Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững
Nhiều rủi ro
Hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp được coi là một kênh huy động vốn có nhiều ưu thế và còn nhiều dư địa đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt, với đặc điểm sinh lợi hấp dẫn, trái phiếu bất động sản có lợi thế trong việc thu hút đầu tư từ các tổ chức, quỹ cũng như tranh thủ nguồn vốn nhàn rỗi còn rất lớn ở trong dân.
Trong khi so với việc đi vay vốn ngân hàng thương mại, chủ đầu tư có thể vay được từ trái chủ với mức lãi suất thấp hơn.
Cần công khai minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam |
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh giúp các doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn trung, dài hạn, qua đó giúp giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Đặc biệt từ năm 2018, doanh nghiệp bất động sản bắt đầu phát hành lượng lớn trái phiếu ra thị trường, nhắm tới phân khúc nhà đầu tư cá nhân. Kể từ đây, thị trường này bắt đầu tăng trưởng và có sự phát triển bùng nổ trong suốt 3 năm qua, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, "do phát triển quá nóng, hành lang pháp lý còn chưa chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp đã lách kẽ hở pháp luật để huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng sai mục đích. Những vụ việc lùm xùm vừa qua liên quan đến trái phiếu bất động sản đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bình thường của các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam", ông Long chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết: Các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu để huy động vốn phần lớn là các doanh nghiệp chưa niêm yết, có sức khỏe tài chính ở mức yếu và đặc biệt là thiếu tính minh bạch. Hầu hết trái phiếu của các doanh nghiệp này đều là trái phiếu phát hành riêng lẻ và đều có tài sản đảm bảo hoặc sự bảo lãnh của bên thứ ba. Tuy nhiên, tài sản đảm bảo chỉ có tác dụng tạo áp lực cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ vì giá trị thu hồi rất thấp do thủ tục phức tạp và thời gian xử lý tài sản thế chấp kéo dài.
“Có một số trái phiếu doanh nghiệp còn được bảo đảm bằng cổ phiếu của các nhà phát hành. Rủi ro của việc này là khi doanh nghiệp phát hành rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ, đồng nghĩa với việc tài chính của doanh nghiệp gặp rủi ro cao, giá cổ phiếu trên sàn sẽ giảm sâu hoặc không còn giá trị", Luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.
Siết trái phiếu là cần thiết
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc xử lý các vi phạm trên thị trường chứng khoán nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, ổn định thị trường vốn, thị trường tài chính và thị trường chứng khoán, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để làm trong sạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng và phát triển thị trường lành mạnh, an toàn, tích cực.
Theo bà Hoàng Hải Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB), trước mắt cần phải có giải pháp để bảo vệ niềm tin của nhà đầu tư, song song với việc điều chỉnh các quy định pháp luật. Với trái phiếu doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ để rà soát khả năng chi trả của các tổ chức phát hành có trái phiếu đến hạn trong thời gian tới, tìm mọi biện pháp để có thể đảm bảo phương án trả nợ cho nhà đầu tư trái phiếu. Điều này giúp bảo vệ niềm tin và giữ dòng vốn đầu tư trên thị trường trước khi chúng ta có thể áp dụng các biện pháp dài hạn khác.
TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, cần quyết tâm cao hơn trong xây dựng môi trường pháp lý cũng như thành lập các công ty đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp có tính độc lập nhiều hơn và hiệu quả hoạt động cao, qua đó, nâng cao tính hiệu quả, độ an toàn cho phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Cơ quan quản lý cần tăng cường, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện và áp dụng các chuẩn mực quốc tế về tài chính, báo cáo tài chính đối với trái phiếu bất động sản cũng như các quỹ tín thác bất động sản (REIT) để bảo đảm tính công bằng, đánh giá hữu hiệu, đồng nhất hơn về chất lượng quản trị và kết quả hoạt động của doanh nghiệp và các quỹ. Đồng thời, sớm hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền lợi các nhà đầu tư trái phiếu, kể cả về mức độ ưu tiên hoàn trả nợ trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản cũng như chứng chỉ quỹ.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, cần phải bổ sung khung pháp lý thật sự minh bạch, cụ thể, trước hết là pháp lý liên quan đến điều kiện phát hành trái phiếu và cam kết thực hiện thỏa thuận phát hành cùng với quy chế giám sát thực hiện. Khung pháp lý cho hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp cần đề cao khâu tư vấn, đưa tư vấn thành một hoạt động chuyên nghiệp, được cấp phép. Đồng thời, cần chú trọng hơn nữa lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm theo hướng thành lập, cấp phép cho những tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm bài bản, khách quan, minh bạch. Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh tuân thủ pháp luật, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động công khai, minh bạch về mục đích huy động trái phiếu doanh nghiệp cũng như hiệu quả sử dụng vốn huy động từ kênh này để tạo niềm tin cho thị trường.
Còn TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, việc đầu tiên cần làm để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp là hạ nhiệt thị trường thông qua hoàn thiện các quy định về điều kiện phát hành, điều kiện bảo lãnh, hệ thống phân phối và hệ thống xếp hạng tín nhiệm đi đôi với nâng cao khả năng quản lý giám sát của cơ quan chức năng đối với tất cả các bên liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Một trong những tiêu chí hàng đầu của thị trường tài chính và chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng là phải đảm bảo tính công khai minh bạch.
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện rất yếu về công khai minh bạch thông tin, thậm chí có tình trạng thông tin sai lệch và che giấu thông tin”, ông Ánh chia sẻ thêm.