Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 6-10/1
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 9/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 7/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 6/1 |
Tổng quan
Năm 2019 thị trường dầu mỏ chứng kiến nhiều biến động lớn khiến giá dầu tăng - giảm khá mạnh, tuy nhiên, giá dầu đến cuối năm cũng đã tăng gần 40% so với mức giá khá thấp cuối năm 2018, cho thấy tác động tương đối tích cực từ nỗ lực của các nước OPEC cắt giảm sản lượng, cũng như cho thấy tác động giảm dần của dầu đá phiến của Mỹ đến sản lượng dầu mỏ thế giới.
Giá dầu thô phiên cuối năm 2019 ở mức 61,06 USD/thùng, tăng 36,07% từ mức 45,41 USD/thùng chốt năm 2018. Trong năm, giá dầu có những giai đoạn tăng mạnh, ví dụ do ảnh hưởng từ 2 lần thỏa thuận tiếp tục cắt giảm sản lượng của OPEC vào tháng 1 và tháng 12, hoặc chịu ảnh hưởng từ vụ một số cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công vào ngày 14/9/2019.
Trong cuộc họp của OPEC+ vào ngày 6/12, các nước thành viên của tổ chức này đã đồng thuận giảm sản lượng thêm 500.000 thùng mỗi ngày, nâng tổng lượng cắt giảm lên tới 2,1 triệu thùng mỗi ngày.
Tuy đã bình ổn trở lại sau những sự kiện này, giá dầu nhưng vẫn cho thấy xu hướng tăng nhẹ dần trong năm qua. Theo các chuyên gia, mức giá khoảng 60 USD/thùng là hợp lý cho cả các nhà sản xuất dầu mỏ cũng như cả các nước tiêu thụ.
Sang năm 2020, theo nhận định của các chuyên gia, các nguyên nhân cơ bản sau sẽ hỗ trợ giá dầu. Thứ nhất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã lắng dịu khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ - hiện là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới - và Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - đã đồng ý giai đoạn một của một thỏa thuận thương mại sau gần 18 tháng áp dụng thuế quan trả đũa và cho thấy khả năng bắt đầu đàm phán giai đoạn hai.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ có tác động tăng giá đối với dầu thô vì thứ nhất, nó có thể khởi động lại nền kinh tế Trung Quốc - quốc gia đã cho thấy một loạt các chỉ số kinh tế chậm lại kể từ khi bắt đầu tranh chấp thương mại.
Thứ hai, khả năng OPEC tiếp tục cắt giảm giá dầu và gia hạn thỏa thuận, tổ chức này đã lên lịch cuộc họp tiếp theo vào tháng 3.
Thứ ba là những căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông khi Mỹ thực hiện không kích ở Iraq và Syria; Lybia, Iran và Iraq đều đang chịu thiệt hại do những căng thẳng trong nước. Những điều này có thể ảnh hưởng đến sản lượng dầu của các nước này và đẩy giá dầu tăng.
Một lý do kỹ thuật nữa là việc từ tháng 1/2020, các nước phải tuân thủ quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế về nhiên liệu tàu biển (IMO 2020). Các quy tắc này ngăn tàu sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh 0,5% trở lên hoặc phải lắp đặt hệ thống lọc nhiên liệu đắt tiền trên tàu khi chúng sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn. Việc áp dụng IMO 2020 đã có tác động tăng giá trên thị trường dầu thô ngọt, qua đó tới thị trường dầu thô nói chung.
Ngược lại, sẽ có một số yếu tố có thể tác động làm giảm giá dầu trong năm nay. Thứ nhất, khả năng Trung Quốc nhập khẩu ít dầu hơn. Nhu cầu cao của Trung Quốc đối với dầu nhập khẩu đã là chủ đạo của thị trường trong nhiều năm qua.
Một khả năng thực sự xuất hiện, chính phủ Trung Quốc có thể quyết định ngừng xây dựng kho dầu bổ sung và giảm bớt nhập khẩu, vì tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại hoặc để chuyển hướng nguồn vốn cho các kích thích kinh tế khác.
Thứ hai, khả năng Nga rời khỏi thỏa thuận sản xuất OPEC+. Mặc dù Nga vừa mới đồng ý gia hạn thỏa thuận hạn chế sản xuất của OPEC + và tăng cường cắt giảm sản lượng trong quý đầu tiên của năm 2020, nhưng họ đã nói về việc rời khỏi thỏa thuận.
Bộ trưởng dầu mỏ Nga nói với rằng năm 2020 có thể là thời điểm thích hợp để đánh giá lại sự tham gia của Nga trong thỏa thuận cắt giảm sản xuất và có khả năng chấm dứt hợp tác với OPEC. Trong khi đó, thỏa thuận cắt giảm sản xuất đa quốc gia phụ thuộc vào Nga, vì OPEC đã không thể đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào với các nước ngoài OPEC trong những ngày này mà không có sự hiện diện và tham gia của Nga.
