Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 13-17/4
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 16/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 14/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/4 |
Tổng quan
Quý I/2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp giao dịch kém sôi động do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo dữ liệu phát hành riêng lẻ từ HNX, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý I ở mức 29.384 tỷ đồng, giảm 76% so với quý trước chủ, yếu do nhóm tổ chức tín dụng giảm mạnh phát hành tới 98%. Nhóm này chỉ phát hành chưa đến 1 nghìn tỷ đồng (quý trước là 45 nghìn tỷ đồng), kỳ hạn 7 - 10 năm, mục đích để tăng vốn cấp 2.
Trong khi đó, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đáng kể tới kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp nhóm bất động sản khiến lượng phát hành của nhóm này cũng giảm 40% so quý trước, tuy nhiên vẫn ở mức tốt nhất so với ba quý đầu 2019 so với các ngành khác.
Trong quý I, tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công ở mức 88% - cho thấy dù lượng phát hành giảm, nhưng nhu cầu mua trái phiếu vẫn được duy trì.
Trái chủ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất là nhà đầu tư tổ chức trong nước, chủ yếu là các công ty chứng khoán khi họ mua trên sơ cấp rồi phân phối lại trên thứ cấp.
Tiếp đến là các ngân hàng thương mại khi đến cuối tháng 2, khá nhiều ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp như Techcombank hay MB.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng gia tăng mua trái phiếu doanh nghiệp, biểu hiện là thị phần của nhóm này tăng lên mức 30% từ mức 9% trong năm 2019.
Lãi suất và kỳ hạn phát hành bình quân gia quyền của trái phiếu doanh nghiệp đều tăng so với quý trước, lãi suất được ấn định trong khoảng từ 10 - 11%/năm, với kỳ hạn bình quân 3,9 năm.
Có thể thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp bất động sản chạy đua huy động vốn khi phát hành kỳ hạn rất ngắn, từ 1 - 2 năm nhưng lãi suất cao từ 11,5 - 12%/năm (chưa kể “incentive”), khối lượng huy động từ 1 - 1,6 nghìn tỷ đồng/lô, phát hành không có tài sản bảo đảm, chủ yếu nhà đầu tư trong nước mua. Thị trường tiềm ẩn rủi ro nếu những doanh nghiệp này gặp khó khăn về thanh khoản, nhất là khi cơ chế bảo vệ nhóm nhà đầu tư trong nước chưa hoàn thiện.
Ngoài ra, tính minh bạch của thị trường kém khi các thông tin công bố thiếu chi tiết về mục đích sử dụng vốn và phương án trả nợ gốc, lãi, thiếu thông tin về trái chủ; thị trường chưa hình thành được đường cong lợi suất chuẩn, chưa có các công ty xếp hạng tín nhiệm; các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường chưa hoàn thiện.
Trong ngắn hạn, nguồn cung sơ cấp dự báo sẽ giảm khi tình hình dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp phải thay đổi hoặc trì hoãn/giãn kế hoạch phát hành.
Tuy nhiên, kể từ sau quý II, các nhu cầu huy động vốn có thể được nối lại khi các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với nhóm tổ chức tín dụng, động lực phát hành có thể giảm khi hầu hết các ngân hàng đã “chạy” xong chỉ tiêu phát hành, đáp ứng yêu cầu tăng tỷ trọng vốn trung và dài hạn của Thông tư 22, có hiệu lực từ 1/1/2020.
Nhu cầu phát hành sẽ chỉ tập trung vào trái phiếu kỳ hạn dài 7 - 10 năm để tăng vốn cấp 2, cải thiện hệ số CAR đáp ứng BASEL II và thông tư 41, tuy nhiên các ngân hàng cũng cân đối phát hành khi việc đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 41 được gia hạn đến 1/1/2023.
Ngược lại, nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của nhóm tổ chức tín dụng dự báo vẫn duy trì khi các ngân hàng thương mại có thể bán lại một phần trái phiếu này cho các tổ chức, quỹ đầu tư và khách hàng cá nhân khi cần điều chỉnh khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán.
