Để ngành thủy sản phát triển bền vững
Gắn tái cấu trúc thuỷ sản với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị | |
Xuất khẩu thủy sản cuối năm khó đạt mức tăng trưởng cao |
Khai thác, đánh bắt hải sản còn nhiều tồn tại
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 6/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Là lĩnh vực được lựa chọn chất vấn đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã nhận được các chất vấn và giải trình liên quan đến các nội dung về chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu, chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ cao và công tác mở cửa phát triển thị trường nông sản thủy sản; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển…
Trong đó, liên quan công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển, nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng từ thực trạng đánh bắt cá trái phép, khai thác quá mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững mà biểu hiện rõ nét nhất là việc Việt Nam đang bị "thẻ vàng" từ Uỷ ban châu Âu (EC). Cụ thể các Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội), Thái Trường Giang (Cà Mau), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)… nêu câu hỏi Chính phủ có các chính sách, giải pháp đột phá gì để cơ cấu lại phát triển bền vững ngành thủy sản và tháo gỡ được thẻ vàng này.
Giải trình các chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ khi bị EC rút thẻ vàng đến nay, chúng ta đã tập trung nỗ lực, thực hiện các chương trình hành động ở các cấp với nhiều bước triển khai để cải thiện tình hình. Cho đến nay, một trong những kết quả đạt được là phía EC ghi nhận khung khổ pháp luật việt Nam đã tiệm cận với yêu cầu của EC. Bên cạnh đó, không phát hiện vụ vi phạm khai thác trái phép nào trên toàn bộ các tuyến của Thái Bình Dương, các quốc đảo...
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại chưa được giải quyết hết. Trong đó, vi phạm ở vùng biển phía Nam vẫn còn. Cụ thể, năm 2019 còn xảy ra 113 vụ - mà lỗi vi phạm này phía EC rất gay gắt. Bên cạnh đó, việc thực hiện các bước khác, từ công tác tổ chức, quản lý, khai báo ghi nhận của doanh nghiệp, của ngư dân cũng chưa triệt để. Ngoài ra, tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát của chúng ta trên các tuyến biển cũng chưa làm được tốt.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin, hiện EC đang cử một phái đoàn kiểm tra sang tiếp tục kiểm tra lần thứ hai: “Quan điểm của chúng tôi phấn đấu để rút thẻ vàng nhưng không phải vì riêng EC mà vì một nghề cá bền vững của Việt Nam. Chúng tôi tự xác định trách nhiệm như vậy. Do đó, việc sau này trùng với kết quả được rút thẻ vàng là một điều mừng để chúng ta thúc đẩy nông sản xuất khẩu. Nhưng kể cả không có những chuyện đó thì chúng ta vẫn phải làm”.
Khó mấy cũng phải làm
Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh, đây là việc “cực kỳ khó”. “Chúng ta có hàng triệu ngư dân, 96.606 tàu trong đó hơn 2.000 tàu lớn với một phạm vi hoạt động lớn, nên dù cố gắng chỉ đạo cùng một lúc và quyết liệt nhưng chuyện này không thể thực hiện được trong một sớm một chiều. Bây giờ chúng ta phải đồng lòng, tiếp tục quyết liệt vì quyền lợi lâu dài, vì thương hiệu Việt Nam. Nếu chúng ta có thể rút được thẻ, thủy sản Việt Nam có thể xuất khẩu đi các nước một cách hiên ngang. Việc này cũng hướng đến lợi ích lâu dài của con cháu, vì quyền lợi sát sườn của người ngư dân”, Bộ trưởng Cường nói.
Giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn, thách thức. Trong đó, hệ thống hạ tầng còn lạc hậu, tổ chức sản xuất chưa đạt hiệu quả cao, giá trị giá sản phẩm còn thấp ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, vấn đề bảo vệ nguồn thủy sản chưa được chú trọng, đặc biệt là vẫn còn tình trạng tàu cá nước ta đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
“Nếu không được gỡ thẻ vàng, thậm chí bị nâng cấp cảnh báo thì sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của thuỷ sản, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của ngành thủy sản”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói và đề nghị đại biểu Quốc hội phối hợp với lãnh đạo các địa phươngcùng các bộ, ngành liên quan tập trung để khắc phục tình trạng mà phía EC đã khuyến nghị để có thể sớm gỡ thẻ vàng cho thuỷ sản Việt Nam.
