Điểm lại thông tin kinh tế ngày 16/4
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 14/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/4 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 16/4, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.236 VND/USD, tiếp tục tăng mạnh 9 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán vẫn được niêm yết ở mức 23.650 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.445 VND/USD, tăng 5 đồng so với phiên 15/4. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào trong khi không thay đổi ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.530 - 23.630 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 16/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,01 - 0,07 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,06 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 1,77%; 1 tuần 2,02%; 2 tuần 2,20% và 1 tháng 2,68%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,02 - 0,06 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng; giao dịch tại: qua đêm 0,33%; 1 tuần 0,53%; 2 tuần 0,77%, 1 tháng 1,12%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm 0,03 - 0,09 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng nhẹ ở kỳ hạn 15 năm, cụ thể: 3 năm 2,26%; 5 năm 2,50%; 7 năm 2,75%; 10 năm 3,19%; 15 năm 3,32%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên 16/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 3.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố vẫn với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất giữ ở mức 3,5%. Không có khối lượng trúng thầu, trong ngày không có đáo hạn. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ ở mức 13.187 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước vẫn không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ ở mức gần 147.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, cả ba chỉ số giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu, tuy nhiên đều chốt phiên trong sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mức 780,7 điểm, tăng 3,48 điểm (+0,45%); HNX-Index tăng 0,42 điểm (+0,39%) lên 108,75 điểm; UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,06%) lên 51,54 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với tổng giá trị giao dịch đạt gần 4.600 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 178 tỷ đồng trên cả ba sàn trong phiên hôm qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/3/2020, lũy kế vốn đầu tư giải ngân thuộc kế hoạch năm 2020 là 39.839,9 tỷ đồng, bằng 8,86% kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.
Cụ thể: (i) Vốn trong nước giải ngân là 37.818 tỷ đồng, bằng 9,6% kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước và bằng 9,2% kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao; (ii) Vốn ngoài nước kiểm soát, xác nhận qua Kho bạc Nhà nước là 2.021,9 tỷ đồng, bằng 3,6% kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước và bằng 3,4% kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao.
Tin quốc tế
Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết tuần kết thúc ngày 11/4 ghi nhận 5,245 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, thấp hơn tuần trước đó ở mức 6,6 triệu đơn, đồng thời thấp hơn dự báo ở mức 5,35 triệu đơn. Đây vẫn là mức đơn theo tuần cao thứ ba trong lịch sử nước Mỹ, tuy nhiên đã hạ nhiệt so với hai tuần đỉnh điểm trước đó.
Trên thị trường xây dựng, số cấp phép xây nhà ở mức 1,35 triệu căn trong tháng 3, thấp hơn 1,45 triệu căn của tháng 2 nhưng cao hơn dự báo ở mức 1,30 triệu căn. Tuy nhiên, số nhà khởi công trong tháng 3 chỉ đạt 1,22 triệu căn; thấp hơn 1,56 triệu căn của tháng 2 và thấp hơn mức dự báo 1,31 triệu căn.
Nước Úc trong tháng 3 đã tạo ra 5,9 nghìn việc làm mới, tuy giảm so với mức 25,6 nghìn của tháng 2 nhưng trái với dự báo mất đi 33 nghìn việc làm. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này trong tháng vừa qua chỉ tăng lên mức 5,2% từ mức 5,1% của tháng 2, tích cực hơn dự báo ở mức 5,4%. Một điểm tích cực khác là tỷ lệ người có việc làm trong tháng 3 được giữ ổn định ở mức 66%, không thay đổi so với tháng 2.
Ngày hôm qua 16/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Theo lệnh mới, nước Nhật sẽ tạm dừng nhiều trường học và doanh nghiệp cho tới hết ngày 6/5.
Các chuyên gia hy vọng chính sách này sẽ giúp Nhật Bản tạm thời khống chế sự lây lan của virus ở một mức nhất định, trong bối cảnh nước này đã có khoảng 9.500 người mắc bệnh và khoảng 200 người tử vong do dịch. Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định việc thiệt hại về kinh tế trong thời gian này là không thể tránh khỏi, nhưng bù lại sẽ tránh được những tổn thất lớn hơn trong dài hạn.