Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Tận dụng cơ hội mới để bứt phá
Cơ hội đầu tư và kết nối trong công nghiệp hỗ trợ | |
Công nghiệp hỗ trợ: Đón bắt xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu |
Doanh nghiệp hỗ trợ không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm |
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 3/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Từ khi đại dịch Covid bùng phát và ảnh hưởng lớn tới toàn cầu, thì tại Việt Nam số lượng DN FDI quan tâm, tìm kiếm đối tác sản xuất nguyên vật liệu, linh kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay nguồn cung nhập khẩu ngày một gia tăng. Đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp CNHT Việt Nam bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khẳng định chỗ đứng trong nền công nghiệp thế giới. Hiện nay Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp CNHT, trong đó khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia. Số doanh nghiệp CNHT đang chiếm khoảng 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo đại diện Bộ Công thương, tại thời điểm này, trình độ quản trị sản xuất kinh doanh và năng lực sản xuất các doanh nghiệp CNHT trong nước còn thấp, đổi mới trang bị công nghệ chậm, thiếu sự hợp tác liên kết và việc cung ứng cho các doanh nghiệp FDI vẫn còn rất hạn chế, phần lớn chỉ sản xuất theo các hợp đồng nhỏ lẻ. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực, đủ sức đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các đối tác FDI đang được Chính phủ và các doanh nghiệp trong nước quan tâm. Thời gian qua, một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia đã thực hiện phối hợp với Cục Công nghiệp để tìm kiếm các đơn vị sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp CNHT Việt Nam khẳng định được năng lực và tham gia vào chuỗi cung ứng.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ, trong những năm gần đây các doanh nghiệp cung ứng Việt Nam ngày càng nâng cao được chất lượng sản phẩm cũng như cải tiến, nâng cấp công nghệ và tham gia chuỗi cung ứng linh, phụ kiện cho Samsung. Tuy nhiên, để có thể tham gia sâu hơn và cung cấp cho nhiều doanh nghiệp FDI thì các đối tác Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Sam Sung cũng đã phối hợp với Việt Nam triển khai các chương trình tư vấn cải tiến cho nhiều doanh nghiệp nhằm cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện nhằm tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp để có thể tham gia chuỗi cung ứng linh, phụ kiện cho Samsung.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang hoàn thiện đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại để đủ sức đáp ứng được yêu cầu lớn. Đại diện CTCP Nhựa Hà Nội cho biết, công ty đã trở thành nhà cung ứng linh kiện nhựa đầu tiên cho Toyota Việt Nam, đến nay các chi tiết nhựa của công ty đã có mặt trong hầu hết các dòng xe Toyota lắp ráp tại Việt Nam và trở thành đối tác quan trọng trong chiến lược nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của Toyota Việt Nam. Hiện tại, hơn 40% linh kiện nhựa của Honda do Nhựa Hà Nội cung cấp. Bên cạnh đó, năm 2019, công ty cũng trở thành nhà cung cấp cho VinFast với hơn 50% chi tiết nhựa xe máy điện VinFast là do Nhựa Hà Nội sản xuất…
Ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Hà Nội cho rằng, để phù hợp với sự phát triển và cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, Nhựa Hà Nội không ngừng đổi mới công nghệ. Những năm gần đây, công ty đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho trang bị máy móc hiện đại nhập khẩu để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các đối tác lớn trên thế giới. Nhựa Hà Nội là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư, phát triển công nghệ nhựa ép phun tại Việt Nam và đầu tư các thiết bị phụ trợ như máy đo 3D cỡ lớn để phục vụ kiểm tra sản phẩm hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu đối tác về độ chính xác sản phẩm mà không nhiều doanh nghiệp Việt đáp ứng được. Trước những cơ hội mới, các doanh nghiệp hỗ trợ Việt cần phải thay đổi toàn diện để bứt phá và khẳng định mình.
Có thể thấy, tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới là khá lớn để trở thành nhà cung cấp và tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Bên cạnh sự hỗ trợ về mặt chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp CNHT cũng cần nâng cao tính tự chủ, quyết liệt của mình.y