Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/4
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 13-17/4 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 21/4, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.246 VND/USD, tăng 8 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán vẫn được niêm yết ở mức 23.650 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.450 VND/USD, giảm trở lại 10 đồng so với phiên 20/4. Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.500 - 23.600 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 21/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,14 - 0,74 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: qua đêm 2,50%; 1 tuần 2,60%; 2 tuần 2,70% và 1 tháng 2,83%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 - 0,03 ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tuần, giao dịch tại: qua đêm 0,32%; 1 tuần 0,51%; 2 tuần 0,69%, 1 tháng 1,04%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng nhẹ 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 2,18%; 5 năm 2,49%; 7 năm 2,76%; 10 năm 3,19%; 15 năm 3,28%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên 21/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 3.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố vẫn với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 3,5%. Không có khối lượng trúng thầu, trong ngày có 783 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 1.070 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước vẫn không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trong ngày có 5.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức gần 137.000 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 4.217 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trưởng mở trong phiên hôm qua.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, lực bán tăng cao ở nhiều nhóm cổ phiếu có tính dẫn dắt như ngân hàng, dầu khí, bất động sản... khiến cả 3 sàn chìm trong sắc đỏ. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mức 766,84 điểm, giảm mạnh 28,13 điểm (-3,54%); HNX-Index giảm 4,98 điểm (-4,54%) xuống 104,70 điểm; UPCoM-Index giảm 1,46 điểm (-2,77%) xuống 51,18 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức cao với tổng giá trị giao dịch đạt gần 6.100 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 382 tỷ đồng trên cả ba sàn trong phiên hôm qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Theo Tổng cục Hải quan, từ 1-15/4, cán cân thương mại hàng hoá cả nước quay lại nhập siêu 1,28 tỷ USD, tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm đến hết 15/4, cả nước vẫn xuất siêu 2,46 tỷ.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 4 đạt 8,26 tỷ USD, nhập khẩu đạt 9,54 tỷ. Lũy kế từ đầu năm đến hết kỳ 1 tháng 4, kim ngạch xuất khẩu đạt 71,61 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 69,15 tỷ.
Tin quốc tế
Niềm tin kinh tế tại Đức và Eurozone trong tháng 4 lần lượt ở mức 28,2 và 25,2 điểm, sau khi cùng tụt xuống mức -45,5 điểm trong tháng 3, trái với dự báo tiếp tục bi quan ở mức -40 và -38,2 điểm.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã tăng lên mức 4,0% trong tháng 2, trái với dự báo giữ nguyên ở mức 3,9% của tháng 1. Bên cạnh đó, mức thu nhập bình quân của người lao động Anh chỉ tăng 2,8% trong tháng 2, thấp hơn mức tăng 3,1% của tháng 1 và mức 3,0% theo dự báo.
Thống đốc ngân hàng trung ương Úc RBA Philip Lowe ngày 21/4 dự báo Covid-19 làm giảm 20% số giờ làm việc của người lao động Úc trong nửa đầu năm 2020. Lạm phát của Úc cũng được dự báo giảm dần, thậm chí có thể ở tình trạng giảm phát kể từ tháng 6, sau đó sẽ quay lại mức 1,0% so với cùng kỳ vào cuối năm.
Tình trạng phục hồi kinh tế chung được dự báo sẽ diễn ra từ đầu tháng 9, nhưng nước Úc sẽ không thể tránh khỏi sự suy thoái khoảng 6% trong năm nay.
Cuối cùng, ông Lowe kỳ vọng GDP Úc sẽ phục hồi nhanh chóng 6% - 7% trong năm 2021 nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, sự giãn cách xã hội sẽ dần được nới lỏng vào giữa năm và dỡ bỏ hầu như hoàn toàn vào cuối năm nay, trừ các hạn chế đi lại quốc tế.