Đầu tư hạ tầng để giảm chi phí logistics
Nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt gần 40,55 tỷ USD. Trong đó có 6/9 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD. Nhưng bài toán về chi phí logistics đang đè nặng lên DN.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Nông trại hữu cơ Việt Nam chia sẻ, điều đáng bàn là có thời điểm 1kg rau xuất khẩu sang Trung Quốc, công ty phải trả tới 700 đồng cho phí logistics, làm đội giá thành, khiến rau của Việt Nam khó cạnh tranh với hàng của Trung Quốc. Thậm chí, dù đã chấp nhận trả giá cao, doanh nghiệp cũng không gọi được xe vận chuyển. Đó là "nỗi đau" của những người làm doanh nghiệp.
Ảnh minh họa |
Ông Triệu Thành Nam, Phó Trưởng phòng Chính sách thương mại kiêm Tổ trưởng Tổ thị trường châu Âu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN&PTNT cho biết, chi phí cho logistics trong chuỗi giá trị của nông sản Việt đang chiếm 20-25% tổng chi phí, là con số khá cao so với mức trung bình 10-15% của nhiều nước trong khu vực. Đây có thể xem là nguyên nhân chính dẫn đến giảm sức cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực Việt Nam tại các thị trường tiềm năng.
Quy mô logistics của Việt Nam hiện khá nhỏ, phần lớn bị đứt đoạn và thủ công. Việt Nam cần đầu tư sâu và rộng hơn nữa cho ngành logistics để quy mô sản xuất hàng hóa có thể phát triển tương xứng, ông Triệu Thành Nam bày tỏ.
Tính mùa vụ của nông sản Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến chi phí logistics bị đội lên quá cao. Doanh nghiệp đầu tư đội xe, nhà kho nhưng chỉ đến vụ mới có việc làm nhiều, nên phí ắt sẽ cao. Lại nữa, vào mùa cao điểm, chi phí vận chuyển Bắc - Nam khá cao.
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta chia sẻ, doanh nghiệp ở Bình Thuận có khi phải trả đến 70 triệu đồng cho một container vận chuyển thanh long lên cửa khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải tính tới các chi phí vô hình khác như đợi chờ thông quan... Trong khi vận tải đường thủy hiệu quả gấp 200 lần đường bộ và chi phí vận hành cũng ít hơn, một con tàu có thể chở nhiều container. Trong vận chuyển nông sản, ở nhiều nước trên thế giới có sự linh hoạt, dùng cả đường sắt, đường thuỷ, còn Việt Nam chủ yếu sử dụng đường bộ.
Số liệu từ Bộ Giao thông - Vận tải cho thấy, thị phần vận tải đường bộ tại Việt Nam đang chiếm tới 78%, đường thuỷ 18%, còn lại là đường sắt và đường biển. Do đó, muốn giải bài toán logistics cho ngành nông nghiệp, đồng nghĩa việc Việt Nam cần phải giảm tỷ trọng vận tải đường bộ. Để làm được điều này phải có sự đầu tư lớn vào hạ tầng đường sắt, đường thủy... Từ đó mới có khả năng kết nối giữa các phương thức vận chuyển, ông Nghĩa đề xuất.
Logistics là khâu không thể thiếu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp nhưng đây cũng là công đoạn còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị của nông sản. Vận chuyển đường thuỷ, đường biển rất tiềm năng, chi phí rất rẻ nếu khai thác tốt sẽ giúp nông sản giảm được giá thành, người nông dân và doanh nghiệp bớt lo "được mùa thì mất giá, mà được giá thì mất mùa".
EVFTA có hiệu lực từ 1/8 là một bước đệm cho nông sản Việt Nam. Trong chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ có đề cập đến vấn đề giảm chi phí logistics. Muốn vậy, cần đầu tư về hạ tầng nhiều hơn nữa, giúp giảm chi phí, đồng thời đa dạng hoá phương thức vận chuyển, ông Triệu Thành Nam khẳng định.