Doanh nghiệp có thể tự kiểm tra sức khỏe tài chính
CIC tăng cường truyền thông và hỗ trợ khách hàng | |
Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam: Duy trì tốt chất lượng và hiệu quả hoạt động | |
Mở rộng độ phủ thông tin tín dụng |
Ông Cao Văn Bình |
Được biết đã nhiều năm qua, CIC thực hiện rất tốt nghiệp vụ xếp hạng tín dụng (XHTD) doanh nghiệp, xin ông vui lòng chia sẻ về quá trình phát triển hoạt động này tại đơn vị?
Hoạt động nghiệp vụ XHTD của CIC được triển khai thí điểm từ năm 2002, sau đó được thực hiện chính thức từ năm 2004 theo Quyết định số 473/QĐ-NHNN ngày 28/4/2004 của Thống đốc NHNN về việc triển khai Đề án phân tích, XHTD doanh nghiệp.
Dựa trên những kết quả đạt được cũng như đánh giá tầm quan trọng, vai trò của XHTD doanh nghiệp trong việc phòng ngừa, hạn chế rủi ro tín dụng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, năm 2006, sau 4 năm thí điểm, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1253/QĐ-NHNN ngày 21/6/2006, chính thức cho phép CIC thực hiện nghiệp vụ phân tích, XHTD doanh nghiệp. Đây là một dấu mốc quan trọng đối với việc phát triển hoạt động này tại CIC. Từ đây, mô hình XHTD doanh nghiệp tại CIC đã được nghiên cứu, xây dựng và nhiều lần được cải tiến với các phương pháp tiên tiến, hiện đại, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.
Với lợi thế là có nguồn dữ liệu đầu vào lớn, CIC thực hiện XHTD doanh nghiệp dựa trên việc tính điểm các chỉ tiêu thông tin về tình hình vay nợ, nợ không đủ tiêu chuẩn, tình hình tài chính, thông tin phi tài chính... Hiện nay, CIC đã thực hiện XHTD hơn 400.000 doanh nghiệp có báo cáo tài chính.
Cùng với quá trình phát triển của CIC, hoạt động XHTD đã có nhiều bước tiến mới và khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong việc quản trị rủi ro của các TCTD, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng, chất lượng bản tin XHTD đều tăng trưởng và cải thiện tốt qua các năm. Các báo cáo XHTD được sử dụng ngày càng rộng rãi, cung cấp cho Ban lãnh đạo NHNN, các đơn vị thuộc NHNN, Thời báo Kinh tế, các bộ, ngành… và đặc biệt là các TCTD, các công ty thông tin tín dụng cũng như các doanh nghiệp tự xếp hạng. Trong năm 2021, CIC cung cấp gần 30.000 báo cáo XHTD cho các đơn vị sử dụng.
Ngoài ra, CIC cũng đã phát hành những ấn phẩm XHTD doanh nghiệp chuyên ngành như chuyên đề về doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may, da giày, thủy sản; hay các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam; xếp hạng TOP 1.000 doanh nghiệp hàng năm, doanh nghiệp Việt Nam dưới góc nhìn CIC, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19…
CIC hiện đang cung cấp những sản phẩm, dịch vụ nào dành cho các doanh nghiệp và phương phức khai thác những sản phẩm này?
Đối với các doanh nghiệp muốn khai thác thông tin của chính bản thân, CIC đang cung cấp sản phẩm Báo cáo thông tin tín dụng khách hàng doanh nghiệp (K10), báo cáo doanh nghiệp/tập đoàn tự đăng ký XHTD (XH50S/XH51S), báo cáo thông tin doanh nghiệp (S73).
Các báo cáo này giúp doanh nghiệp có thể tự kiểm tra sức khỏe tài chính nội bộ để có kế hoạch, chiến lược phát triển hiệu quả hơn. Ngoài ra, báo cáo này cũng là công cụ để doanh nghiệp chứng minh năng lực tài chính trong hoạt động kinh doanh, đầu tư với các nhà cung cấp, các công ty đối tác. Trong những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp tự đăng ký XHTD để hoàn thiện bộ hồ sơ đấu thầu, phát hành trái phiếu; một số khác sử dụng báo cáo này để tham gia các giải thưởng (như chương trình Thương hiệu Quốc gia, giải thưởng Rồng Vàng), quảng bá hình ảnh của mình với các đối tác cũng như tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Hiện tại, các sản phẩm này đều được CIC cung cấp trực tuyến tại Cổng thông tin kết nối khách hàng vay của CIC tại địa chỉ https://cic.gov.vn. Các doanh nghiệp có thể dễ dàng đăng ký và khai thác thông tin về chính bản thân mình chỉ với những thao tác đơn giản.
Bên cạnh việc khai thác các sản phẩm trên, các doanh nghiệp còn có thể thực hiện dịch vụ đăng ký và kết nối nhu cầu vay thông qua Cổng thông tin kết nối khách hàng vay. Qua đó doanh nghiệp có thể:
+ Tìm hiểu, lựa chọn các gói tín dụng của các TCTD phù hợp với nhu cầu bản thân;
+ Đăng ký nhu cầu vay của bản thân;
+ Kết nối trực tiếp với TCTD.
