Đảm bảo giá trị đồng Việt Nam
Sẽ có quy định mới về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam | |
Tinh gọn thủ tục quản lý ngoại hối | |
Sẽ sửa quy định về thủ tục hành chính lĩnh vực quản lý ngoại hối |
Ảnh minh họa |
NHNN đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Nội dung điều chỉnh tại dự thảo về mức xử phạt hành chính thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng.
Theo dự thảo mức xử phạt đối với cá nhân và tổ chức mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ được điều chỉnh giảm; thậm chí có thể chỉ là phạt cảnh cáo. Ông đánh giá gì về nội dung sửa đổi này?
Việc sửa đổi này đưa ra hướng mở để xem xét lại hành vi của người vi phạm, từ đó làm căn cứ xử phạt. Tôi đồng tình quan điểm xử phạt hành chính ở đây cần cân nhắc tới tỷ lệ % trên số tiền vi phạm. Giả sử như trường hợp có người ra ngoài đổi vài nghìn USD, thì theo logic mức xử phạt sẽ phải khác với việc họ chỉ đổi vài chục hay vài trăm USD. Nếu quy định mức phạt cố định theo tôi là chưa thật sự hợp lý. Mức phạt cố định trong vài trường hợp có thể quá nặng, nhưng trong nhiều trường hợp lại là quá nhẹ. NHNN có thể nghiên cứu phương án đề nghị một mức phạt tối thiểu, sau đó tuỳ thuộc mức độ vi phạm nặng/nhẹ ra sao sẽ có những mức xử phạt tương ứng. Cần có sự phân loại nhóm đối tượng tuỳ theo quy mô, mức độ... để đưa ra một phương án xử phạt hợp lý.
Nếu theo ý kiến của ông thì có cần đưa mức phạt cảnh cáo?
Như đã nói ở trên, tôi cho rằng phạt cảnh cáo là vẫn cần thiết. Đối với người dân, nên có sự cảnh cáo, nhất là khi vi phạm lần đầu, bởi nhiều người họ thật sự không biết những quy định về ngoại hối, nên lại đơn thuần cho rằng tiền của họ thì đương nhiên họ được giữ ở nhà, hoặc đem đổi lấy VND mà không nghĩ là mình vi phạm.
Hiện nay theo quy định, người dân được phép nắm giữ USD, nhưng sẽ bị phạt nếu thu đổi ở những nơi không được cấp phép, do NHNN thực hiện chủ trương chống đôla hoá. Không những đổi tiền, mà các hoạt động liên quan tới đồng đô la đều bị cấm như thanh toán, niêm yết giá hàng hoá, quảng cáo bằng ngoại tệ...
Bên cạnh việc điều chỉnh mức phạt vi phạm, theo tôi cần bổ sung, sửa đổi quy định về thủ tục, điều kiện thu đổi ngoại tệ theo hướng đơn giản hơn, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong tương lai, nhu cầu sở hữu ngoại tệ như một loại tài sản vẫn có thể được cho phép và khi đó gửi USD ở ngân hàng sẽ được thực hiện dưới hình thức giữ hộ tài sản, như đã từng làm với vàng.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tăng mức xử phạt để chống đôla hóa. Ông bình luận thế nào về ý kiến này?
Việc đưa ra hình thức xử phạt hành chính không hẳn sẽ quyết định tình trạng chống đôla hoá trong nền kinh tế, mà quan trọng hơn hết là tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan chức năng. Quy định về hành chính, xử phạt là cần thiết, song cốt yếu là những quy định đó được thực thi như thế nào mới là vấn đề chính của việc thực hiện chủ trương chống đô la hoá.
Xét về gốc rễ, chính là đảm bảo và ngày càng nâng cao giá trị của đồng Việt Nam lên. Giá trị của tiền đồng phải ở một mức nào để người dân dần bỏ tâm lý găm giữ ngoại tệ? Đấy là điều phải đặt lên hàng đầu. Tại thời điểm này, giữ USD hay EUR có giá trị cao hơn VND vì đơn giản người dân cho rằng những đồng tiền này giữ giá, và tính thanh khoản cao. Nhưng trong tương lai, nếu giữ được niềm tin của đại bộ phận người dân vào giá trị của tiền đồng thì có lẽ cũng ít ai mong muốn găm giữ USD với kỳ vọng USD tăng giá nữa. Nhiều năm qua, NHNN đã và đang làm rất tốt việc đảm bảo giá trị tiền đồng. Có như vậy, mới thúc đẩy được kỳ vọng của giới đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư sử dụng vốn, minh bạch chính sách tài khoá.
Xin trân trọng cảm ơn ông!