Điểm lại thông tin kinh tế ngày tuần từ 17-21/2
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 17/2 |
Tổng quan
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc huy động, tập trung, phân phối vốn cho nền kinh tế, do vậy, xu hướng mở rộng là tất yếu và phù hợp để tạo sự cân bằng và nâng cao chất lượng thị trường tài chính. Trong năm 2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng, đặc biệt ở nhóm bất động sản và tổ chức tín dụng.
Liên tục tăng trưởng qua các năm, trong năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận sự phát triển sôi động với khối lượng phát hành và quy mô thị trường tăng trưởng ấn tượng. Theo dữ liệu tổng hợp kết quả phát hành riêng lẻ từ HNX, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2019 đạt khoảng 276 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2018.
Lượng phát hành lớn trong năm đã khiến quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh từ 7,9% GDP năm 2018 lên 9,9% GDP năm 2019, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành đạt gần 600 nghìn tỷ đồng.
Phân chia theo tổ chức phát hành, các tổ chức tín dụng dẫn đầu lượng phát hành với 109 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng lớn nhất 40% tổng giá trị phát hành), nhóm bất động sản phát hành 61 nghìn tỷ đồng, đứng thứ hai với tỷ trọng 22%.
Trong nhóm các tổ chức tín dụng, kỳ hạn phát hành chủ yếu là từ 2 năm đến 3 năm để tăng tỷ trọng vốn trung dài hạn. Nổi bật đó là VIB 14 nghìn tỷ đồng, VPBank 11 nghìn tỷ đồng, ACB 10,5 nghìn tỷ đồng.
Lãi suất phát hành phổ biến ở mức 6 - 7%/năm. Các trái phiếu có kỳ hạn 5 năm trở lên (chủ yếu để tăng vốn cấp II, cải thiện chỉ số CAR theo thông tư 41/2016/TT-Ngân hàng Nhà nước) đạt mức 25 nghìn tỷ đồng - chiếm 23% tổng khối lượng phát hành. Trong đó, chủ yếu là BIDV khi phát hành tới 15 nghìn tỷ đồng.
Trong nhóm bất động sản, Sovico dẫn đầu lượng phát hành với 7 nghìn tỷ đồng, lãi suất 11%, kỳ hạn 3 năm; TNR đứng thứ hai với 4 nghìn tỷ đồng, lãi suất 10,2%, kỳ hạn 2,6 năm.
Tính chung năm 2019, kỳ hạn bình quân của nhóm bất động sản là 2,6 năm - thấp nhất thị trường và lãi suất bình quân là 10,3%/năm - cao nhất thị trường (đã loại trừ lô phát hành của Hồng Hoàng có lãi suất cao đột biến 20%/năm).
Trái lại, nhóm tổ chức tín dụng có lãi suất bình quân thấp nhất thị trường là 6,9%/năm, kỳ hạn bình quân 3,7 năm.
Với các yếu tố hỗ trợ thị trường vẫn được duy trì, tiếp nối đà sôi động của năm 2019, dự báo nguồn cung và nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục lớn trong năm 2020.
Về phía cung, Ngân hàng Nhà nước định hướng thắt chặt hơn các điều kiện về tín dụng, nhất là tín dụng vào lĩnh vực bất động sản (thông qua điều chỉnh hệ số rủi ro để tính chỉ số CAR tại thông tư 22/2019/TT-NHNN), sẽ tiếp tục tạo ra sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ kênh tín dụng truyền thống sang kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trái phiếu bất động sản thời gian tới sẽ sôi động vì lãi suất hấp dẫn, kỳ trả lãi ngắn và nhu cầu phát hành cao. Đây cũng được xem là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp bất động sản, khi hệ số rủi ro cho vay bất động sản được quy định ở mức cao, khó tiếp cận nguồn vốn vay.
Đối với nhóm các tổ chức tín dụng, việc ban hành Thông tư 41 với quy định về tỷ lệ an toàn vốn áp dụng theo Basel 2 tiếp tục được coi là động lực lớn nhất để thúc đẩy sự bứt phá mạnh mẽ về khối lượng phát hành của nhóm này. Quan trọng hơn, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP và có hiệu lực từ 1/2/2019, đã tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Về phía cầu, việc thông tin phát hành trái phiếu minh bạch hơn, lãi suất phát hành trái phiếu cao và sự tham gia tích cực của các trung gian phân phối là các ngân hàng, công ty chứng khoán, đã khiến trái phiếu doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Quan trọng hơn, do quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp/GDP của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực lẫn so với tổng thể thị trường tài chính, do vậy, dư địa mở rộng là rất lớn.
Những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý và các thành viên thị trường là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững hơn trong tương lai.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang công khai lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan và gấp rút hoàn thiện dự thảo sửa đổi nghị định 163/2018/NĐ-CP để trình Chính phủ ký ban hành, cho thấy các vấn đề đang tồn tại của thị trường đã được nhận diện và đang được đẩy mạnh xử lý.
Ngoài ra, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang trình Quốc hội quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng phải được xếp hạng tín nhiệm và giao Chính phủ quy định về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng.
Việc bổ sung quy định này sẽ tạo cầu sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường; đồng thời, các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm có khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị cho việc thành lập và hoạt động.
