Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/4
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/4 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 23/04, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.261 VND/USD, tiếp tục tăng 5 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán vẫn được niêm yết ở mức 23.650 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.492 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên 22/4. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.520 - 23.550 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 23/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm mạnh 0,14 - 0,18 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 2,35%; 1 tuần 2,52%; 2 tuần 2,58% và 1 tháng 2,78%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tháng trong khi giảm 0,01 - 0,02 ở các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần, giao dịch tại: qua đêm 0,33%; 1 tuần 0,46%; 2 tuần 0,65%, 1 tháng 1,05%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm mạnh 0,03 - 0,09 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 2,12%; 5 năm 2,41%; 7 năm 2,73%; 10 năm 3,14%; 15 năm 3,27%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên 23/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 3.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố vẫn với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 3,5%. Không có khối lượng trúng thầu, trong ngày không có đáo hạn. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ nguyên ở mức 3 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trong ngày không có tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm giữ nguyên mức gần 132.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, các chỉ số rung lắc mạnh khi bên mua và bên bán luân phiên nhau chi phối. Chốt phiên, VN-Index tăng 4,99 điểm (+0,65%) lên mức 773,91 điểm; HNX-Index dừng ở mức 106,97 điểm, tăng 0,17 điểm (+0,16%); UPCoM-Index đóng cửa ở mức 51,54 điểm, tăng 0,26 điểm (+0,51%).
Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm mạnh so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 3.800 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 326 tỷ đồng trên cả ba sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Trong báo cáo Nghiên cứu toàn cầu - Triển vọng Kinh tế quý II mang tựa đề “Darkest before the dawn - Bóng tối trước bình minh”, Ngân hàng Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2020 và đạt 3,3% do ảnh hưởng của các thách thức bên ngoài.
Tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của nhu cầu thế giới sụt giảm; tốc độ tăng trưởng năm nay ước đạt 3% so với mức 11% trong năm 2019. Lĩnh vực dịch vụ, hiện chiếm tỷ trọng gần 40% GDP, được dự đoán sẽ giảm tốc trong năm nay với mức tăng trưởng ước đạt 4% năm so với mức 7,3% trong năm 2019.
Nghiên cứu cũng dự đoán dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ giảm xuống dưới 10 tỷ USD trong năm nay và sẽ tiếp tục suy giảm nếu những lo ngại liên quan đến virus corona còn kéo dài trong nửa cuối năm.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế tiêu cực. Thêm 4,427 triệu người Mỹ nộp đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua, tiếp tục đà giảm so với những tuần trước đó và gần khớp với mức dự báo 4,35 triệu.
Như vậy, trong vòng 5 tuần trở lại đây có khoảng 26,5 triệu người Mỹ thất nghiệp dưới tác dộng của dịch Covid-19, vượt xa mức 22,4 triệu việc làm mà nước Mỹ đã tạo ra kể từ khủng hoảng tài chính 2009.
Tiếp đến là chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của Mỹ lần lượt ở mức 36,9 và 27,0 điểm trong tháng 4, giảm xuống từ 48,5 và 39,8 điểm của tháng 3.
Các chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại châu Âu tiếp tục giảm sâu hơn trong tháng 4. PMI lĩnh vực sản xuất của Eurozone và nước Anh lần lượt ở mức 33,6 và 32,9 điểm trong tháng này, giảm từ các mức 44,5 và 47,8 điểm của tháng 3, đồng thời cùng sâu hơn dự báo ở mức 38,7 và 42,5 điểm.
Ở lĩnh vực dịch vụ, PMI EZ và Anh lần lượt ở 11,7 và 12,3 điểm trong tháng 4, giảm từ 26,4 và 34,5 điểm của tháng 3, tiêu cực hơn nhiều so với dự báo, đồng thời đánh dấu sự suy giảm nặng nề nhất trong lịch sử của cả hai nền kinh tế.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua cho biết dịch Covid-19 là thách thức lớn nhất kể từ khi thành lập nước Đức, trong bối cảnh PMI lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của nước này giảm xuống còn 34,9 và 15,9 điểm trong tháng 4 từ mức 45,4 và 31,7 điểm của tháng 3.