Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 10-14/2
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 12/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/2 |
Tổng quan
Lãi suất chính sách của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhiều khả năng sẽ ở mức thấp trong năm 2020.
Đầu tiên, phải kể tới năm 2019 khi triển vọng kinh tế không mấy lạc quan đã khiến hàng loạt NHTW trên thế giới cắt giảm lãi suất. Nổi bật trong đó là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed hạ lãi suất chính sách liên tiếp trong các cuộc họp tháng 7 - 9 - 10/2019, từ mức 2,25% - 2,50% xuống mức 1,50% -1,75%.
Bên cạnh đó, tháng 9/2019, NHTW Châu Âu ECB hạ lãi suất tiền gửi từ mức -0,4% xuống -0,5% trong khi giữ lãi suất tái cấp vốn 0,0% và lãi suất cho vay cận biên 0,25%.
NHTW Úc RBA cũng hạ lãi suất chính sách trong tháng 6 - 7 - 10 từ mức 1,5% xuống còn 0,75%.
Hai NHTW lớn khác là BOE của Anh và BOJ của Nhật Bản không thay đổi lãi suất chính sách lần lượt ở mức 0,75% và -0,1%.
Lý do mà các NHTW lần lượt cắt giảm lãi suất là các rủi ro địa chính trị như “chiến tranh thương mại” và “Brexit” gây ảnh hưởng tiêu cực lên triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.
Ngoài việc triển vọng kinh tế không lạc quan, tại thời điểm mà mỗi NHTW trên cắt giảm lãi suất lần đầu tiên, tỷ lệ lạm phát của các nền kinh tế đều đang thấp dưới ngưỡng mục tiêu 2,0% trong thời gian dài.
Cụ thể là CPI Mỹ là 1,8% y/y, Eurozone là 1,3% và Úc là 1,9%. Do đó, cả Fed, ECB và RBA đều có định hướng chung nữa khi hạ lãi suất, là việc đưa lạm phát tới ngưỡng mục tiêu.
Về BOE, mặc dù kinh tế Anh chịu nhiều rủi ro từ Brexit, tuy nhiên NHTW này năm 2019 luôn giữ kỳ vọng sẽ tăng lãi suất khi kinh tế tích cực hơn, đồng thời CPI của Anh khá ổn định quanh ngưỡng 2,0% trong phần lớn năm 2019 cũng đảm bảo cho việc BOE không cần hạ lãi suất.
Tiếp đến là BOJ, NHTW này không giảm lãi suất trong năm 2019 do lãi suất đã ở mức âm trong thời gian dài, thay vào đó, BOJ sử dụng các chương trình nới lỏng định lượng để hỗ trợ kinh tế và lạm phát Nhật Bản.
Liên quan tới các NHTW khác trên thế giới, theo thống kê của Centralbankinfo, trong năm 2019 đã có khoảng 67 NHTW nới lỏng chính sách tiền tệ với khoảng 182 động thái và chính sách khác nhau, trong số đó có 159 lần là cắt giảm lãi suất.
Theo World Bank, mức lãi suất trung bình của các NHTW trên thế giới đã giảm 0,7 điểm phần trăm trong thời gian từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2019.
Có 4 trong 5 NHTW lớn nhiều khả năng sẽ không tăng lãi suất trong năm nay. Trong những ngày vừa qua, cả 5 NHTW lớn là Fed, ECB, BOE, RBA và BOJ đều có những cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2020, tuy nhiên không có NHTW nào thay đổi lãi suất chính sách trong những cuộc họp này.
Cụ thể, Fed cho rằng lãi suất chính sách hiện tại đang phù hợp và các dấu hiệu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vẫn tiếp tục diễn ra.
ECB cùng với RBA, BOJ giữ lãi suất nhằm đưa lạm phát tới ngưỡng 2,0%, thậm chí RBA kỳ vọng sẽ giữ lãi suất này trong thời gian dài và có thể hạ thấp hơn nếu cần thiết.
