
Hầu hết các công ty vốn hóa nhỏ đều ghi nhận hiệu quả hoạt động tốt hơn so với cùng kỳ nhờ sự phục hồi từ lãi hoạt động đầu tư khi thị trường tăng trở lại, tuy nhiên các chuyên gia chứng khoán nhìn nhận sẽ khó duy trì trong nửa cuối 2023.