Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/3
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/3 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 25/3, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.250 VND/USD, giảm mạnh 10 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán vẫn được niêm yết ở mức 23.650 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.610 VND/USD, tăng 30 đồng so với phiên 24/3. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.730 - 23.830 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên 25/3, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,02 - 0,08 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 2,0%; 1 tuần 2,22%; 2 tuần 2,44% và 1 tháng 2,66%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,02 - 0,04 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2 tuần, giao dịch tại: qua đêm 1,19%; 1 tuần 1,29%; 2 tuần 1,41%, 1 tháng 1,49%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 1,99%; 5 năm 2,11%; 7 năm 2,47%; 10 năm 2,92; 15 năm 2,99%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu. Như vậy, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ ở mức gần 147.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước duy trì chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 3,5%, không có khối lượng trúng thầu, có 1 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 1 tỷ đồng từ thị trường trong phiên hôm qua.
Thị trường trái phiếu ngày 25/3, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 301/3.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 10%). Toàn bộ khối lượng huy động được ở kỳ hạn 20 năm, lãi suất trúng thầu 3,0% (tăng nhẹ 0,02% so với phiên trước). Kỳ hạn 10 năm và 15 năm không có khối lượng trúng thầu.
Thị trường chứng khoán phiên 25/3, tâm lý của nhà đầu tư đã tích cực trở lại, lực cầu tăng cao ở nhiều nhóm ngành giúp các chỉ số tăng điểm. Chốt phiên, VN-Index tăng 31,04 điểm (+4,71%) lên mức 690,25 điểm; HNX-Index tăng 3,14 điểm (+3,24%) lên mức 100,09 điểm; UPCoM-Index tăng 1,02 điểm (+2,10%) lên 49,53 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng tích cực với tổng giá trị giao dịch đạt trên 5.400 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh trên 360 tỷ đồng trên cả ba sàn trong phiên hôm qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) đã chính thức công bố sẽ tăng thêm 8 tỷ USD nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho các công ty và các quốc gia đang chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Tại Việt Nam, IFC triển khai gói hỗ trợ này thông qua việc gia tăng hạn mức tài trợ thương mại lên 294 triệu cho 4 ngân hàng thương mại hôm 22/2, bao gồm: ABB, TPB, VIB và VPB.
Tin quốc tế
Hôm qua, ngày 25/3, quan chức Nhà Trắng Eric Ueland cho biết các Thượng nghị sỹ và chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đạt thỏa thuận về dự luật kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD trong bối cảnh dịch Covid-19 đang cho thấy rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Chi tiết về kế hoạch sử dụng 2.000 tỷ này chưa được hé lộ tuy nhiên có khả năng Nhà Trắng sẽ đẩy nhanh quá trình thực hiện.
Tổng thống Trump cũng trong ngày hôm qua cho biết ông và các quan chức đang cân nhắc về kế hoạch mở cửa lại các hoạt động kinh tế của nước Mỹ trong khoảng giữa tháng 4 vì không muốn tình trạng ngưng trệ kéo dài quá lâu.
Mặc dù giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi của Mỹ vẫn giảm 0,6% so với tháng trước sau khi tăng 0,8% ở tháng trước đó, sâu hơn dự báo chỉ giảm 0,4%; song giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lõi chung vẫn tăng 1,2% so với tháng trước trong tháng vừa qua, trái với dự báo giảm 1,0%.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết CPI và CPI lõi của nước này cùng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 2, sau khi lần lượt tăng 1,8% và 1,6% ở tháng 1, gần khớp so với dự báo lần lượt tăng 1,7% và 1,5% của các chuyên gia.
Nhiều ý kiến nhận định lạm phát của Anh sẽ khó tăng tốc trong thời gian tới, khi giá dầu thô thế giới đang chạm đáy và nhu cầu dịch vụ của người dân xuống rất thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.