Doanh nghiệp dệt may: Không để đứt mạch chuỗi cung ứng
Ngành dệt may nhiều triển vọng nhờ… “mây tạnh trời quang” | |
Dệt may kỳ vọng hồi phục | |
Doanh nghiệp dệt may: Đẩy mạnh thị trường nội địa |
Là ngành sử dụng lực lượng lao động lớn nhất, các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều lao động buộc phải nghỉ vì đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Việc thực hiện biện pháp cách ly đã ảnh hưởng trực tiếp đến các dây chuyền sản xuất. Do đó vừa sản xuất vừa chống dịch đang đặt ra bài toán lớn cho các doanh nghiệp dệt may.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, ngành dệt may trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết. Các doanh nghiệp đã rất nỗ lực khắc phục những khó khăn bởi nhiều tác động của thị trường để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 9,51 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020… Đây được cho là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp dệt may trong việc phục hồi và phát triển trở lại.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2021, khi mà dịch Covid bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam đang lan ra ở nhiều địa phương và đã có nguy cơ lan tới một số KCN khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và mức độ lây lan nguy hiểm hơn trước rất nhiều, đặc biệt, dịch bệnh đã xâm nhập vào một số nhà máy, KCN.
Số liệu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang cho thấy, tính đến hết ngày 24/5/2021, số bệnh nhân mắc bệnh trong đợt dịch mới tại Bắc Giang lên 1.024 người. Các ca mắc mới chủ yếu là công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu, trong đó Công ty TNHH Hosiden Việt Nam vẫn chiếm cao nhất. Bắc Giang cũng đã phải tạm dừng hoạt động 4 KCN để phòng dịch. Trước thực tế này, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu hụt lao động sản xuất, ảnh hưởng lớn tới việc hoàn tất các đơn hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên vấn đề cấp bách nhất đặt ra hiện nay là thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch lây lan, bảo vệ sản xuất, bảo vệ công nhân, không để đứt mạch chuỗi cung ứng.
Theo ông Bùi Văn Tiến - Tổng Giám đốc Tổng CTCP May Việt Tiến, năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến khó lường, ngành dệt may Việt Nam nói chung và Việt Tiến nói riêng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nội địa sụt giảm khi sức mua người tiêu dùng giảm mạnh, thiếu nguồn cung lao động, chi phí tăng… Không chỉ nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn mà thị trường xuất khẩu cũng bị đứt đoạn, đơn hàng giảm mạnh, thậm chí nhiều đơn hàng bị hủy.
Tình hình dịch bệnh trong nước cũng đang diễn biến rất phức tạp, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Để khắc phục những khó khăn này, hiện tại và trong thời gian tới, Việt Tiến thực hiện nghiêm mục tiêu kép vừa sản xuất, vừa chống dịch. Đặc biệt nâng cao tinh thần và triển khai đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong toàn hệ thống. Đồng thời, tổng công ty tiếp tục tìm kiếm giải pháp mới đẩy nhanh năng suất lao động, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, sắp xếp lại nhân sự cũng như mô hình quản lý, tổ chức sản xuất, cải tiến tiền lương, đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ sản xuất mới… Toàn thể CBCNV tổng công ty và các cổ đông cùng chung tay chia sẻ, đồng hành vượt qua giai đoạn khó khăn này, ông Bùi Văn Tiến cho biết thêm.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cũng chia sẻ, các doanh nghiệp dệt may với đặc thù sử dụng nhiều lao động chắc chắn sẽ chịu nhiều tác động từ việc dịch lây lan trong cộng đồng và một số KCN, nơi có các nhà máy hoạt động. May 10 là đơn vị sử dụng nhiều lao động, hiện nay quy mô lao động trong dây chuyền sản xuất là 8.000 lao động trực thuộc May 10 và 4.000 lao động ở các công ty liên kết. Với tổng cộng 12.000 lao động làm tại 18 nhà máy ở nhiều tỉnh/thành phố, đây là vấn đề khó khăn khi phải thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, toàn bộ hệ thống May 10 đều áp dụng các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Theo đó, ngoài khử khuẩn với tất cả người lao động khi vào ca, đơn vị còn truy vết yêu cầu cách ly tại nhà với cả F2, F3. Thậm chí, nếu nơi người lao động ở có F1, họ phải ở nhà cách ly 14 ngày, công ty trả lương cơ bản. Tới nay đã có 200/7.000 người lao động của doanh nghiệp cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, công ty còn lắp thêm vách ngăn tại nhà ăn để hạn chế công nhân tiếp xúc trực tiếp. Công nhân thay vì ăn theo 2 ca thì nay lên 3 ca/ngày…
Ông Thân Đức Việt khẳng định, đợt dịch bùng phát lần này có nguy cơ ảnh hưởng lớn, sâu rộng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tới sức khoẻ người lao động. Do đó, bên cạnh duy trì các hoạt động sản xuất thì công ty luôn đặt vấn đề phòng chống dịch và bảo vệ người lao động lên hàng đầu.
Có thể thấy, diễn biến phức tạp của đợt dịch bùng phát lần này khiến các doanh nghiệp dệt may đối mặt không ít khó khăn. Đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đều đã ký hợp đồng tới quý III/2021, do đó nếu vì phong tỏa, không có công nhân đi làm, sản xuất đình trệ, các hợp đồng đã ký không thực hiện được đúng hạn, sẽ thiệt hại rất nhiều. Tuy nhiên, do đợt dịch thứ 4 này có mức độ nguy hiểm rất lớn, nên Vinatex quyết định nâng cao mức cảnh báo về dịch Covid-19 gửi thông báo tới các đơn vị thành viên, đặc biệt là các đơn vị ở trong vùng dịch, đảm bảo vừa sản xuất, vừa chống dịch, không để đứt mạch chuỗi cung ứng.