Riêng chỉ có BOE giữ lãi suất và kỳ vọng có thể tăng dần trong tương lai trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên cũng cho biết có thể hạ dần lãi suất nếu các dữ liệu kinh tế Anh, đặc biệt là lạm phát đi trái với kỳ vọng.
Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, đã có những động thái cắt giảm lãi suất từ các NHTW nhằm đối phó với rủi ro này.
Theo nhiều tổ chức và chuyên gia nhận xét, dịch Covid-19 có thể tác động nghiêm trọng tới kinh tế Trung Quốc, từ đó làm gián đoạn chuỗi nguồn cung và ảnh hưởng lên kinh tế thế giới.
Tuy những thiệt hại cụ thể chưa được thống kê, nhưng có thể thấy nhiều các nước phụ thuộc vào Trung Quốc đang bắt đầu có dấu hiệu bị ảnh hưởng thông qua các chỉ số chứng khoán và tỷ giá hối đoái, đặc biệt trong số đó có Thái Lan, Philippines...
NHTW Trung Quốc PBoC gần đây hạ lãi suất các hợp đồng repo, kỳ hạn 1 tuần từ 2,5% xuống 2,4% và 2 tuần từ 2,65% xuống 2,55%, bên cạnh đó bơm 1200 tỷ CNY tương đương 170 tỷ USD ra thị trường nhằm hỗ trợ thanh khoản.
Trên thế giới, tính từ đầu tháng 2/2020, đã có 8 NHTW hạ lãi suất chính sách, bao gồm: Mexico, Belarus, Nga, Philippines, Honduras, Brazil, Thái Lan và Iceland. Trong những đợt hạ lãi suất này, có NHTW Brazil, Nga, Phillipines, Thái Lan tuyên bố lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 tới kinh tế.
Tại khu vực Đông Nam Á nói riêng, Cơ quan tiền tệ của Singapore MAS và NHTW Indonesia cũng phát đi tín hiệu sẵn điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu cần thiết.
Như vậy, lãi suất của nhiều NHTW lớn hiện đang ở mức thấp, và việc cắt giảm lãi suất đã diễn ra từ năm 2019 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại trong những tháng đầu năm 2020. Điều này có thể cần thiết khi kinh tế toàn cầu đang trong quá trình chống chịu những rủi ro địa chính trị hiện hữu.
Tuy nhiên, trong dài hạn, lãi suất chính sách ở mức thấp sẽ là áp lực cho các NHTW khi dư địa về chính sách ngày càng thu hẹp, việc điều hành sẽ trở nên khó khăn hơn nếu xuất hiện những rủi ro mới đe dọa đến triển vọng kinh tế thế giới.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 10-14/2, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm qua các phiên với xu hướng tăng chiếm chủ đạo. Chốt phiên 14/2, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.215 VND/USD, tăng mạnh 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.861 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá liên ngân hàng tuần qua biến động khá mạnh qua các phiên theo cả 2 chiều tăng và giảm. Kết thúc phiên 14/2, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.240 VND/USD, chỉ tăng 5 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do chỉ biến động nhẹ trong tuần vừa qua. Chốt phiên 14/2, tỷ giá tự do tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.230 - 23.260 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 10-14/2, lãi suất VND liên ngân hàng tiếp tục giảm qua hầu hết các phiên ở các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống, tuy nhiên đà giảm đã chậm lại so với tuần trước đó. Chốt phiên cuối tuần 14/2, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 2,14% (-0,29 điểm phần trăm); 1 tuần 2,34% (-0,27 điểm phần trăm); 2 tuần 2,54% (-0,19 điểm phần trăm); 1 tháng 2,92% (-0,18 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn duy trì xu hướng ít biến động ở tất cả các kỳ hạn. Cuối phiên 14/02, lãi suất USD liên ngân hàng đứng ở mức qua đêm 1,71% (không thay đổi); 1 tuần 1,80% (không thay đổi); 2 tuần 1,89% (không thay đổi) và 1 tháng 2,05% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 10-14/2, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 2,65% trên thị trường mở. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần 25.000 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 25.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 86.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố trong tuần vừa qua, đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất chào thầu ở mức 4,0%. Tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu. Như vậy, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường trái phiếu trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 3.200/4.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 71%). Trong đó, khối lượng trúng thầu kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 30 năm lần lượt ở mức 800 tỷ đồng, 900 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng.
