Để nâng cao thị phần rau quả Việt tại EU
Theo ông Trần Văn Công - tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại châu Âu, EU là thị trường nhập khẩu rau quả có quy mô lớn nhất thế giới, trị giá 135 tỷ Eur/năm, chiếm 45% giá trị thương mại mặt hàng rau quả toàn cầu. Các nước EU đang trong quá trình phục hồi rất mạnh mẽ. Sau giai đoạn phong tỏa, giãn cách, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thực phẩm của người dân EU sẽ tăng nhanh. Tuy nhiên, lượng rau quả EU nhập khẩu từ Việt Nam mới chiếm một lượng rất nhỏ, chưa tới 1% lượng rau quả nhập khẩu của thị trường này.
Ảnh minh họa |
Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh cho biết, Hà Lan là thị trường không lớn nhưng có vị trí rất quan trọng vì tập trung các nhà bán buôn chủ chốt tại châu Âu. Các mặt hàng trái cây Việt Nam tại đây nhìn chung có số lượng ít, chủ yếu là dưới dạng cấp đông, sơ chế cấp đông. Trái cây tươi Việt Nam hiện vào Hà Lan rất ít, chủng loại hạn hẹp, chỉ mấy loại như chanh leo, nhãn. Bên cạnh đó, nguồn hàng nông sản của Việt Nam chưa ổn định, hơn nữa phần lớn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của EU... Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường EU còn thấp, mà nguyên nhân dễ nhận thấy là do chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực tế thì diện tích vùng nguyên liệu sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ còn rất nhỏ. Quy trình bảo quản chế biến sau thu hoạch chưa tốt, dẫn đến tỷ lệ hàng kiểm tra không đạt yêu cầu còn cao. Mặt khác, hiện chi phí logistics còn quá cao, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU còn khiêm tốn, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp… Các chương trình quảng bá, xây dựng thương hiệu rau quả tại thị trường EU còn rời rạc và khá mờ nhạt.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T group cho biết, để đưa trái cây vào thị trường EU phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe, chi phí xin cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn rất cao. Thông thường thu mua 1 tấn nông sản, doanh nghiệp chỉ lựa được khoảng 30 - 40% để xuất khẩu sang EU. Hiện tại, công nghệ bảo quản trái cây của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ. Trong khi đó, thị hiếu tiêu dùng tại mỗi nước EU là khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả kiến nghị các bộ, ngành liên quan thường xuyên cập nhật thông tin về quy định, nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng tại các nước EU. Từ đó xây dựng chiến lược quảng bá quốc gia cho một số mặt hàng thế mạnh và xem xét khả năng thành lập các hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường EU.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, có nhiều doanh nghiệp “đơn độc” mở đường xuất khẩu sang EU, nhưng đã đến lúc chúng ta không nên đi theo cách đó, muốn đi nhanh đi một mình nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau. Các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp, hình thành các liên minh, hiệp hội để cùng quảng bá cho thương hiệu rau quả và nông sản của quốc gia. Việc thành lập liên minh, hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu sang EU sẽ giúp nông sản đi xa hơn. Việt Nam cần có chiến lược tổng thể về xuất khẩu trái cây sang EU, tránh kiểu nông dân tư duy mùa vụ, doanh nhân tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Cần xây dựng chiến lược dài hơi, trong đó có vai trò của các bộ, ngành, địa phương. Sau chiến lược là kế hoạch hành động của các cơ quan, doanh nghiệp và tham tán thương mại ở nước ngoài.