Đảm bảo quyền lợi người lao động
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Cần tập trung và học hỏi | |
Tăng tuổi nghỉ hưu: Vì mục tiêu dài hạn hơn vấn đề ngắn hạn |
Tăng giờ làm thêm: Chung nhu cầu, khác mục đích
Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) cho rằng, nhu cầu làm thêm giờ là có thật, xuất phát cả phía DN và người lao động (NLĐ). Bởi về phía DN, đặc biệt các DN sản xuất gia công xuất khẩu rất phụ thuộc vào đơn hàng, và có thời điểm thiếu hụt tạm thời về lao động. Trong khi nhiều NLĐ cũng cần có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
“Nhu cầu làm thêm giờ từ cả hai phía đều vì mục đích kinh tế. Nhưng với DN, máy móc có thể khấu hao và thay thế được, còn sức khỏe NLĐ thì không gì có thể thay thế được. Quy định của pháp luật cần làm sao hướng tới chấm dứt nhân công giá rẻ, lương không đủ sống ở các ngành thâm dụng lao động như hiện nay”, đại biểu Hạnh nêu quan điểm.
Để giải quyết vấn đề trên, đại biểu Hạnh đề xuất, cần tiến tới đảm bảo tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, đồng thời cần quy định thời gian làm việc chính thức tối đa không quá 44 giờ/tuần đối với NLĐ trong khu vực DN. Mặt khác, việc tăng thời gian làm thêm giờ phải đi kèm với tăng lũy tiến tiền lương làm thêm giờ để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) cho rằng, mức tăng thêm như Chính phủ trình là phù hợp khi xét trên các yếu tố về kinh tế xã hội, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, để làm thêm giờ không ảnh hưởng đến sức khỏe và việc chăm sóc gia đình của NLĐ, đại biểu kiến nghị luật cần quy định chặt chẽ để tránh áp dụng tùy tiện. Theo đó, luật cần quy định cách trả lương làm thêm giờ theo lũy tiến.
Cụ thể, với ngày làm việc bình thường, làm thêm 2 giờ đầu thì lương tăng ít nhất là 150%, 1 giờ tiếp theo lương tăng ít nhất là 250% và 1 giờ tiếp nữa ít nhất là 300%. Đối với ngày nghỉ, cần mức ít nhất là 300%. Ngày lễ, ngày Tết ít nhất là 400%. “Cách tính lũy tiến này sẽ giúp hạn chế việc người sử dụng lao động bắt ép NLĐ làm thêm, tránh xảy ra tai nạn lao động khi làm việc quá sức”, đại biểu Trương Phi Hùng cho biết.
Tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết
Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, theo Tờ trình của Chính phủ việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có thể thực hiện theo một trong hai phương án: Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021); Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).
Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm, tuy nhiên Chính phủ đề xuất lựa chọn Phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu nhất trí lựa chọn Phương án 1. Mốc tuổi nghỉ hưu hiện tại đã được quy định cách đây gần 60 năm trong khi tuổi thọ tăng và Việt Nam đang chuẩn bị qua thời kỳ dân số vàng là những lý do chính khiến việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Như trong phần tranh luận của mình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) còn đưa ra những con số tính toán rất cụ thể để chứng minh cho sự cần thiết này.
Trong khi đó theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang), việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không phải là một vấn đề mới và đã được bàn thảo rất nhiều trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động 2012, hay trong quá trình đóng góp ý kiến cho Luật BHXH, Luật Cán bộ, Công chức…
“Qua nắm bắt dư luận xã hội, chúng ta thấy còn có những ý kiến không đồng tình. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, việc điều chỉnh này là cần thiết. Vì ngoài những lý do mà Chính phủ trình, còn có một số căn cứ khác như tuổi nghỉ hưu hiện tại đã được quy định cách đây gần 60 năm, trong khi đến nay tất cả các điều kiện về kinh tế - xã hội, điều kiện lao động, tuổi thọ bình quân… đã thay đổi rất nhiều nên việc tăng tuổi nghỉ hưu đã chín muồi”, đại biểu Hà nói và đề nghị, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần được triển khai đồng bộ với các chính sách khác về lao động, an sinh xã hội… và cần được tuyên truyền đầy đủ để tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc triển khai thực hiện.
Liên quan đến những quan ngại việc kéo dài tuổi nghỉ hưu có thể tác động tới cơ hội việc làm của thế hệ trẻ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, cách đây 15 năm, lực lượng lao động tăng khoảng 1,2 triệu người/năm nhưng đến nay chỉ còn tăng khoảng 400 nghìn người/năm và dự báo trong 15 năm tới thì chỉ tăng khoảng 200 nghìn người/năm, do vậy trong tương lai sẽ vẫn rất thiếu lao động. “Riêng với nữ giới, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp lương hưu cải thiện tốt hơn. Tăng tuổi hưu cũng giúp tác động tích cực đến sự nghiệp và sự phát triển của phụ nữ do có thêm thời gian và cơ hội trong đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm”, bà Hà nói.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu chủ yếu diễn ra ở các nước thiếu lao động, trong khi Việt Nam lại đang dư thừa lao động. Vì vậy cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng việc tăng tuổi nghỉ hưu và cần tính đến nhu cầu việc làm cho giới trẻ và một bộ phận lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc khi đã đủ thời gian đóng BHXH (nhất là lao động bình thường; cán bộ, công chức, viên chức bình thường…).
Bên cạnh đó, cũng cần tính tới trường hợp có những người đã đến tuổi hưu (theo luật hiện hành), nhưng “sáng vác ô đi, chiều vác ô về” nhưng vẫn được xếp ở mức “hoàn thành nhiệm vụ” và cứ ở đó chờ đến tuổi theo dự thảo thì mới nghỉ… “Tăng tuổi nghỉ hưu như tờ trình cần cân nhắc để không làm mất cơ hội cho tuổi trẻ. Nên chăng tuổi nữ tăng lên 58, nam là 62 tuổi là phù hợp”, đại biểu Hòa đề nghị.
Nhiều đại biểu cho rằng, Bộ luật Lao động (sửa đổi), điều chỉnh nhiều nội dung, bổ sung nhiều vấn đề mới phức tạp nên cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật, lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động và cần được xem xét tại 3 kỳ họp để Quốc hội có thời gian thảo luận thấu đáo, đảm bảo thông qua mà có sự đồng thuận cao của xã hội.