Việc đăng ký trên Cổng Thông tin kết nối khách hàng vay của CIC giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đi lại, thời gian khi sử dụng dịch vụ ngân hàng và tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, CIC cũng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác dành cho các doanh nghiệp muốn tìm hiểu về đối tác, khách hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khai thác các sản phẩm này đều phải ký hợp đồng khai thác với CIC, phải được khách hàng chấp thuận chia sẻ và phải tuân thủ các quy định hiện hành của CIC và NHNN về hoạt động thông tin tín dụng.
CIC cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác dành cho các doanh nghiệp muốn tìm hiểu về đối tác, khách hàng |
Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp có lịch sử nợ xấu tại CIC và khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, vậy liệu CIC có thể sửa được các thông tin này theo đề nghị của doanh nghiệp hay không? Khi nào thì thông tin được chỉnh sửa và vì sao lại được chỉnh sửa?
Theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN ban hành ngày 30/7/2021, nợ xấu là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4, 5 được TCTD phân loại và gửi về CIC để cập nhật, lưu trữ, đồng thời cung cấp thông tin theo quy định của NHNN.
CIC khẳng định, không có một cơ chế nào về việc xóa nợ xấu tại CIC, không có bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào có thể thực hiện được việc này. Tất cả các thông tin của khách hàng tại CIC được cập nhật/lưu trữ trung thực, khách quan đúng theo các thông tin được các TCTD báo cáo. CIC hay bất kỳ tổ chức/cá nhân nào đều không được phép tự ý điều chỉnh các thông tin này.
Các trường hợp cần điều chỉnh dữ liệu của khách hàng (trong trường hợp có sai sót, nhầm lẫn) tại CIC đều phải tuân thủ những quy trình chặt chẽ theo quy định tại Điều 17 Thông tư 03/2013/TT-NHNN ngày 28/1/2013 về điều chỉnh dữ liệu sai sót. Khi phát hiện dữ liệu phân loại nợ có sai sót, TCTD, chi nhánh NHNN, tổ chức tự nguyện phải gửi lại dữ liệu thông tin tín dụng và có văn bản của người có thẩm quyền nêu rõ lý do sai sót và đề nghị CIC điều chỉnh dữ liệu sai sót đó.
Do đó, CIC chỉ điều chỉnh dữ liệu có sai sót của khách hàng khi nhận được văn bản yêu cầu từ TCTD (do tổng giám đốc hoặc người được ủy quyền ký), trong đó nêu rõ lý do sai sót. Ngoài ra, không có bất cứ một “cơ chế” xóa nợ xấu, điều chỉnh nhóm nợ nào khác.
Các doanh nghiệp khi phát sinh hoạt động vay vốn tại các TCTD cần chủ động kế hoạch trả nợ và thực hiện theo đúng cam kết với TCTD để tránh phát sinh nợ xấu.
Ông vui lòng chia sẻ về các kế hoạch để phát triển hoạt động XHTD tại CIC trong thời gian tới?
Để phát triển nghiệp vụ XHTD của CIC trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng kho dữ liệu thông tin tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển và cải tiến sản phẩm cũng như đa dạng hóa các kênh cung cấp, cụ thể như sau:
Đối với việc phát triển kho dữ liệu thông tin tín dụng, CIC sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng nguồn dữ liệu tập trung, đầy đủ, chính xác: bên cạnh việc thu thập thông tin từ các TCTD, CIC sẽ tiếp tục kết nối và thu thập thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dữ liệu từ Tổng cục Thuế… để chuẩn hóa thông tin pháp lý, thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Việc có nguồn dữ liệu đầy đủ sẽ là tiền đề CIC đa dạng hóa sản phẩm XHTD cũng như cung cấp các sản phẩm XHTD tự động.
Hàng năm CIC đều thực hiện việc kiểm định mô hình XHTD doanh nghiệp và tính toán cập nhật bộ chỉ số trung bình ngành cho các năm tài chính. Để có thể đánh giá khách quan và có những đề xuất cải tiến mới, chúng tôi cũng thường xuyên rà soát mô hình XHTD, học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình, kiểm định mô hình và đang có kế hoạch thuê ngoài một đơn vị uy tín để thực hiện rà soát, kiểm định độc lập.
Đồng thời, CIC tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm sản phẩm mới như, các báo cáo ngành chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu khai thác thông tin tổng hợp chuyên sâu của Ban lãnh đạo, các vụ, cục thuộc NHNN. Đối với sản phẩm XHTD dành cho các TCTD, CIC sẽ cải tiến sản phẩm, bổ sung điểm hạng vào các báo cáo truyền thống để phục vụ tốt hơn nhu cầu của các TCTD.
Song song với việc phát triển sản phẩm, CIC cũng sẽ tích cực cải tiến các kênh cung cấp sản phẩm hướng tới việc tự động hóa việc cung cấp, rút ngắn thời gian trả lời bản tin, đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin tức thời của các đơn vị sử dụng gồm kênh kết nối Host-to- Host và Cổng thông tin kết nối khách hàng vay.
Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia phân tích, XHTD cũng là nội dung được CIC chú trọng thực hiện trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế để tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về hoạt động XHTD cũng như tạo điều kiện tối đa cho các cán bộ tham dự khóa học.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông tới cộng đồng các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng mong muốn ngày càng nhiều doanh nghiệp hiểu và khai thác, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của CIC để thực hiện tốt hơn việc quản trị rủi ro, tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh cũng như tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Xin trân trọng cảm ơn Tổng giám đốc về cuộc trò chuyện này!