Một số ngân hàng cũng sử dụng công cụ trái phiếu doanh nghiệp, thông qua các giao dịch tài chính phức tạp để “lách” nhằm mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoặc các mục đích khác. Do vậy, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ổn định, tín dụng tăng trưởng chậm, dòng tiền có thể vẫn đầu tư một phần vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Đối với các nhà đầu tư tổ chức khác và cá nhân, việc lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản ở mức hấp dẫn, kỳ trả lãi ngắn 3 tháng đến 6 tháng, sẽ vẫn hấp dẫn khi so sánh với lãi suất huy động trên thị trường 1 đang có xu hướng giảm hay các kênh đầu tư chứng khoán, vàng ... đang khá rủi ro bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng sẽ có xu hướng thận trọng hơn với những rủi ro gia tăng do những lo ngại liên quan đến tình hình trả nợ của doanh nghiệp.
Dự báo, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn nhất định trong ngắn hạn khi các kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang bị đảo lộn.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thị trường kiểm nghiệm lại những sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp khi thị trường phát hành vẫn còn sơ khai, nhà đầu tư sàng lọc lại được những trái phiếu doanh nghiệp có sức khỏe tốt, giúp giảm thiểu một phần rủi ro cho thị trường.
Mặt bằng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh giảm phù hợp với định hướng giảm mặt bằng lãi suất chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên vẫn phù hợp với mức độ rủi ro đặc thù của thị trường. Trong dài hạn, thị trường sẽ vẫn tiếp tục sôi động khi kênh trái phiếu doanh nghiệp luôn được định hướng là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 13-17/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng nhẹ qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 17/4, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.241 VND/USD, tăng trở lại 20 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.650 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng ít biến động trong tuần vừa qua. Kết thúc phiên 17/4, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.440 VND/USD, tăng nhẹ 5 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua chỉ biến động nhẹ qua các phiên. Chốt phiên 17/4, tỷ giá tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.620 - 23.720 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ ngày 13-17/4, lãi suất VND liên ngân hàng tiếp tục giảm qua hầu hết các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 17/4, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 1,72% (-0,25 điểm phần trăm); 1 tuần 1,95% (-0,37 điểm phần trăm); 2 tuần 2,15% (-0,42 điểm phần trăm); 1 tháng 2,63% (-0,24 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn trong xu hướng giảm ở các kỳ hạn qua tất cả các phiên trong tuần. Cuối phiên 17/4, lãi suất USD liên ngân hàng đứng ở mức qua đêm 0,33% (-0,31 điểm phần trăm); 1 tuần 0,52% (-0,37 điểm phần trăm); 2 tuần 0,77% (-0,23 điểm phần trăm) và 1 tháng 1,10% (-0,17 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 13-17/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm chào thầu trên kênh cầm cố xuống mức 15.000 tỷ đồng, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất chào thầu giữ ở mức 3,5%. Chỉ có 1 tỷ đồng trúng thầu trên kênh này, trong tuần có 20.837 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 20.836 tỷ đồng ra thị trường qua kênh cầm cố trong tuần vừa qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức 4.657 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên ở mức gần 147.000 tỷ đồng. Khối lượng này sẽ bắt đầu đáo hạn từ hôm nay 20/4/2020.
Thị trường trái phiếu tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 500/3.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 14%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 300/1.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động được 100/1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động được 100/500 tỷ đồng. Lãi suất phát hành từng kỳ hạn lần lượt là 2,28%/năm; 2,63%/năm và 3,10%/năm - đồng loạt tăng 0,1% so với phiên trước đấu thầu trước. Vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất giảm từ 0,4- 0,6%, trong khi vùng lãi suất đặt thầu cao nhất tăng từ 0,2 - 0,6% tùy từng kỳ hạn so với tuần trước đó.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5.905 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 5.455 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng ở các kỳ hạn từ 10 năm trở lên so với tuần trước đó.
Chốt phiên 17/4, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,98% (-0,17 điểm phần trăm); 2 năm 2,06% (-0,18 điểm phần trăm); 3 năm 2,17% (-0,16 điểm phần trăm); 5 năm 2,49% (-0,12 điểm phần trăm); 7 năm 2,75% (-0,06 điểm phần trăm); 10 năm 3,16% (+0,03 điểm phần trăm); 15 năm 3,25% (+0,05 điểm phần trăm); 30 năm 3,65% (+0,07 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán có tuần thứ 3 liên tiếp khởi sắc, tuy biên độ tăng của các chỉ số vẫn chỉ ở mức khiêm tốn. Chốt phiên cuối tuần 17/4, VN-Index đứng ở mức 789,60 điểm, tăng 31,66 điểm (+4,18%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 4,28 điểm (+4,03%) lên 110,46 điểm; UPCOM-Index tăng 1,53 điểm (+3,02%) lên mức 52,16 điểm.
