Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/6
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 8-12/6 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 15/6, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.239 VND/USD, tăng mạnh 17 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá bán và tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước duy trì niêm yết lần lượt ở mức 23.650 VND/USD và 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên tại 23.212 VND/USD, giảm 8 đồng so với phiên 12/6. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào trong khi tăng 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.200 - 23.250 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên hôm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,01 - 0,13 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước; cụ thể: qua đêm 0,21%; 1 tuần 0,31%; 2 tuần 0,47% và 1 tháng 0,89%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi giữ nguyên ở kỳ hạn 1 tháng; giao dịch tại: qua đêm 0,20%; 1 tuần 0,29%; 2 tuần 0,37%, 1 tháng 0,61%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 5 năm và 10 năm trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3 năm 1,33%; 5 năm 1,95%; 7 năm 2,53%; 10 năm 3,01%; 15 năm 3,17%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên 15/6, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 3,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, lực bán dâng cao ở các nhóm ngành như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, khu công nghiệp… khiến thị trường lao dốc. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mức 832,47 điểm, giảm mạnh 31,05 điểm (-3,60%); HNX-Index giảm 3,09 điểm (-2,64%) xuống 113,82 điểm; UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,73%) xuống 55,54 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường đạt khoảng 24.000 tỷ đồng, trong đó giao dịch khớp lệnh chiếm 7.500 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng đột biến gần 14.300 tỷ đồng, lực mua chủ yếu tập trung vào VHM thông qua giao dịch thỏa thuận.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Theo Bộ Tài chính, thu cân đối ngân sách nhà nước tháng 5 ước đạt 70,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 5 tháng đạt 577 nghìn tỷ đồng, bằng 38,2% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 5 ước đạt 130,3 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 5 tháng đạt 603,4 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tin quốc tế
Ủy ban châu Âu EC đã khuyến khích các nước trong khu vực Schengen nới lỏng kiểm soát biên giới nội bộ từ ngày 16/6. Pháp và Đức sẽ bắt đầu cho phép du khách từ bên ngoài châu Âu vào các nước này bắt đầu từ ngày 1/7, sẽ kiểm soát tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại các quốc gia khác nhau. Những ai đến từ Anh sẽ cần phải tự cách ly trong vòng 14 ngày.
Áo cũng bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày hôm nay đối với tất cả các nước thuộc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Anh. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha sẽ mở cửa biên giới với tất cả các nước thuộc Schengen từ ngày 22/6.
Nước Anh hiện chưa đưa ra thông báo cụ thể, và đang lên kế hoạch cách ly bắt buộc 14 ngày đối với mọi người dân nhập cảnh.
Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy lượng đầu tư tài sản cố định tại nước này trong tháng 5 giảm 6,3% so với cùng kỳ; nhỏ hơn mức giảm 10,3% của tháng trước đó nhưng tiêu cực hơn so với dự báo giảm 6,0%.
Tiếp theo, sản lượng công nghiệp của nước này tăng 4,4% so với cùng kỳ trong tháng 5, cao hơn so với mức tăng 3,9% của tháng 4 và thấp hơn một chút so với dự báo ở mức 5,0%.
Ngoài ra, doanh số bán lẻ tháng 5 giảm 2,8% so vo cùng kỳ năm trước, đã nhẹ hơn so với mức giảm 7,5% của tháng 4, song vẫn chưa đạt kỳ vọng chỉ giảm 2,3%.
Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc tháng 5 giảm xuống mức 5,9% từ mức 6,0% của tháng 4; khớp với dự báo của các chuyên gia.
Như vậy, tình hình kinh tế tháng 5 tại Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn mang lại sự yên tâm cho thị trường. Thêm vào đó, các ổ dịch tại Bắc Kinh vừa được phát hiện và có thể tiếp tục đè nặng lên kinh tế của nước này trong tháng 6.