Doanh nghiệp bán lẻ âm thầm củng cố vị thế
Cuộc đua không cân sức?
Chỉ còn đưa đầy năm (tháng 01/2015), thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết WTO. Tuy nhiên, cuộc chiến tại thị trường này đã và đang diễn ra khá khốc liệt giữa các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia và một số DN có tên tuổi trong nước.
Các thương hiệu lớn trên thế giới đang được các nhà bán lẻ nước ngoài đưa vào Việt Nam
Theo đánh giá của các chuyên gia, thế mạnh của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài chính là tiềm lực tài chính vững vàng và kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trên thương trường quốc tế trong lĩnh vực bán lẻ đã giúp những nhà đầu tư này tạo thành một “đế chế hùng mạnh” tại một số thị trường mới nổi.
Tại Việt Nam, đặc biệt là ở những thành phố lớn, một vài năm trở lại đây số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ đang gia tăng chóng mặt, chiếm 40%/hơn 700 siêu thị và trung tâm thương mại trên khắp cả nước. Nếu như những tên tuổi như Big C, Lotte Mart, Parkson… đã khá quen thuộc với người dân thành thị Việt Nam thì mới đây, Aeon (Nhật Bản) đã chính thức đánh dấu sự hiện diện của mình tại TP. Hồ Chí Minh và tiếp theo sau tập đoàn này là hàng loạt những tên tuổi khác như Wal Mart (Mỹ), Robinsons Department Store (Thái Lan), Fairprice (Singapore) và Auchan (Pháp) cũng đã rục rịch lên kế hoạch cho cuộc chinh chiến của mình tại quốc gia được đánh giá có thị trường bán lẻ hấp dẫn như Việt Nam.
Trước làn sóng tấn công ồ ạt này, một số DN bán lẻ trong nước dù đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường song vẫn không thể lơ là, mà âm thầm từng bước củng cố vị thế. Tuy nhiên, do phần lớn các nhà bán lẻ trong nước như Co.op Mart, Satra Food, FiviMart, Harpo… đều xác định được ưu thế của mình chính là mức độ hiện diện, phủ sóng với người tiêu dùng tại địa phương để có thể dễ dàng len lỏi vào những phân khúc mà nhà đầu tư ngoại khó với tay đến.
Cụ thể, phần lớn nhà bán lẻ này đều định vị phân khúc hướng đến giới tiêu dùng bình dân chiếm ưu thế về số lượng để định vị các chuỗi cửa hàng nhỏ từ nông thôn đến thành thị. Hàng hóa không chỉ “đánh” vào tâm lý ưu tiên dùng hàng Việt mà còn rất gần gũi với đời sống hàng ngày, từ đồ dùng sinh hoạt đến đồ ăn thức uống hàng ngày, giá cả phải chăng...
Ai hưởng lợi?
Với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là miếng bánh màu mỡ để các nhà đầu tư trong và ngoài nước khai thác với đủ các chiêu thức chạy đua lôi kéo khách hàng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng và nông dân, các DN sản xuất, phân phối khác trong chuỗi cung ứng hưởng lợi gì từ “cuộc chiến” này?
Đương nhiên, xét về quy luật cạnh tranh, càng nhiều nhà cung cấp sản phẩm, hàng hóa trên thị trường thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi về giá cả, chất lượng, dịch vụ chăm sóc khách hàng… Song đối với nền sản xuất trong nước thì vẫn cần được đem ra bàn bạc mổ xẻ.
Bởi theo lời “ngã giá” của một vị chủ tịch tập đoàn bán lẻ đến từ Mỹ, đổi lại sự hiện diện và cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam, tập đoàn này sẽ mở rộng cửa đối với các hàng hóa may mặc, da giày, nông thủy sản của Việt Nam hiện diện trong chuỗi hơn 11.000 siêu thị, cửa hàng bán lẻ của tập đoàn tại nhiều nước trên thế giới… như vậy sẽ rất có lợi cho các sản phẩm “made in” Việt Nam và nền sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, điều mà mọi người băn khoăn chính là hiệu quả thực sự mà các chủ tập đoàn bán lẻ này đem lại cho Việt Nam khi bài học về sự liên kết giữa tập đoàn bán lẻ nước ngoài và nhà cung cấp trong nước, đến tận nguồn hàng là người nông dân trồng trọt, chăn nuôi trước đây từng được khá kỳ vọng đã thất bại thảm hại.
Những người nông dân và DN sản xuất nhiều mặt hàng vốn được coi là có lợi thế trong nước vẫn chưa thể tìm cách chen chân vào “mặt trận” này. Và kết quả là nền sản xuất trong nước vẫn chưa nắm bắt được gì từ những cơ hội mà nhà đầu tư ngoại hứa hẹn sẽ đem lại mà chủ yếu các DN nội vẫn đứng nhìn thị trường để các nhà đầu tư nước ngoài khai thác lợi nhuận tối đa.
Mặc dù vậy, theo Hiệp hội Siêu thị Việt Nam, khi cánh cửa với thế giới bên ngoài đã mở rộng, việc hội nhập là quy luật tất yếu. Chính vì vậy, với DN trong nước nói chung và ngành hàng bán lẻ nói riêng, việc khẳng định sự hiện diện, hạ thấp giá thành để cạnh tranh thôi chưa đủ mà hơn hết cần phải nâng cao tầm nhìn quản trị, không ngừng đổi mới quy trình chất lượng, cũng như luôn quan tâm, hướng đến quyền lợi người tiêu dùng thay vì chỉ nhắm đến mục tiêu lợi nhuận đơn thuần.
Bởi, thị trường không chờ đợi ai mà sẽ thuộc về những người hiểu biết và đáp ứng một cách tốt nhất cho những yêu cầu, đòi hỏi được đặt ra của thị trường.
Nhật Minh