Lãi suất trúng thầu lần lượt là 2,91% (+0,03 điểm phần trăm); 3,03% (+0,03 điểm phần trăm) và 3,70% (-0,02 điểm phần trăm). Kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại. Tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở mức 3 lần, số thành viên tham gia từ 6 đến 11 thành viên tùy từng kỳ hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 8.439 tỷ đồng, giảm khá mạnh so với mức 10.541 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Lợi suất trái phiếu chính phủ biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Chốt phiên 14/2, lợi suất trái phiếu chính phủ được giao dịch quanh: 1 năm 1,73% (+0,12 điểm phần trăm); 2 năm 1,83% (+0,03 điểm phần trăm); 3 năm 1,86% (+0,04 điểm phần trăm); 5 năm 1,99% (-0,05 điểm phần trăm); 7 năm 2,37% (-0,12 điểm phần trăm); 10 năm 2,99% (-0,06 điểm phần trăm); 15 năm 3,07% (-0,03 điểm phần trăm); 30 năm 3,67% (-0,04 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 10-14/2 giao dịch lình xình, các chỉ số không có đột biến với thanh khoản thị trường ở mức thấp. Kết thúc ngày 14/2, VN-Index đứng ở mức 937,45 điểm, giảm 3,30 điểm (-0,35%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 4,82 điểm (+4,59%) lên 109,74 điểm; UPCOM-Index tăng 0,71 điểm (+1,27%) lên mức 56,47 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với tuần trước đó xuống dưới mức trung bình với giá trị giao dịch đạt trên 3.800 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng hơn 190 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell tuần qua trả lời phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện và Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ tại Washington, cho rằng kinh tế Mỹ đang phát triển tốt, thị trường lao động liên tục cho thấy sự lạc quan và sẽ được duy trì trong tương lai.
Ông khẳng định không có gì cho thấy kinh tế Mỹ đang sai lệch hay mất cân bằng, và lãi suất chính sách ở mức 1,50% - 1,75% đang phù hợp để sự phát triển đi đúng hướng.
Kinh tế Mỹ tuần qua đón một số thông tin trái chiều, song điểm sáng có thể kể đến là việc CPI nước này tăng 2,5% y/y trong tháng 01/2020, là tháng thứ 3 liên tiếp vượt mức CPI mục tiêu 2,0% mà Fed đưa ra.
Ủy ban Châu Âu EC giữ nguyên dự báo triển vọng kinh tế Eurozone trong trung hạn, cho rằng GDP Eurozone tăng 1,2% mỗi năm trong các năm 2020 và 2021, bằng với mức tăng của năm 2019 và không thay đổi so với lần dự báo trước.
Bên cạnh đó, EC tăng dự báo CPI Eurozone năm 2020 và 2021 lên lần lượt 1,3% và 1,4%, cùng tăng 0,1 điểm phần trăm so với lần dự báo trước.
Cũng liên quan tới GDP, báo cáo sơ bộ cho thấy GDP của cả khối Eurozone tăng 0,1% trong quý cuối năm 2019, tuy thấp hơn mức tăng 0,2% của quý trước đó nhưng đúng như dự báo của thị trường.
Kinh tế Anh đón một số thông tin trái chiều, nổi bật là việc GDP quý IV/2019 của nước này không tăng trưởng, đúng như dự báo, sau khi tăng 0,3% ở quý trước đó.