Đắk Lắk công bố nhãn hiệu sầu riêng Cư M’gar
Đến nay, Cư M’gar có 13 doanh nghiệp (DN) liên kết sản xuất, tư vấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng với các hợp tác xã, tổ hợp tác. Đồng thời, xây dựng hoàn thiện hồ sơ 37 mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích trên 831ha. Vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023, Cư M’gar có hơn 1.000ha kinh doanh, sản lượng ước khoảng trên 20.000 tấn.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk trao Chứng nhận nhãn hiệu "Sầu riêng Cư M'gar" cho UBND huyện Cư M'gar. |
Để bảo đảm quyền lợi và tăng hiệu quả, giá trị cho người sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn, UBND huyện Cư M’gar đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Cư M’gar” và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp Chứng nhận theo Quyết định số 5327, ngày 10/7/2023. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số: 456481, hiệu lực 10 năm tính từ ngày cấp.
Chủ giấy chứng nhận là UBND huyện Cư M’gar. Danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu: nhóm 29 (sầu riêng đã qua chế biến); nhóm 31 (trái sầu riêng tươi) và nhóm 35 (mua bán, xuất nhập khẩu các loại hàng hóa trong nhóm).
Phát biểu tại lễ buổi công bố nhãn hiệu "Sầu riêng Cư M’gar", ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, để thương hiệu sầu riêng Cư M’gar khẳng định được vị trí trên thị trường, địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để DN và người dân biết. Từ đó, tiếp tục tham gia tích cực vào công tác xây dựng thương hiệu. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thương hiệu sầu riêng từ đầu tư sản xuất, chăm sóc đến thu mua, chế biến...
Bên cạnh đó, vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như đơn vị xuất khẩu cần phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, yêu cầu về kiểm dịch thực vật và đảm bảo đáp ứng về chất lượng sản phẩm theo hợp đồng ký kết với phía đối tác nhập khẩu.
Huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) có hơn 1.000ha sầu riêng kinh doanh, sản lượng thu hoạch niên vụ 2023 ước khoảng trên 20.000 tấn |
Tại lễ công bố, UBND huyện Cư M’gar trao Chứng nhận mã số DN cho 6 đơn vị đăng ký sử dụng nhãn hiệu "Sầu riêng Cư M'gar".
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2023, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu thu về gần 154 triệu USD, giảm 60,5% so với tháng 6. Nguyên nhân, vì qua thời gian cao điểm thu hoạch sầu riêng, sản lượng không có nhiều.
Lũy kế 7 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,07 tỷ USD, tăng 809,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sầu riêng tươi chiếm đại đa số, với giá trị 1,005 tỷ USD; sầu riêng cấp đông khoảng hơn 63 triệu USD, sầu riêng sấy 1,7 triệu USD.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc dẫn đầu với 964,6 triệu USD, chiếm tỷ lệ hơn 90% gồm 963 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng tươi và 1,6 triệu USD nhập khẩu sầu riêng sấy. Các thị trường như Canada, Mỹ cũng chi lần lượt từ 2,5-3,6 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng Việt Nam trong 7 tháng năm 2023.
Lũy kế 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 1,07 tỷ USD, tăng 809,5% so với cùng kỳ năm 2022. |
Xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến trong tháng 5 và 6/2023, với giá trị thu về lần lượt 332 và 375 triệu USD do chính vụ thu hoạch sầu riêng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Bước sang tháng 9/2023, sầu riêng thu hoạch rộ tại khu vực Tây Nguyên, nơi có diện tích trồng lớn nhất cả nước. Thời điểm này, chỉ có Việt Nam có sầu riêng tươi cung cấp cho thị trường thế giới nên mặt bằng giá khá cao.
Được biết, hiện này các vựa thu mua sầu riêng tại Tây Nguyên phát giá từ 93.000 – 96.000 đồng/kg sầu riêng loại 1; 78.000 – 82.000 đồng/sầu riêng loại 2. Các loại chất lượng thấp nhất cũng có giá gần 50.000 đồng/kg.