Đồ chơi Trung thu Việt chiếm lĩnh thị trường
Thị trường bánh Trung Thu 2020: Hàng nội khó bán, đồ ngoại đắt khách | |
Phố Hàng Mã khoe sắc đón... Tết Trung thu |
Trống tiêu, mặt nạ giấy bồi - những đồ chơi quen thuộc mỗi dịp Tết Trung thu |
Từ lâu, “đến hẹn lại lên”, mỗi dịp Trung thu, những con phố được mệnh danh là “vương quốc đồ chơi” của Hà Nội lại khoác lên mình tấm áo mới, rực rỡ sắc màu, hút mọi ánh nhìn của trẻ em, trở thành một nét văn hóa rất riêng của phố cổ mỗi mùa trông trăng.
Năm nay, có thể dễ dàng nhận ra đồ chơi truyền thống, thủ công Việt Nam đã chiếm thế “thượng phong” tại các cửa hàng. Vẫn là những loại đồ chơi quen thuộc mỗi dịp Trung thu như mặt nạ giấy bồi, trống tiêu, đầu lân, đèn lồng… ngoài ra còn xuất hiện nhiều đồ chơi truyền thống khác như tò he, đèn lồng Hội An.
Theo chia sẻ của những người bán hàng, từ vài năm trở lại đây, người tiêu dùng bắt đầu ưa chuộng đồ chơi truyền thống Việt Nam hơn hẳn so với các loại đồ chơi từ Trung Quốc. Chính vì vậy, thay vì nhập đồ chơi điện tử với số lượng lớn như trước đây, mùa Trung thu năm nay, nhiều tiểu thương tại Hàng Mã, Lương Văn Can đã ưu tiên các loại đồ chơi thủ công được sản xuất tại các làng nghề và chính từ nghệ nhân ở phố cổ. “Đồ chơi thủ công Việt Nam có giá cao hơn đồ điện tử nhưng khách hàng vẫn sẵn sàng lựa chọn, tâm lý người tiêu dùng đã trở lại ưa chuộng đồ chơi truyền thống” - một tiểu thương trên phố Hàng Mã chia sẻ.
Theo khảo sát, giá các loại đồ chơi Trung thu năm nay ở mức trung bình, tương đương năm ngoái. Giá bán các loại đèn ông sao vào khoảng 10.000 - 15.000 đồng/sản phẩm, các loại cỡ to hơn là 70.000 - 100.000 đồng/sản phẩm. Đèn lồng giấy có giá 20.000 - 50.000 đồng/chiếc, tùy từng kích cỡ. Đầu lân sư tử là loại đồ chơi có giá đắt nhất, khoảng 550.000 - 950.000 đồng/chiếc, loại đầu lân đặc biệt có giá lên tới 3 - 5triệu đồng/chiếc.
Mặt nạ giấy bồi - một món đồ chơi truyền thống được chính tay các nghệ nhân phố cổ làm thủ công có giá bán khoảng 35.000 - 70.000 đồng/chiếc, trong khi đó mặt nạ nhựa được nhập về có giá dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/chiếc.
Đang lựa chọn đồ chơi cho con nhân dịp Trung thu, chị Hoàng Bích Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đồ chơi thủ công xuất xứ từ Việt Nam luôn là sự lựa chọn của chị trong nhiều năm gần đây. Theo chị Ngọc, Tết Trung thu là một dịp lễ truyền thống của dân tộc, vì vậy việc lựa chọn đồ chơi không chỉ là một món quà, mà còn có ý nghĩa giáo dục cho con về một nét văn hóa Việt Nam, giúp con hiểu được cội nguồn và ý nghĩa của Tết Trung thu. Ngoài ra, đồ chơi truyền thống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các chất liệu từ giấy, tre, nứa gần gũi, đảm bảo an toàn hơn cũng là một trong những lý do khiến người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Theo các tiểu thương, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không khí mua sắm, tham quan có phần trầm lắng hơn so với mọi năm. Nhiều chủ cửa hàng cho biết chỉ đang nhập hàng cầm chừng để nghe ngóng thị trường, tuy nhiên vẫn đảm bảo đầy đủ các mặt hàng để phục vụ người dân lựa chọn cho Tết Trung thu.
Không chỉ chiếm lĩnh thị trường ở các con phố truyền thống, đồ chơi “Made in Vietnam” cũng đã dần khẳng định được vị thế ở các cửa hàng bán lẻ và cả ở siêu thị, nhà sách lớn. Những loại đồ chơi truyền thống như mặt nạ giấy bồi, trống tiêu, đèn lồng giấy… được bày bán với số lượng nhiều, vị trí đẹp mắt tại nhiều trung tâm thương mại và nhà sách.
“Những đồ chơi có chất độc hại, không rõ nguồn gốc bị phát hiện nhiều nên người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng và xuất xứ của sản phẩm. Chính vì vậy, đồ chơi Việt đang dần khẳng định được vị thế nhờ vào việc đảm bảo chất lượng, cải tiến về mẫu mã sản phẩm” - chị Hoa, chủ cửa hàng đồ chơi trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.
Đón đầu mùa Trung thu năm nay, mới đây Tổng cục Quản lý thị trường đã gửi Công văn số 1798 đến Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu 2020.
Riêng đối với đồ chơi trẻ em, cơ quan này cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em; đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng; đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực nhập lậu; kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em…