Để hàng không Việt cất cánh mạnh mẽ trở lại
Song, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành hàng không rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Sau gần 2 năm hoạt động cầm chừng, các hãng bay đều đã cạn kiệt dòng tiền, đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán, đặc biệt là nguy cơ phải dừng hoạt động.
Theo đại Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), dịch bệnh khiến doanh thu ngành hàng không giảm sút nghiêm trọng: 80-90% máy bay phải nằm tại sân bay trong mùa cao điểm; doanh thu toàn ngành chỉ đạt 10-20%. Vận chuyển hành khách năm 2020 giảm gần 50% so với năm 2019; điều hành bay 6 tháng đầu năm 2021 giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vận chuyển chỉ đạt 13,5 triệu hành khách, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2020...
Không chỉ các doanh nghiệp hàng không, mà toàn bộ các doanh nghiệp liên quan đến dây chuyền vận tải hàng không đều bị ảnh hưởng mạnh, như dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ thương mại mặt đất, sản xuất các suất ăn, các công nghiệp phụ trợ khác. Nhưng hiện các hãng bay vẫn phải duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, khi đang “cõng” 100 tỷ đồng chi phí hoạt động mỗi ngày, dù đa phần máy bay vẫn nằm dưới mặt đất.
Các hãng hàng không tư nhân như VietJet Air, Bamboo Airways… đang trong tình trạng kiệt quệ tài chính và chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines nhận được khoản hỗ trợ của Chính phủ trị giá 4.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn trong cả gói 12.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tính tới tháng 6/2021, nợ ngắn hạn của 3 hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo airways) ước tính lên tới 36.000 tỷ đồng, trong đó khoản nợ của Vietnam Airlines là 20.000 tỷ đồng.
Cụ thể, tính đến 30/6/2021, Vietjet Air đang nợ 8 ngân hàng và một khoản vay ngắn hạn khác lên tới 6.813 tỷ đồng. Tiếp đến, khoản phải trả Công ty cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex và các nhà cung cấp lớn lên tới 5.683 tỷ đồng…
Cùng cảnh ngộ này, các khoản công nợ cảnh báo quá hạn đối tác, nhà cung cấp của Vietnam Airlines lên đến 13.340 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ lớn nhất là hơn 7.099 tỷ đồng tiền thuê máy bay từ 12 đối tác. Ngoài ra, 4.021 tỷ đồng nợ quá hạn nhiên liệu, sửa chữa bảo dưỡng động cơ, phụ tùng vật tư. Các khoản nợ đến hạn cần thanh toán cho các ngân hàng trong năm 2021 là 2.053 tỷ đồng, 1.847 tỷ đồng là khoản nợ dịch vụ chuyến bay, dịch vụ hàng không…
Sáng ngày 7/7/2021, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với ba ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Tại Lễ ký này, các tổ chức tín dụng cam kết cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ Vietnam Airlines ứng phó, vượt qua khủng hoảng và bảo đảm khả năng phục hồi, phát triển của Vietnam Airlines sau đại dịch. Theo Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, sau khi giải ngân tổng số tiền 4.000 tỷ đồng dưới hình thức vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, Vietnam Airlines sẽ sử dụng nguồn lực này để thanh toán các khoản nợ quá hạn và thanhtoán các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh. |
TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VABA cho biết, hiệp hội đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways, Vietjet Air. Thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần. Đồng thời, hiệp hội này cũng đề xuất cho phép giảm 70% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không đến ngày 30/6/2022. Tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không đến hết năm 2022…
Các chuyên gia đều nhất trí rằng, cần sớm có giải pháp toàn diện, mạnh mẽ hỗ trợ ngành hàng không, để các hãng bay không rơi vào nguy cơ phá sản. Nhưng để có thể tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại và các giải pháp tài chính khác ở thời điểm này, cần có một cơ chế đặc biệt.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện tất cả các doanh nghiệp đều khó khăn, không riêng ngành hàng không. Quan trọng là phải xây dựng hành lang pháp lý trong khuôn khổ pháp luật cho phép để các tổ chức tín dụng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn lúc này.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS-TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM khẳng định, ủng hộ việc nên hỗ trợ, thậm chí là “giải cứu” ngành hàng không. Tuy nhiên, cần nhìn câu chuyện một cách rộng hơn trong tổng thể của ngân sách và của nền kinh tế quốc gia. Theo đó, phải đạt được mục tiêu kép, vừa phải nỗ lực hồi phục, tạo đà tăng trưởng cho ngành này, vừa phải bảo toàn được vốn ngân sách nhà nước (NSNN), cân đối và tạo được sự bền vững cho NSNN. Như vậy mới công bằng, phải để khoản ngân sách “giải cứu” ngành hàng không là một khoản đầu tư có hiệu quả.
Vì vậy, cần thiết phải có những điều kiện ràng buộc các hãng bay khi muốn tiếp cận gói “giải cứu” phải tự cân đối tài chính, cắt giảm chi phí hoạt động và tự tái cấu trúc các khoản đầu tư cho phù hợp. Đơn cử, bên cạnh việc cắt giảm nhân công, các hãng phải bán bớt tài sản, thanh lý dự án, thoái vốn công ty con một cách phù hợp…
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)