Về phía các thành viên thị trường, Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đang phối hợp với một số thành viên xúc tiến việc trao đổi với các đối tác xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới như Moody’s Investors Service (Moody’s), Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) và Fitch, để thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam. Điều này sẽ giúp thị trường khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, tạo đà cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 17-21/2, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng khá mạnh qua hầu hết các phiên. Chốt phiên cuối tuần 21/2, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.239 VND/USD, tăng mạnh 24 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.886 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá liên ngân hàng tuần qua biến động trong khoảng 23.230 - 23.250 đồng. Kết thúc phiên 21/2, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.240 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do chỉ giảm nhẹ phiên đầu tuần, sau đó giữ nguyên suốt 4 phiên cuối tuần. Chốt phiên 21/2, tỷ giá tự do giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.220 - 23.250 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 17-21/2, lãi suất VND liên ngân hàng giảm ở 2 phiên đầu tuần, sau đó tăng mạnh trở lại ở 3 phiên cuối tuần ở hầu hết các kỳ hạn, ngoại trừ kỳ hạn 1 tháng chỉ giảm mạnh phiên đầu tuần và không thay đổi 4 phiên còn lại. Chốt phiên 21/2, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 2,30% (+0,16 điểm phần trăm); 1 tuần 2,47% (+0,13 điểm phần trăm); 2 tuần 2,57% (+0,03 điểm phần trăm); 1 tháng 2,73% (-0,19 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn ít biến động ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Cuối phiên 21/2, lãi suất USD liên ngân hàng đứng ở mức qua đêm 1,70% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 1,79% (-0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 1,86% (-0,03 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,05% (không thay đổi).
Thị trường mở tuần từ 17-21/2, trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 2,65%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần 23.000 tỷ đồng. Như vậy khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức gần 109.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố trong tuần vừa qua, đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất chào thầu ở mức 4,0%. Phiên cuối tuần có gần 21 tỷ đồng trúng thầu.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 22.976 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.
Thị trường trái phiếu trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 4.610/5.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 84%). Ngoại trừ kỳ hạn 7 năm chỉ huy động được 110/1.000 tỷ đồng; các kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 20 năm huy động được toàn bộ 1.500 tỷ đồng gọi thầu mỗi kỳ hạn.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7 năm tại 2,24%/năm (không thay đổi so với kỳ đấu thầu trước); kỳ hạn 10 năm tại 2,77%/năm (giảm 14 điểm); kỳ hạn 15 năm tại 2,85%/năm (giảm 18 điểm); kỳ hạn 20 năm tại 3,09%/năm (giảm 6 điểm). Tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở mức 4,2 lần, số thành viên tham gia từ 7 đến 18 thành viên.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 11.522 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 8.439 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng nhẹ ở các kỳ hạn 1 năm và 3 năm trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, đặc biệt giảm khá mạnh ở các kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên.
Chốt phiên 21/2, lợi suất trái phiếu chính phủ được giao dịch quanh 1 năm 1,76% (+0,02 điểm phần trăm); 2 năm 1,80% (-0,03 điểm phần trăm); 3 năm 1,89% (+0,03 điểm phần trăm); 5 năm 1,98% (-0,01điểm phần trăm); 7 năm 2,37% (-0,02 điểm phần trăm); 10 năm 2,87% (-0,12 điểm phần trăm); 15 năm 2,95% (-0,13 điểm phần trăm); 30 năm 3,54% (-0,13điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 17-21/2, các chỉ số trên thị trường chứng khoán giao dịch tăng - giảm nhẹ quanh mốc tham chiếu. Kết thúc ngày 21/2, VN-Index đứng ở mức 933,09 điểm, giảm nhẹ 4,36 điểm (-0,47%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 1,65 điểm (-1,50%) xuống 108,09 điểm; UPCOM-Index giảm 0,17 điểm (-0,30%) xuống mức 56,30 điểm.
Thanh khoản thị trường không cải thiện so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 3.900 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1.010 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Biên bản cuộc họp tháng 1/2020 cho thấy Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ FOMC quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,50% - 1,75%, trong bối cảnh kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng tốt hơn so với thời điểm phiên họp trước vào tháng 12/2019. Việc này sẽ giúp Ủy ban có thời gian đánh giá đầy đủ hơn về tác động của 3 lần cắt giảm lãi suất năm ngoái lên nền kinh tế. Fed cũng kỳ vọng sẽ đạt được mức lạm phát mục tiêu 2% vào khoảng giữa năm nay.
Kinh tế Mỹ tuần qua đón nhận một số thông tin trái chiều, điểm nhấn là việc chỉ số hoạt động sản xuất tại nước này đã giảm xuống mức thấp khiến thị trường chứng khoán giảm điểm, đặc biệt đối với một số công ty thuộc lĩnh vực công nghệ.
Trong biên ban cuộc họp tháng 1/2020, ECB quyết định giữ lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi lần lượt ở mức 0,0%; 0,25% và -0.5%. ECB kỳ vọng sẽ duy trì mức lãi suất này hoặc thậm chí hạ xuống thấp hơn cho tới khi lạm phát tiến tới gần ngưỡng mục tiêu 2,0%.
ECB nhấn mạnh sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng định lượng, tái đầu tư các tài sản với tốc độ khoảng 20 tỷ EUR/tháng cho tới khi nào nhìn thấy tác dụng dụng của lãi suất chính sách. Liên quan tới thông tin kinh tế Eurozone tuần qua, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại khu vực này vẫn cho thấy sự thu hẹp nhẹ song đã tăng lên gần tới ngưỡng 50 điểm. Tuy nhiên, thị trường Đức cho thấy nguy cơ suy giảm khi chỉ số niềm tin kinh tế giảm rất mạnh trong tháng 2.
Trong tuần qua nước Anh cũng đón nhận một số thông tin trái chiều nhưng thiên về lạc quan. Điểm đáng chú ý là CPI nước này đã quay lại mức tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; gần tới ngưỡng mục tiêu 2,0% của NHTW Anh BOE. Bên canh đó, PMI lĩnh vực sản xuất và dịch vụ cũng cho thấy sự mở rộng tương đối tốt trong tháng 2, thắp lên niềm tin cho nền kinh tế nước này.