Đảm bảo thị trường chứng khoán vận hành ổn định, minh bạch
Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cần sự đồng thuận và phối hợp Gia tăng tính minh bạch, tính thanh khoản và niềm tin cho thị trường |
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát. |
Thị trường chứng khoán từng bước khởi sắc
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều biến động trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới có nhiều bất ổn. Trên thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ đã khiến đồng USD tăng giá mạnh, gây áp lực điều hành tỷ giá cho nhiều nước, kéo theo bất ổn tài chính và nợ công gia tăng, cùng với sự sụp đổ liên tiếp của một số ngân hàng tại Mỹ. Trong khi đó, xung đột địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Thị trường chứng khoán trên thế giới theo đó cũng trải qua nhiều biến động.
Trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023 còn gặp nhiều khó khăn. Trước tác động của cầu thế giới giảm và kinh tế tăng trưởng chậm tại các đối tác chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, trong thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đón nhận một số thông tin tích cực đến từ các quyết sách của Chính phủ nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, phục hồi kinh tế như: gia hạn thời hạn nộp thuế, cơ cấu thời hạn trả nợ… Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong các tháng đầu năm 2023. Các chính sách này cùng với quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, cải cách thủ tục hành chính đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước tác động của những yếu tố nêu trên, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua nhiều biến động, tăng giảm đan xen trong nửa đầu năm 2023. Sau những bước hồi phục trở lại trong tháng 1/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có những phiên giảm điểm trong tháng 2 và nửa đầu tháng 3. Thị trường chứng khoán Việt Nam sau đó tuy vẫn có những phiên tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung đã khởi sắc trở lại.
Kết thúc phiên ngày 21/7/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.185,9 điểm, tăng 17,8% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 234,98 điểm, tăng 14,5% so với cuối năm 2022. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 21/7/2023 đạt 6.091 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2022, tương đương 64,0% GDP ước tính năm 2022.
Thị trường chứng khoán tiếp tục được xem là một trong các kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép/chấp thuận chào bán 4.964,2 tỷ đồng cổ phiếu ra công chúng, 3.064,2 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng và 16.100 tỷ đồng trái phiếu (phát hành ra công chúng, chào bán trái phiếu chuyển đổi, chào bán ra nước ngoài của công ty đại chúng).
Triển vọng thị trường chứng khoán trong thời gian tới
Cũng theo đại diện ngành Chứng khoán, diễn biến tình hình trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới.
Ở trong nước, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giảm lãi suất và các chính sách hỗ trợ về tài khóa… được kỳ vọng sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, kích thích các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Đây là yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong quý III và quý IV/2023.
Ngoài ra, trên thế giới, trước tình hình lạm phát có xu hướng hạ nhiệt, lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng trung ương lớn cũng cho thấy động thái chậm lại. Đây là các tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế được dự báo tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn còn hạn chế.
Đảm bảo sự vận hành ổn định, minh bạch
Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, nhiệm vụ cốt lõi của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường chứng khoán.
Các đại biểu tham gia và phát biểu tại Hội thảo. |
Theo đó, nhằm thực hiện nhiệm vụ nêu trên, đồng thời thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống chính sách phát triển thị trường chứng khoán, thông qua việc rà soát tổng thể các quy định pháp luật về chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm phát hiện những bất cập, vướng mắc để sửa đổi kịp thời; Trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược này; Tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng thị trường chứng khoán, phân loại chỉ số tham chiếu cho thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, việc phân loại thị trường chứng khoán của các tổ chức xếp hạng có ảnh hưởng rất lớn trong việc dẫn dắt luồng vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam.
Theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường trong nước, bao gồm: Nâng hạng thị trường dự kiến sẽ thu hút dòng vốn ngoại ròng khoảng 7,2 tỷ USD/năm vào Việt Nam; Khả năng định giá cổ phiếu được cải thiện, từ đó ảnh hưởng tích cực đển công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; Việc được nâng cấp lên trạng thái từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ dẫn đến cơ sở nhà đầu tư đa dạng hơn, góp phần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trong nước.
