Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 3-7/2
| Điểm lại thông tin kinh tế ngày 6/2 | ||
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 5/2 | |||
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 4/2 | |||
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 3/2 |
Tổng quan
Chính phủ quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP tăng 6,8% trong năm 2020 mặc dù kinh tế Việt Nam cũng như thế giới phải chịu những tác động tiêu cực của dịch cúm 2019-nCoV.
Tinh thần của Chính phủ là chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân, tuy nhiên vẫn giữ quyết tâm kép khi giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.
Mặc dù các tổ chức quốc tế lớn còn chưa đưa ra đánh giá chính thức về tác động của dịch bệnh, IMF cũng nhận định còn quá sớm để đánh giá tác động của dịch viêm phổi do virus corona lên kinh tế, việc đưa ra các đánh giá nóng vội sẽ gây hại…. Tuy nhiên, các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương… cũng đã có báo cáo trình Chính phủ bước đầu đánh giá tác động có thể có của dịch cúm 2019-nCoV lên kinh tế Việt Nam nói chung cũng như lên các ngành, lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nói riêng.
Ý kiến chung cho rằng, dịch cúm có thể tác động 2 chiều lên tăng trưởng kinh tế, nhưng dự kiến tiêu cực có thể nhiều hơn tích cực, hoạt động kinh tế có thể bị gián đoạn trên diện rộng.
Về tính toán cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo đánh giá sơ bộ về ảnh hưởng của dịch cúm 2019-nCoV đối với kinh tế - xã hội năm 2020 với những số liệu mang tính dự báo sợ bộ mà Bộ nghiên cứu tính đến ngày 5/2.
Về tăng trưởng kinh tế, Bộ dự kiến có 2 kịch bản. Kịch bản 1, nếu dịch virus corona được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%, thấp hơn 0,53% so với Nghị quyết 01. Trong đó, quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.
Với kịch bản 2, nếu dịch virus corona được khống chế trong quý II, ước tính GDP tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71% so với Nghị quyết 01). Trong đó quý I, GDP tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.
Về chỉ số giá tiêu dùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh có thể làm tăng giá thuốc y tế, giá điện sinh hoạt. Tuy nhiên, giá thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, rau xanh; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình; giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí có thể sẽ giảm trong ngắn hạn do nhu cầu giảm. Ngoài ra, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm, nhu cầu du lịch, lễ hội giảm.
Theo kịch bản 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%; theo kịch bản 2, dự báo CPI tăng 4,86%.
Các bộ, ngành cũng nêu ra những lĩnh vực sẽ chịu ảnh hưởng của dịch cúm này, đặc biệt là các ngành chịu tác động trực tiếp ngay khi dịch diễn ra.
Cụ thể hơn, sẽ có các ngành bị tác động tiêu cực trực tiếp như dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải hành khách; sản xuất, nuôi trồng, chế biến nông sản-thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc; bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trực tiếp qua quầy, bán hàng truyền thống; vui chơi, giải trí; giáo dục đào tạo...
Sẽ có những ngành bị tác động 2 chiều như dệt may, da giày, thiết bị điện tử, logistics (cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu có thể giảm, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc gặp khó khăn trong thời gian bùng phát dịch nhưng vẫn có thể có hiệu ứng thay thế hàng xuất khẩu của Trung Quốc giúp hạn chế bớt tác động tiêu cực do Hồ Bắc là thủ phủ sản xuất hàng dệt may, thép, hóa dầu, ô tô)...
Cũng sẽ có những ngành được hưởng lợi như dược phẩm, vật tư y tế; chăm sóc sức khỏe; thương mại điện tử; dịch vụ giao hàng cá nhân; điện; nước...
Theo Bộ Công Thương, trong trường hợp dịch sớm được kiểm soát trong ngắn hạn (dưới 3 tháng), dự kiến trong quý I/2020, xuất khẩu sang Trung Quốc có thể giảm khoảng từ 400 - 600 triệu USD, tương đương mức giảm khoảng 5-8%, tùy theo diễn biến của dịch.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực du lịch. Thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất, trung bình chiếm khoảng 30%. Khách Trung Quốc đến Việt Nam bình quân mỗi quý năm 2019 khoảng 1,45 triệu khách. Dự báo, lượng khách quốc tế trong quý I khoảng 644.000 lượt, giảm so với không có dịch khoảng 800.000 lượt.
Nếu dịch kéo dài đến hết quý II, lượng khách Trung quốc đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sẽ giảm khoảng 2,3 triệu lượt so với không có dịch. Khách quốc tế đến từ các quốc gia khác, ước tính sẽ giảm khoảng 50-60% trong giai đoạn có dịch.
Nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế là khoảng 2,3 tỷ USD; nếu hết quý II, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.
Lĩnh vực vận tải cũng chịu ảnh hưởng khi chỉ tăng trưởng chậm khoảng 3,5-5% theo các kịch bản đưa ra.
Đồng thời, những kiến nghị, định hướng ban đầu cũng được các đơn vị đưa ra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến việc có thể xây dựng gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng. Gói hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào nguồn lực và hỗ trợ đối tượng nào, sau khi xem xét một số đối tượng chịu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Ngày 4/2, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành văn bản 541/Ngân hàng Nhà nước-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hai do ảnh hưởng của dịch virus corona. Sau đó, hệ thống NHTM cũng đã công bố những kế hoạch hành động đầu tiên đễ hỗ trợ doanh nghiệp thời nCovN.