Việc Nga rút khỏi thỏa thuận OPEC + có thể sẽ khiến giá dầu giảm do động lực cho hầu hết các nhà sản xuất OPEC để kiềm chế sản xuất dầu sẽ không còn nữa.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 6-10/1, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm qua các phiên với biên độ biến động khá mạnh. Chốt tuần 10/1, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.166 VND/USD, tăng 9 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.811 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần qua tiếp tục ít biến động trong tuần vừa qua. Kết thúc phiên cuối tuần 10/1, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.175 VND/USD, giảm trở lại 5 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do có xu hướng tăng nhẹ trong tuần vừa qua, chốt phiên cuối tuần tăng 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.180 - 23.210 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 6-10/1, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống qua các phiên. Phiên cuối tuần 10/01, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,94% (-0,98 điểm phần trăm); 1 tuần 1,46% (-1,08 điểm phần trăm); 2 tuần 2,65% (-0,35 điểm phần trăm); 1 tháng 3,44% (-0,28 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng cũng trong xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống, tuy nhiên với biên độ ít hơn. Cuối tuần 10/1, lãi suất đứng ở mức qua đêm 1,74% (-0,04 điểm phần trăm); 1 tuần 1,83% (-0,04 điểm phần trăm); 2 tuần 1,91% (-0,06 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,08% (-0,02 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 6-10/1, Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 3.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố, 3 phiên đầu với kỳ hạn 14 ngày, 2 phiên cuối tuần với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất chào thầu đều ở mức 4,0%. Tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu trong tuần. Như vậy, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước huy động thành công toàn bộ 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu. Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 20 năm huy động được 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được 1.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.
Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đồng loạt giảm mạnh so với phiên trước đó, cụ thể: lãi suất kỳ hạn 5 năm giảm 20 điểm xuống mức 1,8%/năm; kỳ hạn 10 năm giảm 38 điểm xuống mức 3,1%/năm; kỳ hạn 15 năm giảm 45 điểm xuống mức 3,2%/năm; kỳ hạn 20 năm giảm 39 điểm xuống mức 3,63%/năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường trái phiếu thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.706 tỷ đồng/phiên, tiếp tục giảm nhẹ so với mức 10.853 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Lợi suất trái phiếu chính phủ đồng loạt giảm so với tuần trước đó. Chốt phiên cuối tuần, lợi suất trái phiếu chính phủ được giao dịch quanh 1 năm 1,3% (-14 điểm phần trăm); 2 năm 1,43% (-0,15 điểm phần trăm); 3 năm 1,53% (-0,21 điểm phần trăm); 5 năm 1,77% (-0,17 điểm phần trăm); 7 năm 2,48% (-0,22 điểm phần trăm); 10 năm 3,06% (-0,32 điểm phần trăm); 15 năm 3,18% (-0,36 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần qua không có đột biến khi các chỉ số tiếp tục giao dịch quanh mức tham chiếu. Kết thúc tuần ngày 10/1, VN-Index đứng ở mức 968,54 điểm, tăng 3,40 điểm (+0,35%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm nhẹ 0,17 điểm (-0,17%) xuống 102,39 điểm; UPCOM-Index giảm 1,09 điểm (-1,92%) xuống mức 55,56 điểm.
Thanh khoản thị trường tuy có cải thiện so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch đạt khoảng gần 4.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng mạnh gần 1.024 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần vừa qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trong tuần vừa qua, thế giới phần nào bớt lo lắng hơn khi Trung Quốc xác nhận sẽ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ. Bên cạnh đó những căng thẳng tại Trung Đông cũng đã dịu bớt sau cuộc trả đũa đầy tính toán của Iran đối với Mỹ.
Cuối tuần vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc lên tiếng phái đoàn nước này do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu sẽ tới Washington ngày 13-15/1, nhằm ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một. Thị trường cho thấy sự lạc quan hơn mặc dù vẫn còn những hoài nghi về những chi tiết và tác dụng của bản thỏa thuận này.
Liên quan đến Trung Đông, Iran ngày 8/1 đã phóng nhiều tên lửa vào các quân cứ quân sự tại Iraq, nơi có binh lính Mỹ đồn trú, tuy nhiên cuộc tấn công không gây ra bất kỳ thương vong nào cho Mỹ. Đối với việc này, Iran tuyên bố đã thực hiện xong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và không có ý định lấn sâu vào chiến tranh vũ trang.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho thấy không có ý đồ tấn công đáp trả, tuy nhiên tuyên bố sẽ nâng các biện pháp cấm vận Iran sau những hành động đe dọa đến quân đội Mỹ.
Kinh tế Mỹ trong tuần qua nhận nhiều thông tin trái chiều, thị trường lao động của nước này vẫn phát triển khá ổn định mặc dù chưa đạt kỳ vọng trong tháng 12, tỷ lệ thất nghiệp hiện tại đang ở mức thấp nhất lịch sử, là động lực quan trọng trong đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ năm 2019.