Công viên vườn tượng APEC: Biểu tượng hội nhập và vươn cao
Biểu tượng cánh diều bay cao
Mới đây, phát biểu tại buổi lễ khánh thành Công viên vườn tượng APEC mở rộng, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: Công viên vườn tượng APEC mở rộng là một trong những công trình được nhân dân thành phố hết sức quan tâm, ngay từ ngày đầu xây dựng đến khi hoàn thành. Công trình không chỉ thể hiện tinh thần hội nhập quốc tế, khát vọng vươn lên của người dân thành phố mà còn là mong ước về một thành phố xanh, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên, một thành phố an bình.
Công viên vườn tượng APEC mở rộng vừa được khánh thành |
Từ ý tưởng "Đà Nẵng - Cánh diều bay cao" đạt giải Nhất của Công ty Thiết kế và xây dựng Phố Xanh tại cuộc thi phương án quy hoạch, thiết kế kiến trúc vườn tượng APEC mở rộng, những người thợ cơ khí của Công ty Hà Giang - Phước Tường đã chế tạo và thi công hạng mục cánh diều của dự án với gần 200 tấn sắt thép. Nếu như ở Công viên vườn tượng APEC điểm nhấn là ý nghĩa sâu xa của các bức tượng về 21 nền kinh tế, thì ở phần mở rộng này biểu tượng cánh diều bay cao là điểm nhấn. Nhóm tác giả đã liên tưởng Đà Nẵng như một “Cánh diều bay cao”, như một “Cánh chim đầu đàn” để đưa khu vực miền Trung phát triển. Cánh diều không chỉ gợi nhớ về tuổi thơ mà còn là nơi chứa biết bao ước mơ, hoài bão về một Đà Nẵng bay cao, bay xa trong tương lai.
Công viên APEC mở rộng có diện tích 8.668m2. Tổ hợp công trình bao gồm khu công viên cây xanh, thảm cỏ, lối đi bộ, vườn dạo… được nâng cấp từ thấp đến cao với tổng vốn đầu tư 759 tỷ đồng. Tầng hầm được bố trí khu vực để xe công cộng và các phòng kỹ thuật. Tầng 1 bố trí không gian nghỉ ngơi, khu dịch vụ bán hàng lưu niệm, nhà vệ sinh công cộng, khu thông tin du lịch phục vụ du khách tham quan. Tầng 2 bố trí không gian sinh hoạt cộng đồng, đường dốc, lối đi bộ, hồ nước, cây xanh để tạo điểm nhấn cảnh quan. Ngoài ra, công trình Công viên vườn tượng APEC mở rộng còn có đài phun nước, đồi nhân tạo, thảm cỏ tự nhiên, đường nội bộ lát đá, các loại hoa và cây xanh tạo bóng mát... Các loại cây xanh được chọn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu... Đặc biệt, hồ nước được thiết kế bao bọc 3 mặt công trình với 2 tầng thác nước và được bố trí các vòi phun nước tự động.
Chủ tịch UBND Đà Nẵng nhận định: Việc đưa Công viên vườn tượng APEC mở rộng vào khai thác sẽ phát huy công trình điểm nhấn kiến trúc bên bờ sông Hàn, kết nối tuyến phố đi bộ đường Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - đường Trần Hưng Đạo. Sắp đến, thành phố triển khai thêm dự án chiếu sáng với chủ đề “Dòng sông ánh sáng” ở hai bờ sông Hàn, đây sẽ là những sản phẩm văn hóa hấp dẫn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân thành phố, đồng thời là sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Vườn tượng 21 nền kinh tế APEC
Tháng 3/2017, khi vào làm việc tại Đà Nẵng, Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia APEC Việt Nam - 2017 đã đến khảo sát thực địa địa điểm xây dựng Công viên vườn tượng APEC và đánh giá rất cao về vị trí đã được Đà Nẵng chọn. Công viên hình thành trên khu đất hình tam giác có diện tích hơn 3.000m2 tại điểm giao nhau giữa 2 tuyến đường 2 tháng 9 và Bạch Đằng nối dài, gần kề với Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chămpa và cây cầu Rồng nổi tiếng. Công viên vườn tượng APEC được đưa vào danh mục các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC, Đà Nẵng - Việt Nam tháng 11/2017.
Có thể nói Công viên vườn tượng APEC đã tô điểm thêm cho không gian văn hóa - lễ hội dọc hai bờ sông Hàn, trở thành một điểm đến du lịch mới và kéo dài không gian đặt tượng mỹ thuật trên vỉa hè phố đi bộ dọc tuyến đường Bạch Đằng, bên bờ sông Hàn. Nhưng điểm nhấn độc đáo nhất về Công viên vườn tượng này ở chỗ, trong một không gian chung, cách nhau không xa lắm, chỉ trong bán kính chừng 50 mét. Nếu Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chămpa là nơi lưu giữ những tác phẩm của người Chămpa thì Công viên vườn tượng APEC là nơi lưu giữ những tác phẩm đương đại của 21 nền kinh tế. Hai địa chỉ văn hoá dù ở rất gần nhau về không gian, nhưng lại cách xa nhau về niên đại ra đời các tác phẩm nghệ thuật trưng bày. Còn nếu tính thời gian, Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chămpa được khánh thành vào đầu năm 1919 và trở thành nơi trưng bày, bảo quản các bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Chămpa, thì Công viên vườn tượng APEC được khai sinh trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày một sâu rộng trong quá trình đổi mới, năng động khẳng định vị thế Việt Nam với thế giới.
Công viên vườn tượng APEC còn mang tính độc đáo khi quy tụ khá đầy đủ các trường phái nghệ thuật, tư duy sáng tạo, phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Mỗi một bức tượng là hình ảnh đại diện có tính tiêu biểu của một quốc gia, một nền văn hóa, một nền kinh tế.
Nói về ý nghĩa của sự ra đời Công viên vườn tượng APEC, ông Huỳnh Văn Hùng, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng chia sẻ. Sự kiện APEC chỉ diễn ra trong 1 tuần. Thời gian thật ngắn ngủi. Nhưng để vài chục năm sau và hơn thế nữa, nhiều thế hệ đều biết rằng, Đà Nẵng từng là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ thượng đỉnh APEC 2017, thì Công viên vườn tượng APEC chính là nơi có thể làm điều đó tốt nhất. Công viên trưng bày các bức tượng do chính các nền kinh tế thành viên tạo tác từ nước mình và gửi đến Đà Nẵng. Quả là một công viên vườn tượng vô cùng ý nghĩa.