Điểm lại thông tin kinh tế ngày 16/3
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 16/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/3 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ: Phiên 16/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.188 VND/USD, tăng nhẹ 02 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD.
Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.800 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên 15/03. Tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.440 VND/USD và 23.520 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 16/03, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 – 0,04 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 2,11; 1W 2,20%; 2W 2,23 và 1M 2,20%.
Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng lần lượt 0,02 và 0,04 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M; giao dịch tại: ON 0,16%; 1W 0,21%; 2W 0,28%, 1M 0,39%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn 3Y và 5Y trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 1,59%; 5Y 1,68%; 7Y 1,82%; 10Y 2,32%; 15Y 2,64%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng đồng đáo hạn trong phiên hôm qua. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ nguyên ở mức 1.019 tỷ đồng.
Thị trường TPCP: Ngày 16/03, KBNN huy động thành công 2.780/6.500 tỷ đồng gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 43%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.000/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 280/2.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu từng kỳ hạn tại 2,17%/năm (+0,02%); 2,47%/năm (+0,02%); 3%/năm (không thay đổi).
Thị trường chứng khoán: Phiên hôm qua tiếp tục là phiên hồi phục tốt của các chỉ số khi ghi nhận sắc xanh trong toàn bộ thời gian giao dịch; tuy nhiên, sự phân hoá xảy ra trên hầu hết các nhóm ngành khiến thị trường chưa thể bứt phá mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,59 điểm (+0,45%) lên 1.459,33 điểm; HNX-Index tăng 2,66 điểm (+0,60%) lên 446,18 điểm và UPCom-Index tăng 0,48 điểm (+0,42%) đạt 116,04 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm với tổng giá trị giao dịch đạt trên 21.900 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 306 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Ngày 15/03/2022, Thống đốc NHNN có văn bản số 1509/NHNN-TD yêu cầu các NHTM thực hiện một số giải pháp trong năm 2022. Theo đó, NHNN yêu cầu các NH chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công Thương), nhất là các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương phân giao sản lượng NK xăng dầu tăng thêm (danh sách công bố theo Quyết định của Bộ Công Thương) để kịp thời NK xăng dầu theo hạn mức NK góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tin quốc tế
Ngày 16/03 (rạng sáng 17/03 theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng hơn 3 năm qua. Sau cuộc họp chính sách tháng 3, Ủy ban Thị trường Mở liên bang FOMC, cơ quan hoạch định chính sách của FED, thông báo NHTW này quyết định tăng 0,25 đpt lãi suất cơ bản, qua đó nâng biên độ lãi suất của Fed lên mức từ 0,25% – 0,5%.
Fed cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát để có thêm các đợt nâng lãi suất tiếp theo. Fed cũng tuyên bố sẽ bắt đầu giảm việc nắm giữ các loại trái phiếu trong một phiên họp sắp tới. Fed cũng điều chỉnh lại một số dự báo đối với kinh tế Mỹ trước những diễn biến bất ngờ của thị trường xăng dầu quốc tế và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Cụ thể, Fed dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm 2022 sẽ đạt 2,8%, giảm khá nhiều so với dự báo 4% hồi tháng 12/2021. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát vào cuối năm nay sẽ ở mức khoảng 4,3%, cao hơn nhiều tỷ lệ lạm phát mục tiêu 2% của Fed.
Văn phòng Thống kê Mỹ cho biết doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại nước này lần lượt tăng 0,2% và 0,3% m/m trong tháng 2, thấp hơn mức tăng 0,9% và 0,4% của tháng trước đó.
Nguyên nhân chính khiến cho mức tăng thấp hơn kỳ vọng là do mức doanh số của tháng 1 được điều chỉnh thành 4,4% và 4,9% m/m; tích cực hơn rất nhiều so với mức tăng 3,8% và 3,3% theo thống kê sơ bộ. So với cùng kỳ năm 2021, doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ tăng rất mạnh, ở mức 17,6%.
Cán cân thương mại của nước Nhật thâm hụt 1,03 nghìn tỷ JPY trong tháng 2, sâu hơn mức thâm hụt 0,78 nghìn tỷ của tháng trước đó, đồng thời tiêu cực hơn mức thâm hụt 0,39 nghìn tỷ theo dự báo. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tháng 1 của nước Nhật được điều chỉnh thành mức giảm 0,8% m/m; bớt tiêu cực hơn so mức giảm 1,3% theo báo cáo sơ bộ.
Tỷ giá ngày 16/03: USD = 0.906 EUR (-0.74% d/d); EUR = 1.103 USD (0.74% d/d); USD = 0.761 GBP (-0.82% d/d); GBP = 1.315 USD (0.82% d/d); GBP = 1.192 EUR (0.08% d/d); EUR = 0.839 GBP (-0.08% d/d).