Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 30/3-3/4
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 31/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 30/3 |
Tổng quan
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã xem xét Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây được xem là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ cho hàng triệu người dân trong đại dịch. Mặc dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng khá tích cực trong năm 2020.
Theo dự thảo Nghị quyết, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng là 35.880 tỷ đồng, chưa bao gồm số tiền dự kiến cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 16.200 tỷ đồng. Cụ thể, việc hỗ trợ bao gồm các khoản sau:
Hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người có công với cách mạng (1,135 triệu người) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 6.470 tỷ đồng, tổng số người được hỗ trợ 4,315 triệu người).
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là hộ nghèo (984.000 hộ), hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 6.730 tỷ, tổng số hộ được hỗ trợ 2.244.000 hộ).
Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 5.400 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 1 triệu lao động).
Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động (dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu lao động).
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 2.280 tỷ đồng, tổng số hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ 760 ngàn hộ).
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 15.000 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 5 triệu lao động).
Trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên tại Nghị quyết này thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.
Về nguồn để sử dụng cho việc hỗ trợ, Thủ tướng nêu rõ, có nguồn từ tiết kiệm chi thường xuyên như giảm chi cho hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, giảm tổ chức các lễ hội. Bên cạnh đó, có nguồn từ tăng thu 2019 và sử dụng nguồn dự phòng ngân sách năm 2020 và các nguồn hợp pháp khác.
Mặc dù đều cho rằng tăng trưởng kinh tế GDP năm 2020 không thể đạt 6,0% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chuyên gia cả trong nước và quốc tế đều có những dự báo tương đối lạc quan về kinh tế Việt Nam.
Đến thời điểm này, các chuyên gia nói đến 2 kịch bản diễn biến của đại dịch. Kịch bản "cơ sở" là dịch bệnh lan rộng sang Tây Âu và Bắc Mỹ, kèm tốc độ tăng nhanh số ca nhiễm tại Việt Nam. Giả thuyết ở đây là dịch bệnh sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 5-6 và chậm nhất tháng 7 tuyên bố hết dịch, tăng trưởng kinh tế hai quý đầu năm sẽ rất thấp; tăng trưởng nửa cuối năm sẽ mạnh do các nước đồng loạt kích thích kinh tế.
Trong dự báo của Bộ Kế hoạch đầu tư đưa ra hồi tháng 2, nếu dịch kéo dài đến quý II, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ là 6%. Nhưng đây vẫn là một con số rất thách thức với điều kiện các chính sách tài khóa và tiền tệ thành công.
Kịch bản “rất xấu” là khi đại dịch kéo dài dẫn đến khủng hoảng kinh tế, khởi nguồn cho khủng hoảng tài chính. Với trường hợp này, GDP năm nay chắc chắn sẽ đạt thấp.
Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới World Bank và Ngân hàng Phát triển Châu Á, dù có hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam so với báo cáo trước đó, nhưng vẫn đặt ở mức khá cao.
Trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2020) công bố ngày 3/4, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB dự báo nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá vững mạnh. GDP năm 2020 được dự báo tăng 4,8%. Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, tốc độ này sẽ là 6,8% trong năm 2021.
Theo ADB, dù các hoạt động kinh tế đi xuống và các rủi ro do đại dịch vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, trong Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương số tháng 4/2020 "Đông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19", Ngân hàng Thế giới WB dự báo mức tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 sẽ giảm từ mức 6,5% dự báo trước đó xuống 4,9% trong năm 2020. Trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ lên đến 7,5% trong năm 2021 và quanh mức khoảng 6,5% năm 2022.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ qua 4 phiên tuần từ 30/3-3/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm luân phiên. Chốt phiên cuối tuần 3/4, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.239 VND/USD, tăng nhẹ 4 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.650 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng giảm trở lại trong tuần vừa qua. Kết thúc phiên 3/4, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.440 VND/USD, giảm mạnh 190 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua trong xu hướng giảm ở hầu hết các phiên. Chốt phiên 3/4, tỷ giá tự do giảm 70 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.650 - 23.750 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ ngày 30/3-3/4, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 3/4, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 3,55% (+1,42 điểm phần trăm); 1 tuần 3,55% (+1,27 điểm phần trăm); 2 tuần 3,58% (+1,13 điểm phần trăm); 1 tháng 3,65% (+1,0 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng ở tất cả các kỳ hạn qua cả 4 phiên. Cuối phiên 3/4, lãi suất USD liên ngân hàng đứng ở mức qua đêm 1,46% (+0,15 điểm phần trăm); 1 tuần 1,50% (+0,11 điểm phần trăm); 2 tuần 1,56% (+0,09 điểm phần trăm) và 1 tháng 1,66% (+0,07 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 30/3-3/4, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tới 29.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất chào thầu giữ ở mức 3,5%. Có 20.837 tỷ đồng trúng thầu trên kênh này. Trong tuần có 1 tỷ đồng đáo hạn, như vậy, có 20.836 tỷ đồng được bơm ra thị trường qua kênh cầm cố trong tuần vừa qua.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên ở mức gần 147.000 tỷ đồng. Khối lượng này sẽ bắt đầu đáo hạn từ ngày 20/04/2020.
Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ chia đều cho ba kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 30 năm. Tuy nhiên, phiên đấu thầu thất bại. Tỷ lệ đặt thầu ở mức 1,3 lần - số thành viên tham dự từ 4 - 11 thành viên. Vùng lãi suất đặt thầu đều tăng từ 0,2% - 0,6%, tùy từng kỳ hạn, so với tuần trước đó.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.922 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ từ mức hơn 14.300 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ tuần qua tiếp tục tăng so với tuần trước đó ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 3/4, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,51% (+0,44 điểm phần trăm); 2 năm 2,65% (+0,51 điểm phần trăm); 3 năm 2,78% (+0,51 điểm phần trăm); 5 năm 2,95% (+0,46 điểm phần trăm); 7 năm 3,27% (+0,27 điểm phần trăm); 10 năm 3,42% (+0,06 điểm phần trăm); 15 năm 3,54% (+0,11 điểm phần trăm); 30 năm 3,74% (+0,24 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán khởi sắc khi cả 3 sàn đều kết thúc tuần với sắc xanh. Chốt phiên cuối tuần 3/4, VN-Index đứng ở mức 701,80 điểm, tăng 5,74 điểm (+0,82%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng nhẹ 0,49 điểm (+0,50%) lên 97,84 điểm; UPCOM-Index tăng 0,32 điểm (+0,66%) lên mức 49,14 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị giao dịch đạt gần 4.000 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại liên tiếp bán ròng mạnh với giá trị hơn 1.100 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
World Bank và IMF cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu, hai tổ chức này đã tung gói cứu trợ 28 quốc gia chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Cụ thể, World Bank ngày 3/4 cho biết sự lây lan nhanh đến mức khó kiểm soát của đại dịch Covid-19 có thể gây ra tình trạng hỗn loạn kinh tế toàn cầu và dẫn đến suy thoái. Đặc biệt, các quốc gia nghèo hoặc có nền y tế kém phát triển sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Cũng trong ngày 3/4, IMF cảnh báo Covid-19 có thể gây ra khủng hoảng với mức độ nghiêm trọng hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Cho đến thời điểm hiện tại, World Bank và IMF đã có động thái giải ngân quỹ đến các nước đang phát triển và thu nhập thấp nhằm hỗ trợ các biện pháp chống chọi với sự lây lan của dịch bệnh. Các quốc gia được hỗ trợ chủ yếu nằm tại khu vực Châu Phi, Châu Á, Mỹ La Tinh và Ca-Ri-Bê. Tuy khoản tiền mà các tổ chức này có thể đóng góp là chưa nhiều (lớn nhất chỉ khoảng 100 triệu USD/quốc gia), song vẫn mang những ảnh hưởng tích cực nhất định đến các quốc gia được hỗ trợ.
Mỹ nhận một số thông tin kinh tế trái chiều, thị trường lao động khủng hoảng ngày một nghiêm trọng hơn. Cụ thể, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ ở mức 120 điểm trong tháng 3, giảm xuống từ 132,6 điểm của tháng 2 nhưng vẫn cao hơn dự báo ở mức 115,1 điểm.
PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ trong tháng 3 ở mức 49,1 điểm, giảm từ 50,1 điểm của tháng 2 nhưng cao hơn dự báo ở mức 44,9 điểm.
Liên quan đến thị trường lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 28/03 ở mức 6,6 triệu đơn, cao gấp đôi mức cao nhất lịch sử 3,3 triệu đơn đã ghi nhận ở tuần trước đó.
Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết nước này mất 700 nghìn việc làm phi nông nghiệp trong tháng 3, sau khi tạo ra 275 nghìn việc làm ở tháng trước đó, tiêu cực hơn nhiều so với dự báo chỉ mất 100 nghìn việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 3 nhảy vọt lên mức 4,4% từ mức 3,5% của tháng 2, bỏ xa dự báo chỉ ở mức 3,8% của các chuyên gia.
Điều tích cực duy nhất về thị trường lao động là mức thu nhập theo giờ bình quân tăng 0,4% so với tháng trước trong tháng vừa qua sau khi tăng 0,3% ở tháng 2, cao hơn mức tăng 0,2% theo dự báo.
Về lĩnh vực phi sản xuất, ISM cho biết PMI lĩnh vực này chỉ giảm xuống còn 52,5% trong tháng 3 từ mức 57,3% ở tháng 2, cao hơn nhiều so với dự báo ở mức 43,5%, cho thấy lĩnh vực này tại Mỹ đã cầm cự khá tốt trong giai đoạn đầu bị tác động bởi dịch Covid-19.
Khu vực Eurozone cũng đón một số thông tin kinh tế trái chiều. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này trong tháng 2 giảm xuống còn 7,3%; trái với dự báo vẫn giữ ở mức 7,4% như tháng 1. Doanh số bán lẻ của Eurozone tháng vừa qua tăng 0,9% so với tháng trước, sau khi tăng 0,7% ở tháng trước đó, cao hơn khá nhiều so với mức tăng 0,1% theo dự báo.
PMI chính thức lĩnh vực dịch vụ Eurozone trong tháng 3 ở mức 26,4 điểm, điều chỉnh xuống từ mức 28,4 điểm theo thống kê sơ bộ. Bên cạnh đó PMI chính thức lĩnh vực sản xuất ở mức 44,5 điểm, điều chỉnh nhẹ từ mức 44,8 điểm.
Mức tăng CPI và CPI lõi sơ bộ tại Eurozne lần lượt là 0,7 và 1,0% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 3, giảm tương đối mạnh so với tháng 2 khi cùng ghi nhận mức tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.