Đánh bắt thủy sản: Cần giải pháp mạnh để lập lại trật tự
Đẩy mạnh giải pháp gỡ "thẻ vàng" của EC | |
Doanh nghiệp thủy sản tìm thị trường xuất khẩu mới |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), EC vừa mới gửi kết quả của đợt kiểm tra việc khắc phục “thẻ vàng” (từ ngày 15 đến 24/5/2018) tại Việt Nam. Dự kiến đến tháng 1/2019, tổ chức này sẽ quay lại Việt Nam để xem xét lại việc khắc phục những tồn tại đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam.
Các địa phương cần quyết liệt hơn trong công tác quản lý, xử lý tàu khai thác thủy sản trái phép |
Có thể nói, đây là thông tin đáng mừng đối với những nỗ lực của Bộ NN&PTNT và các địa phương ven biển tích cực thực hiện các quy định đối với hoạt động khai thác thủy sản. Song chừng đó vẫn chưa thuyết phục được EC gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam. Do đó, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo các chuyên gia, thực tế, tình trạng đánh bắt thủy sản bất hợp pháp diễn ra ở hầu hết các vùng biển. Vấn đề này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nghiệp, thu nhập của chính ngư dân và môi trường sinh thái. Hiện vẫn tồn tại nhiều phương thức khai thác không còn phù hợp và vi phạm pháp luật như đánh giã cào, dùng thuốc nổ, kích điện đánh bắt ngay trong mùa sinh sản...
Do lợi nhuận cao, nên tình trạng đánh bắt thủy sản bất hợp pháp đang phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, khu vực biển Đông Nam Á, Biển Đông và một số vùng biển khác của Việt Nam đang có diễn biến phức tạp. Do đó, cần sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, các ngành liên quan và chính quyền địa phương để lập lại trật tư khai thác đánh bắt hải sản trên biển.
Trước thực trạng này, thời gian qua Chính phủ đã tập trung chỉ đạo đối với hoạt động khai thác thủy sản. Trên tinh thần đó, 28 địa phương ven biển, ngư dân cùng vào cuộc quyết liệt để triển khai có hiệu quả.
Bình Định là một trong những địa phương có hoạt động khai thác thủy sản phát triển. Đây cũng là nơi có số lượng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ khá lớn trong thời gian qua. Mặc dù, chính quyền đã nỗ lực vào cuộc, số vụ tàu đánh bắt bị nước ngoài bắt giữ có giảm, song vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề này.
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, địa phương nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để cụ thể hóa Chỉ thị 45/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU. Cho đến nay, tình hình bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực nhất định. Trong 7 tháng đầu năm 2018, Bình Định có 13 tàu cá với 107 ngư dân ở huyện Phù Cát và Hoài Nhơn bị nước ngoài bắt giữ, giảm 4 tàu so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, việc kiểm tra, kiểm soát tàu xuất, cập bến gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là các thành viên tổ thường trực tại các cảng cá không nhiều, lại làm việc kiêm nhiệm, khó đảm bảo túc trực 24/24 giờ tại các cảng cá. Trong khi, tàu cá của ngư dân hoạt động theo chu kỳ mặt trăng, thời gian kiểm tra 1 tàu cá khá dài nên khó bố trí lực lượng để thực thi nhiệm vụ.
Cùng với đó, công tác phối hợp giữa Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an, Thanh tra chuyên ngành thủy sản và chính quyền địa phương ven biển để kiểm tra xử lý các tàu cá vi phạm lãnh hải chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Ngư dân vẫn chưa quen với việc ghi chép nhật ký hành trình khai thác thủy sản, chưa thực hiện tốt quy định khai báo tàu cá xuất, cập bến trước 1 giờ...
Một trong những khó khăn lớn nhất của địa phương là khó xử lý tàu khai thác thủy sản vi phạm lãnh hải nước ngoài. Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định), nguyên nhân là do nhiều chủ tàu chỉ thuê hoặc hợp tác ăn chia theo năng suất với thuyền trưởng và thuyền viên mà không có những quy ước chặt chẽ. Đây cũng là cái khó của chính quyền địa phương trong công tác xử lý tàu vi phạm.
Tại hội nghị đánh giá kết quả và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU, do UBND tỉnh Bình Định tổ chức mới đây, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận, để tàu cá của ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài, không đảm bảo quy định IUU làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước, có phần trách nhiệm của Sở NN&PTNT, UBND các địa phương ven biển và một số đơn vị khác không thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định. Do đó, yêu cầu ngành chức năng, chính quyền địa phương quyết liệt thực hiện, không lơ là, phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng, mang tính cấp thiết của các địa phương, đơn vị.
Theo các chuyên gia, để EC gỡ bỏ thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, Bộ NN&PTNT, các địa phương ven biển cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của địa phương trong việc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC. Đồng thời, vận động ngư dân cam kết không vi phạm lãnh hải nước ngoài. Những tàu cá và ngư dân vi phạm phải bị xử lý nghiêm, cắt tất cả các chính sách hỗ trợ liên quan đến nghề cá...
Ngày 23/10/2017 EC đã rút "thẻ vàng" đối với thuỷ sản khai thác của Việt Nam và đưa ra 9 khuyến nghị mà Việt Nam cần khắc phục trong thời gian 6 tháng (đến ngày 23/4/2018). Sau thời hạn đó, EC sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá việc khắc phục 9 khuyến nghị và xem xét gỡ "thẻ vàng" cho thuỷ sản Việt Nam. Nếu Việt Nam triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của EC với các minh chứng cụ thể thì tình trạng cảnh báo “thẻ vàng” được dỡ bỏ. Nếu việc triển khai các quy định của EC về IUU có tiến bộ, EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu. Nếu trong trường hợp cảnh báo của EC không được thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả, EC sẽ ban hành “thẻ đỏ”, khi đó lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ được áp dụng. |