Cổ phiếu du lịch “ăn theo” câu chuyện phục hồi
Với mục tiêu hỗ trợ ngành du lịch đón 65 triệu lượt khách năm 2022, trong đó có 5 triệu khách quốc tế, Chính phủ đã đồng ý mở cửa toàn bộ các hoạt động du lịch từ ngày 15/3; đồng thời, khôi phục lại các chính sách về thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế.
Đây là tín hiệu lạc quan góp thêm động lực để các doanh nghiệp du lịch nghĩ về câu chuyện phục hồi. Chỉ cần quan sát các địa danh du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Vũng Tàu, Núi Bà Tây Ninh chật kín du khách trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi đã có thể thấy nhu cầu du lịch bị dồn nén của người dân trong suốt 2 năm qua lớn như thế nào.
Trước đại dịch Covid-19 xảy ra ở Việt Nam, du lịch chiếm khoảng 9% GDP. Con số này cho thấy tiềm năng đóng góp của ngành này cho tăng trưởng kinh tế khi du lịch phát triển trở lại. Ngay cả khi phải mất nhiều năm để phục hồi hoàn toàn, có thể dễ dàng nhận thấy du lịch sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng thêm 2-3% trong vài năm tới nếu đại dịch chấm dứt.
Trên sàn chứng khoán, một số mã cổ phiếu họ du lịch đang được giới đầu tư chú ý tới nhờ kết quả kinh doanh khá tốt từ những năm trước như: Công ty cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT). Quý đầu tiên trong năm thường là mùa kinh doanh chính của TCT và đóng góp khoảng 70% tổng lợi nhuận cả năm. “Đi cùng sự phục hồi mạnh mẽ của lượng khách, cùng với việc giá vé tăng gần gấp đôi, từ 130.000 đồng lên 250.000 đồng/vé, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của TCT sẽ phục hồi mạnh mẽ năm 2022”, quỹ AFC Vietnam Fund đánh giá.
Công viên văn hóa nước Đầm Sen (DSN) cũng là cái tên tiềm năng. Đây là doanh nghiệp hoạt động lâu năm và dẫn đầu trong ngành kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao dưới nước tại Sài Gòn. Bên cạnh nguồn khách là cư dân thành phố, Công viên nước Đầm Sen còn chào đón các đoàn khách du lịch và các gia đình từ các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh đến vui chơi giải trí. Giá cổ phiếu của DSN hiện đang giao dịch ở mức 6,1 lần so với mức thu nhập, đây được xem là mức khá hấp dẫn một khi DSN phục hồi toàn bộ hoạt động như trước dịch.
TCT và DSN vững vàng trong đại dịch nhờ sở hữu bảng cân đối kế toán mạnh và lượng tiền mặt đủ lớn, giúp duy trì hoạt động kinh doanh dù công suất thấp. Tại thời điểm 31/12/2021, DSN có 117 tỷ đồng tiền mặt, chiếm khoảng 30% giá trị vốn hóa thị trường là 580 tỷ đồng. Trong khi đó, TCT có số dư tiền mặt là 277 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% giá trị vốn hóa thị trường là 547 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp liên quan đến mảng du lịch, giải trí như hàng không, F&B, khách sạn cũng sẽ ăn theo sóng phục hồi trong năm nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch còn nỗ lực làm mới mình, bổ sung các dịch vụ giải trí hấp dẫn hơn cho du khách trong và ngoài nước.
Mới đây, Tập đoàn Sun Group chính thức ra mắt hãng hàng không hạng sang theo mô hình private jet Sun Air với mục tiêu cung cấp các dịch vụ bay đẳng cấp được cá nhân hóa, dịch vụ bay thuê chuyến, tham quan bằng trực thăng và thủy phi cơ. Sun Air cũng sẽ kết nối với các khu du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí - bất động sản của Sun Group, tạo nên chuỗi trải nghiệm thượng lưu khép kín, an toàn, tiện nghi và riêng tư.
Theo hãng phân tích Savills, với các tín hiệu tích cực gần đây, nhiều chủ đầu tư cũng như đội ngũ vận hành khách sạn đang tái khởi động hoạt động kinh doanh, triển khai các kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và thúc đẩy các hoạt động marketing để đón đầu làn sóng phục hồi của thị trường quốc tế. Nhiều dự án khách sạn cũng đang tích cực đẩy nhanh công tác xây dựng, hoàn thiện và triển khai hoạt động tiền khai trương để có thể chào đón du khách trong thời gian tới. Ở đó, các khách sạn với hệ thống phân phối và mạng lưới truyền thông toàn cầu có thể tận dụng lợi thế để đồng hành cùng ngành du lịch Việt Nam trong việc quảng bá và thu hút khách quốc tế quay trở lại.