Thanh khoản thị trường tương đương tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt hơn 4.900 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị hơn 1.258 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo kinh tế thế giới suy thoái năm 2020, phục hồi khá mạnh trong năm sau. Cụ thể, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ suy giảm 3,0% trong năm 2020. Nguyên nhân được đưa ra là do ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19, hiện đang lây lan trên hầu hết các quốc gia và chưa có phương pháp điều trị.
Các nước phát triển chịu sự suy thoái mạnh nhất khoảng 6,1%. Trong đó, các cường quốc kinh tế lớn như Mỹ, Đức, Anh và Nhật Bản suy giảm lẩn lượt ở mức 5,9%; 7,0%; 6,5%; và 5,2%.
Các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển được dự báo ít tiêu cực hơn, GDP của nhóm này chỉ suy giảm nhẹ 1,0% trong năm 2020.
Điểm sáng của khu vực này là hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo tăng trưởng nhẹ trong năm 2020, lần lượt ở mức 1,0% và 1,9%.
IMF dự báo sang năm 2021 GDP toàn cầu hồi phục khá mạnh ở mức 5,8%. Các nước Mỹ, Đức, Anh, Nhật đều ghi nhận tăng trưởng dương, lần lượt ở mức 4,7%; 5,2%; 4,0%; 3,0%. Trung Quốc một lần nữa được dự đoán tích cực với mức tăng trưởng ấn tượng 9,2% trong năm sau.
Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch mở cửa nền kinh tế Mỹ trở lại, trong bối cảnh nước này tiếp tục đón nhiều thông tin tiêu cực trong tuần vừa qua.
Trong cuộc họp báo ngày 16/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, việc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn, với điều kiện tiên quyết là các bang cho thấy sự suy giảm dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, việc mở cửa trở lại được ông Trump trao cho các bang, một số bang có thể sẽ bắt đầu dỡ bỏ các quy định hạn chế ngay trong tháng này.
Liên quan đến các thông tin kinh tế Mỹ, đầu tiên, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ chung tại nước này giảm lần lượt 4,5% và 8,7% so với tháng trước trong tháng 3, sau khi cùng giảm nhẹ 0,4% ở tháng trước đó, gần sát với dự báo của các chuyên gia lần lượt giảm 4,9% và 8,0%.
Tiếp theo, sản lượng công nghiệp Mỹ cũng giảm 5,4% m/m trong tháng 3 sau khi tăng nhẹ 0,5% ở tháng 2, sâu hơn mức giảm 4,5% theo dự báo.
Cuối cùng, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết tuần kết thúc ngày 11/4 ghi nhận 5,245 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, thấp hơn tuần trước đó với mức 6,6 triệu đơn, đồng thời thấp hơn dự báo ở mức 5,35 triệu đơn.
Trung Quốc đón một số thông tin kinh tế trái chiều. Đầu tiên, GDP của nước này ghi nhận giảm mạnh 6,8% trong quý I/2020, sau khi tăng trưởng 6,0% ở quý 4/2019, tiêu cực hơn mức giảm 6,2% theo dự báo.
Trong tháng 3, cán cân thương mại Trung Quốc chỉ thặng dư 139 tỷ CNY sau khi thâm hụt 43 tỷ ở tháng 2, thấp hơn mức thặng dư 175 tỷ theo dự báo. Doanh số bán lẻ trong tháng 3 cũng suy giảm nghiêm trọng 15,8% so với cùng kỳ, nhẹ hơn mức suy giảm 20,5% của tháng 2 nhưng sâu hơn nhiều so với mức dự báo giảm 10,0%.
Giá trị đầu tư tài sản cố định của nước này kể từ đầu năm cho tới hết tháng 3 đã giảm 16,1% so với cùng kỳ, mặc dù bớt bi quan hơn mức giảm 24,5% của tháng trước đó nhưng sâu hơn mức giảm 15,0% theo dự báo.
Điểm tích cực duy nhất là sản lượng công nghiệp Trung Quốc chỉ giảm nhẹ 1,1% so với tháng trước trong tháng vừa qua sau khi giảm tới 13,5% ở tháng 2, nhẹ hơn nhiều so mức giảm 7,0% theo dự báo.