Đơn cử, ABB dành ra 4.000 tỷ đồng triển khai chương trình nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay dành cho khách hàng với nhiều lựa chọn linh hoạt… nhằm giúp tháo gỡ khó khăn về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho khách hàng; Eximbank triển khai nhanh các gói cho vay ưu đãi hướng đến một số lĩnh vực có thể gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn cao trào của dịch nCOV, triển khai các gói ưu đãi về lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEs…
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 3-7/2, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo xu hướng tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt phiên 7/2, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.201 VND/USD, tăng nhẹ 5 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.847 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá liên ngân hàng tăng khá mạnh 2 phiên đầu tuần nhưng đã giảm trở lại sau đó. Kết thúc phiên 7/2, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.235 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sau khi tăng mạnh phiên đầu tuần nhân ngày Thần tài 10 tháng Giêng âm lịch, tỷ giá trên thị trường tự do đã giảm trở lại trong các phiên cuối tuần qua. Chốt phiên 7/2, tỷ giá tự do tăng 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.220 - 23.250 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 3-7/2, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh qua hầu hết các phiên ở các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt phiên 7/2, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 2,43% (-0,70 điểm phần trăm); 1 tuần 2,61% (-0,72 điểm phần trăm); 2 tuần 2,73% (-0,71 điểm phần trăm); 1 tháng 3,10% (-0,43 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn duy trì xu hướng ít biến động ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Cuối phiên 7/2, lãi suất đứng ở mức qua đêm 1,71% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 1,80% (-0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 1,89% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,06% (không thay đổi).
Thị trường mở tuần từ 3-7/2, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 2,65%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần 36.000 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 36.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 61.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố trong tuần vừa qua, đều với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất chào thầu ở mức 4,0%. Tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu. Như vậy, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 1.103/3.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (tỷ lệ trúng thầu 37%) gọi thầu. Toàn bộ khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 30 năm, lãi suất 3,72% - thấp hơn 8 điểm so với phiên đấu thầu trước đó. Kỳ hạn 20 năm đấu thầu thất bại. Tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở mức 1,4 lần.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.541 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 7.808 tỷ đồng/phiên của 5 phiên trước và sau kỳ nghỉ lễ.
Lợi suất trái phiếu chính phủ biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Chốt phiên 7/2, lợi suất trái phiếu chính phủ được giao dịch quanh 1 năm 1,62% (+0,20 điểm phần trăm); 2 năm 1,8% (+0,19 điểm phần trăm); 3 năm 1,83% (+0,14 điểm phần trăm); 5 năm 2,04% (+0,15 điểm phần trăm); 7 năm 2,49% (không đổi); 10 năm 3,05% (-0,1 điểm phần trăm); 15 năm 3,11% (-0,12 điểm phần trăm); 30 năm 3,71% (không thay đổi).
Thị trường chứng khoán tuần từ 3-7/2 tương đối tích cực khi cả 3 chỉ số đều tăng điểm ở hầu hết các phiên, đồng thời khối lượng giao dịch ở trên mức trung bình. Kết thúc ngày 7/2, VN-Index đứng ở mức 940,75 điểm, tăng 4,13 điểm (+0,44%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 2,56 điểm (+2,50%) lên 104,92 điểm; UPCOM-Index tăng 0,63 điểm (+1,14%) lên mức 55,76 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 4.700 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 716 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Ngày 6/2, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu đối với hai nội dung luận tội Tổng thống Trump do Hạ viện trình lên là lạm dụng quyền lực và ngăn cản hoạt động của Quốc hội. Về những mục này, ông Trump nhận được lần lượt 52 và 53 phiếu thuận trong 100 phiếu, theo đó được tuyên bố vô tội.
Cũng trong tuần qua, kinh tế Mỹ đón nhận những thông tin trái chiều. Chỉ số PMI cho thấy lĩnh vực sản xuất và dịch vụ cùng mở rộng tốt hơn dự kiến trong tháng 01/2020. Ở thị trường lao động, mặc dù số lượng việc làm phi nông nghiệp trong tháng 1 tăng lên nhiều hơn dự báo, song tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng nhẹ và thu nhập bình quân của người lao động tăng chưa nhanh như kỳ vọng.
Tại Trung Quốc đã có khoảng 37,200 trường hợp nhiễm nCoV và khiến hơn 800 người thiệt mạng tính đến ngày 9/2. Cũng trong những ngày cuối tuần, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đưa ra cảnh báo còn quá sớm để xác định nCoV đã lên đến đỉnh điểm hay chưa.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nhận định virus nCoV có nguy cơ làm giảm tốc kinh tế Trung Quốc và kinh tế toàn cầu.
Các chuyên gia tại đại học Oxford của Anh cũng cho rằng bệnh dịch mới có thể khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc mất 2,0 điểm phần trăm trong quý 1.
Trong những diễn biến này, ngày 3/2, NHTW Trung Quốc PBoC giảm lãi suất 0,1 điểm phần trăm đối với hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần, lần lượt xuống còn 2,4% và 2,55%. Đồng thời, PBoC cũng tuyên bố bơm khoảng 1200 tỷ CNY tương đương 170 tỷ USD vào hệ thống tài chính nhằm hỗ trợ khả năng thanh khoản trên thị trường.
Tiếp đó, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố giảm một nửa thuế bổ sung trên gói hàng hoá trị giá 75 tỉ USD của Mỹ, thể theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai nước đã ký kết giữa tháng 1/2020.
Trong phiên họp đầu năm 2020 diễn ra tuần vừa qua, NHTW Úc RBA quyết định không thay đổi lãi suất điều hành ở mức 0,75%. RBA cũng cho biết thêm sẽ giữ mức lãi suất thấp này trong một thời gian hoặc thậm chí hạ lãi suất nếu cần, nhằm đưa lạm phát tới ngưỡng mục tiêu 2,0%.