Trong Báo cáo Phân loại thị trường mới nhất của FTSE Russell được công bố ngày 30/3/2023, Việt Nam tiếp tục là thị trường cận biên (Frontier) và nằm trong Danh sách theo dõi khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market). Về cơ bản, Việt Nam đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí đối với xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp của FTSE.
Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nỗ lực tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bên có liên quan để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại để thị trường chứng khoán sớm được nâng hạng theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Hai nhóm vấn đề mang tính trọng yếu trước mắt ảnh hưởng đến việc nâng hạng cho thị trường chứng khoán đòi hỏi sự phối hợp với các cơ quan bên ngoài bao gồm: (i) Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước), và (ii) Giới hạn sở hữu nước ngoài (thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Theo đó, đối với yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, hiện tại, Việt Nam vẫn quy định phải bảo đảm đủ tiền và chứng khoán trước giao dịch theo các quy định tại Thông tư 120/2020/TT-BTC. Trong khi đó, yêu cầu của các tổ chức xếp hạng thì “Không yêu cầu ký quỹ trước giao dịch”. Do vậy, phương án để có thể tháo gỡ được đặt ra thông qua việc triển khai đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường cơ sở và dần tiến tới giảm ký quỹ trước giao dịch.
Hiện nay, Trung tâm Lưu lý Chứng khoán (VSDC) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chuẩn bị xây dựng mô hình CCP cho thị trường cơ sở, cụ thể: Mô hình 1 là khi ngân hàng lưu ký được chấp thuận là thành viên bù trừ. Mô hình này cần có sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước trong việc sửa đổi quy định liên quan trong lĩnh vực ngân hàng.
Đối với vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài, một số giải pháp được đề xuất gồm triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR); triển khai cổng công bố thông tin giao dịch ngoài biên độ của nhà đầu tư nước ngoài (Foreign Board) với các cổ phiếu hết room ngoại; đẩy mạnh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu nước ngoài.
Về công tác quản lý hoạt động phát hành chứng khoán, cần tăng cường giám sát, kiểm tra đối với hoạt động huy động, sử dụng vốn của các tổ chức phát hành; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; phối hợp chặt chẽ với Hội Kiểm toán viên hành nghề trong đào tạo, đánh giá chất lượng báo cáo tài chính và giám sát, xử lý vi phạm đối với công ty kiểm toán, kiểm toán viên.
Về công tác quản lý tổ chức kinh doanh chứng khoán, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung giám sát, kiểm tra các hoạt động cho vay ký quỹ, các dịch vụ tài chính, đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính và các quy định pháp luật tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Về công tác giám sát, thanh tra trên thị trường chứng khoán, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó phát huy vai trò của tuyến giám sát nhất là các công ty chứng khoán, tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch và bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát; hoàn thiện và đưa vào sử dụng Hệ thống công nghệ thông itn phục vụ thanh tra, giám sát.
Cùng với đó là nỗ lực thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp vào thị trường chứng khoán. Số lượng nhà đầu tư vào chứng chỉ quỹ quý I/2023 có sự tăng trưởng cao (tổng số lượng 212.636 nhà đầu tư quỹ mở, tăng 18% so với cùng kỳ), cho thấy nhà đầu tư đang dần quan tâm hơn đến loại hình đầu tư mới, góp phần dịch chuyển từ nhà đầu tư cá nhân sang nhà đầu tư tổ chức. Số lượng quỹ đầu tư chứng khoán mở mới trong năm vừa quan tăng nhanh, từ mức chỉ có 47 quỹ vào năm 2019 thì đến nay là 103 quỹ, tăng gấp 2,19 lần.
Cùng với công tác cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công bố thông tin về 1 đầu mối…, trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh về công tác truyền thông, duy trì thường xuyên việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nhanh và đầy đủ nguồn thông tin chính thống, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường.