Côn Đảo - “vùng đất thiêng” của Tổ quốc
Trung tướng Châu Văn Mẫn: Nhớ những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo | |
Tri ân các anh hùng liệt sỹ và cựu tù chính trị tại Côn Đảo |
Viếng nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của rất nhiều chiến sĩ cách mạng, trong đó có nữ Anh hùng Võ Thị Sáu |
…Tôi vẫn nhớ mãi hành trình về vùng đất thiêng Côn Đảo năm ấy, khi Ngân hàng Nhà nước Trung ương kết hợp với Công đoàn ngành Ngân hàng Việt Nam tổ chức đưa đoàn là thương binh, con liệt sĩ thuộc Ngân hàng Nhà nước về nguồn. Chuyến đi tuy ngắn nhưng để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng khó phai trong lòng những người con liệt sĩ.
Hành trình bắt đầu bằng chuyến bay từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh và tiếp từ TP. Hồ Chí Minh đến Côn Đảo. Những khung cảnh làng quê lần lượt hiện ra bên cửa sổ máy bay, mờ mờ như những nét vẽ trừu tượng. Nhìn từ trên cao xuống, phía dưới chỉ toàn là mây, có những vạt nước trắng hiện ra mờ ảo, phía bên dưới, đó chính là đại dương, những cơn sóng nhìn từ trên cao lăn tăn và phẳng lặng như mặt nước hồ thu.
Và khi ấy, mọi thứ đều nhỏ bé, kể cả cái dữ dội nhất của đại dương cũng bỗng chốc hóa thành dịu êm. Đến khi tiếng cô tiếp viên hàng không thông báo trên loa: “Máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Côn Sơn. Đề nghị quý khách kiểm tra dây thắt lưng an toàn để tiếp đất”, có khá nhiều người hướng đầu ra phía cửa sổ. Tôi nghĩ ai cũng muốn nhìn rõ Côn Đảo từ trên cao, để có thể hình dung ra miền đất ấy giữa biển cả mênh mông.
Khi đoàn chúng tôi vừa đặt chân xuống sân bay Cỏ Ống (Côn Sơn), ai cũng có cảm giác lâng lâng khó tả và niềm tự hào khi được đứng trên mảnh đất linh thiêng này.
Đường từ sân bay Côn Sơn vào trung tâm huyện đảo dài khoảng 10 km và đây là con đường duy nhất, chạy dọc bờ biển. Những con đường được tráng nhựa phẳng lỳ nhưng khá quanh co. Cảm giác đi trên cung đường ấy thật lạ, hồi hộp và đầy ấn tượng. Một bên biển, một bên núi, nhìn đâu cũng cảm thấy hoang sơ, hoành tráng, trong lành và thấy mình chừng như nhỏ bé trước những cơn gió lồng lộng, rười rượi thổi vào từ phía biển.
Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm về phía Đông Nam của đất nước. Sau khi xâm lược nước ta, ngày 1/2/1862, thực dân Pháp bắt đầu xây dựng tại đây một hệ thống nhà tù lớn nhất Đông Dương để giam cầm, tra tấn các chiến sĩ cách mạng bằng khổ sai, nhục hình, đói khát, bệnh tật, hòng thủ tiêu ý chí của những con người anh dũng và quả cảm.
Điểm đến đầu tiên của đoàn là Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương. Nghĩa trang rộng khoảng 20ha, được chia làm bốn khu liên thông với nhau. Hiện nay khoảng hơn 2.000 ngôi mộ, trong đó chỉ có khoảng trên 700 ngôi mộ có tên, còn lại rất nhiều ngôi mộ khuyết danh mà trên đó chỉ có duy nhất một ngôi sao đỏ. Mỗi nấm mộ như một chứng tích về một thời kỳ hào hùng và bi tráng đã qua.
Có một thông lệ đặc biệt là mọi người thường viếng nghĩa trang Hàng Dương khi trời tối hoặc về khuya, vì đó là lúc đất trời giao hòa, là sự quyện hòa giao linh giữa người đang sống và người đã khuất. Giữa màn đêm tĩnh mịch mờ sương, hàng ngàn ngọn nến hồng lung linh quyện với mùi hương trầm ngan ngát... Chúng tôi lặng đi trong sự thành kính nghiêm trang. Không một tiếng động, chỉ có tiếng nấc nghẹn ngào xúc động...
Trước mộ nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, chúng tôi nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của người con gái Đất Đỏ đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho lý tưởng cách mạng. Khi rơi vào tay giặc, chị đã hiên ngang trước họng súng quân thù không hề khuất phục. Chị dõng dạc tuyên bố: “Tôi không có tội. Yêu đất nước mình, chống lại thực dân xâm lược không phải là một tội”. Ngày 23/1/1952, chị Võ Thị Sáu bị thực dân Pháp tử hình tại Côn Đảo. Sự hy sinh của chị Võ Thị Sáu đã trở thành huyền thoại bất tử.
Trong làn gió đêm se lạnh của Côn Đảo, đường đi đến từng khu mộ trong nghĩa trang Hàng Dương đều được chiếu sáng bằng những cột đèn, những ngọn nến trên tay từng đoàn người nối nhau đến viếng…
Qua giọng nói truyền cảm của thuyết minh viên, các thành viên trong đoàn đã được nghe kể lại những câu chuyện về cuộc đấu tranh của các thế hệ cha anh trong ngục tù thực dân, đế quốc. Tất cả là những hồi ức về một thời bi tráng nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc, những giá trị nhân văn cao cả.
Các nhà tù ở đây được ví như “địa ngục trần gian”. Có đến nơi này và tận mắt chứng kiến sự dã man của thực dân, đế quốc mới cảm nhận hết được ý chí quật cường của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Trong chốn lao tù ấy, người tù không chỉ mất tự do mà còn chịu khổ sai, nhục hình, đói khát và bệnh tật hành hạ ngày này qua ngày khác. Mỗi nhà lao Côn Đảo là một tầng địa ngục với những kiểu tra tấn, đàn áp tinh thần lẫn thể xác.
Nhưng trong chốn lao tù áp bức ấy, các chiến sĩ cách mạng vẫn không hề mất niềm tin, họ biến nơi đây thành trường học cách mạng, là nơi rèn luyện khí tiết của mình: Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Võ Thị Sáu… Mỗi cái tên đều là những tấm gương hy sinh cao cả, ý chí bất khuất trước kẻ thù. Mỗi lần đến với Côn Đảo, tôi lại hiểu thêm rất nhiều về giá trị của nền độc lập tự do, đã được dựng nên bằng máu xương của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, của bao lớp cha anh đi trước
Chính tinh thần và dũng khí đó đã hun đúc nên những giá trị cao quý và truyền lại để tạo sức mạnh và niềm tin vững chắc cho các thế hệ mai sau.
Chuyến hành trình về nguồn là bài học lịch sử hết sức quý báu để những người trẻ chúng tôi hôm nay càng thêm trân trọng sự hy sinh của cha ông, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước, với Ngành, với chính mỗi công việc đang được giao phó.