Đầu tàu kinh tế loay hoay tìm cơ chế đặc thù
Trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết 31/12/2023 | |
TP.HCM: Ngân hàng nỗ lực hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp |
Cơ chế vượt trội nhưng triển khai chưa hiệu quả
Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, sau 5 năm thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng, ngoại trừ các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, chỉ cao hơn một chút so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, do trong 5 năm thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù, có tới 2 năm cả nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, khiến TP. Hồ Chí Minh cũng tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm 6,78% trong năm 2021.
Có thể thấy ngay cả trong giai đoạn tăng trưởng thuận lợi thì tốc độ tăng trưởng bình quân của TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạt 7,72% - cao hơn một chút so với bình quân chung của cả nước (khoảng 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019). Tốc độ tăng trưởng này cũng cách xa so với kỳ vọng về việc áp dụng cơ chế đặc thù sẽ tạo lực đẩy để thành phố bứt phá trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết 54 của Quốc hội trao một số quyền cho TP. Hồ Chí Minh với 18 nội dung thuộc 4 lĩnh vực quản lý gồm: quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc địa phương quản lý, có hiệu lực từ tháng 1/2018 đến hết năm 2022. Trong báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 54, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, mặc dù Nghị quyết 54 đã cho phép thành phố được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, thông thoáng nhằm tăng cường nguồn lực cho thành phố, nhưng qua gần 5 năm thực hiện, nhiều chính sách vẫn chưa được triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả.
Đơn cử như chính sách đặc thù trong quản lý đất đai, Nghị quyết 54 trao quyền cho HĐND TP. Hồ Chí Minh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên, giúp rút gọn quy trình, tiết kiệm thời gian, không phải mất khoảng 6 tháng để chờ ý kiến Thủ tướng như trước. Nhờ đó, đến nay HĐND thành phố đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa. Tuy nhiên, do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa chuẩn bị tốt, 31/32 dự án chưa hoàn thành tiến độ, 1 dự án bị hủy bỏ danh mục thu hồi. Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phân trần, mặc dù cơ chế đã cho phép nhưng khi thực hiện thì không đơn giản do vướng thủ tục, các quy định của Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành khác, dẫn đến chậm triển khai.
Một cơ chế khác về quản lý tài chính - ngân sách là cho phép TP. Hồ Chí Minh hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền với đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, khi thực hiện lại vướng thẩm quyền phê duyệt phương án, do các cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố chưa sắp xếp phương án sử dụng đất, nên thành phố không có cơ hội để triển khai. Kết quả là sau gần 5 năm, TP. Hồ Chí Minh cũng chưa thu được khoản nào từ chính sách này.
Có thể thấy, việc thực hiện nhiều cơ chế đặc thù theo tinh thần Nghị quyết 54 mới thống nhất về mặt chủ trương, còn khi triển khai vào thực tiễn thì vẫn còn nhiều vướng mắc nằm ngoài khả năng giải quyết của chính quyền thành phố.
Cần được phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn
Trong năm 2021 vừa qua, một số địa phương như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế đã tổng kết và đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với từng địa phương. Xu hướng này vẫn chưa dừng lại khi các địa phương khác đang tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù của riêng mình.
Điều đó cho thấy, những chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 sẽ sớm không còn đặc thù và áp dụng với riêng TP. Hồ Chí Minh nữa. Vì vậy chia sẻ về định hướng xây dựng chính sách trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết, sẽ kiến nghị trung ương chọn TP. HCM làm nơi thí điểm những cơ chế, chính sách mới.
Chia sẻ kỳ vọng về việc trình phương án gia hạn 1 năm việc thí điểm cơ chế đặc thù cho đầu tàu kinh tế của cả nước, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc kéo dài thời gian thí điểm sẽ tạo điều kiện để Chính phủ và thành phố chuẩn bị tốt hơn các cơ chế đột phá, vượt trội giúp thành phố khai thác các nguồn lực tốt hơn. Ông Mãi kỳ vọng, Nghị quyết 54 sẽ được bổ sung và chứa đựng nhiều cơ chế tốt hơn. “Tới thời điểm này chúng tôi sẽ lựa chọn các cơ chế mới vượt trội nhưng có tính khả thi. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ chế chính sách cho thành phố Thủ Đức là thành phố trong thành phố để hoạt động hiệu quả hơn, và bước đầu đề xuất cơ chế để hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh”, ông Mãi chia sẻ về định hướng sắp tới.
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, hiện nay lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 62% trong tổng GRDP của thành phố. Qua thời gian, các lĩnh vực công nghiệp nặng, thâm dụng lao động đã dịch chuyển sang các đô thị vệ tinh xung quanh. Vì vậy việc xây dựng cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới cần bám vào định hướng phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ thông minh, hoạt động fintech… Riêng về phát triển kinh tế số, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu trở thành đầu tàu kinh tế số của cả nước, chiếm từ 25-30% trong GRDP của thành phố.
Bên cạnh đó, ông Ngân cũng đề xuất các bộ, ngành cần có cơ chế phân cấp cho lãnh đạo thành phố để thực hiện một số hoạt động quản lý chuyên ngành. Bởi theo ông Ngân, Nghị quyết 54 có quy định rõ, nếu trong quá trình triển khai có sự khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết 54 với các luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo Nghị quyết 54. Tuy nhiên trong thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 54, trong một số trường hợp cụ thể, khi gặp vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh giữa các quy định, TP. Hồ Chí Minh gửi văn bản hỏi các bộ, ngành thì câu trả lời nhận được là thực hiện theo quy định hiện hành. “Như vậy các vướng mắc sẽ khó có thể được tháo gỡ, dẫn đến cơ chế đặc thù bị vô hiệu hóa”, ông Ngân nhấn mạnh.y