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu (Đại biểu Lê Công Nhường - Bình Định; Phan Thái Bình - Quảng Nam; Lưu Bình Nhưỡng - Bến Tre…) cũng nêu các vấn đề vướng mắc liên quan đến “tàu 67” đặc biệt là các giải pháp để xử lý vấn đề nợ xấu cao, tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ để trục lợi, hay vì sao các hành vi phạm trong lĩnh vực đóng tàu cho ngư dân chưa bị khởi tố, điều tra, xử lý…
Ghi nhận chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Cường cho rằng, để đề phòng và ngăn chặn nguy cơ trục lợi chính sách của Nghị định 67, có hai nhóm giải pháp tới đây sẽ tập trung. Trong đó về quản lý nhà nước, cần thực hiện nghiêm Luật Thủy sản mới ban hành. Theo đó người đánh bắt phải tham gia đăng ký thiết bị định vị hành trình; nếu không thực hiện sẽ vi phạm Luật Thủy sản và Bộ sẽ yêu cầu tỉnh không cấp phép nữa. Bên cạnh đó, sẽ rà soát lại các khâu, kể cả các chi cục thủy sản và đề nghị các địa phương nếu phát hiện ra chi cục thủy sản nào vi phạm việc này sẽ phối hợp xử lý kiên quyết.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thông tin, Chính phủ tới đây sẽ rà soát lại các cơ chế, chính sách để sửa đổi,bổ sung, xây dựng mới nhằm tái cơ cấu và hỗ trợ phát triển ngành thuỷ sản bền vững. Trong đó, tháng 12 tới đây sẽ có hội nghị tổng kết Nghị định 67 để đánh giá những điểm được và điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp như cơ chế về tín dụng cho ngành thuỷ sản.
Giải trình bổ sung phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Hiện nay tổng dư nợ cho vay theo Nghị định số 67 khoảng 10.500 tỷ đồng và nợ xấu là 33%. Trước diễn biến tình hình trên, từ cuối năm 2018 NHNN với trách nhiệm của mình trong theo dõi hoạt động tín dụng đã chủ động báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm triển khai các biện pháp. Gần đây nhất ngày 30/10/2019, sau khi làm việc với các địa phương, cũng như các bộ, ngành liên quan, NHNN tiếp tục có báo cáo Thủ tướng để có các giải pháp căn cơ. Về phía ngành Ngân hàng, trong thời gian vừa qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD trong thẩm quyền của mình tiến hành các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Trên thực tế đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho rất nhiều những khách hàng nông dân, ngư dân vay vốn. Ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước và nợ lãi sau, thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu. Tuy nhiên, trước những diễn biến tình hình nợ xấu còn tiếp tục phát sinh như vậy, NHNN đã báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các bộ, ngành, trước hết là Bộ NN&PTNT tới đây cần tham mưu cho Chính phủ để phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi thủy sản và các nhóm nghề, ngư trường khai thác, hướng dẫn ngư dân và các địa phương để tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác một cách hiệu quả và bền vững hơn. NHNN cũng kiến nghị Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai chỉ đạo của Thủ tướng đã có từ cuối năm 2018. Trong đó, tập trung phối hợp với ngành Ngân hàng để rà soát các trường hợp. Với những trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục hỗ trợ để cùng với ngành Ngân hàng cơ cấu lại nợ. Với những trường hợp khác có biểu hiện ỷ lại, chây ỳ thì phối hợp với ngành Ngân hàng để tiến hành thu hồi nợ. Ngành Ngân hàng cũng phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Đặc biệt, có các giải pháp để xử lý chênh lệch giữa giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của chủ tàu cũ ở thời điểm bàn giao. Hướng dẫn bổ sung các giải pháp để hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận lại toàn bộ khoản nợ vay, bao gồm cả nợ quá hạn và nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Với các giải pháp này đòi hỏi các bộ, ngành, trong đó Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố và ngành Ngân hàng sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới để triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. |