Doanh nghiệp dệt may: Đẩy mạnh thị trường nội địa
Dệt may Việt Nam: Nỗ lực thực hiện mục tiêu xuất nhập khẩu | |
Dệt may Việt Nam 2020: Sụt giảm chưa từng có và “cú ngược dòng” để đứng vững | |
Thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may - da giày |
Thời gian qua, dịch Covid đã tác động rất lớn tới hoạt động xuất khẩu của các DN dệt may, đồng thời ảnh hưởng đến cả hoạt động cung và cầu. Dự báo trong năm 2021, ngành Dệt may Việt Nam tiếp tục đối diện với thách thức mới. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu là các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Theo nhiều doanh nghiệp dệt may, thị trường nội địa còn rất nhiều dư địa để phát triển nên nhiều DN đã chủ động có những chiến lược kinh doanh cụ thể để khai thác.
Xuất khẩu gặp khó...
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong năm 2020 đã chứng kiến sự sụt giảm về giá trị xuất khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam năm 2020 ước đạt 35,29 tỷ USD, giảm 10,91% so với năm 2019. Trước những khó khăn nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn nỗ lực trong việc tìm kiếm đơn hàng. Mặc dù trong tháng 1/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc có nhiều khả quan khi mà đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đến nay tình hình đại dịch Covid vẫn đang diễn biến phức tạp và khó đoán định, thậm chí tác động tiêu cực của đại dịch còn có thể kéo dài trong vài năm tới. Dự báo trong năm 2021 vẫn là năm thị trường dệt may tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, nhiều DN ngành dệt may đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước.
Mẫu mã sản phẩm của các DN hướng tới người tiêu dùng trong nước |
Đại diện Tổng Công ty May 10 cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường và chưa có dấu hiệu kết thúc trong năm 2021, tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ có sự sụt giảm. Trong 2 tháng đầu năm 2021, lượng đơn hàng truyền thống như veston, sơ mi, vốn là thế mạnh của May 10 có sự thiếu hụt. Mặc dù về nguồn hàng đã đủ hết quý I/2021 tuy nhiên về doanh thu theo dự kiến chỉ đạt xấp xỉ 81% so với kế hoạch và bằng 90% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, trước tác động của dịch Covid-19, nhiều thị trường xuất khẩu bị “đông cứng”, các đơn hàng bị hủy, giãn tiến độ giao hàng. Tổng công ty May 10 xác định trong giai đoạn khó khăn này phải vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa tăng cường phát triển thị trường, nhất là mở rộng thị phần trong nước. Thời gian qua, trong tình hình mới, May 10 đã có những kế hoạch tập trung phát triển thị trường nội địa và đã khẳng định được vị thế thương hiệu ở trong nước. Chính vì vậy, doanh thu nội địa của May 10 đã có sự tăng trưởng mạnh. Trong thời gian tới, Tổng công ty tiếp tục đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa với những sản phẩm phù hợp vừa đảm bảo chất lượng, vừa có giá cả phù hợp với người dân. Ban lãnh đạo Tổng Công ty cũng đặt ra phương hướng nhiệm vụ trong năm 2021: Doanh thu đạt 3.636 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 82 tỷ đồng, thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/người/ tháng…
Có thể thấy, xu hướng người tiêu dùng chuyển hướng lựa chọn các sản phẩm do Việt Nam sản xuất ngày càng tăng. Đây được cho là lợi thế rất lớn đối với các doanh nghiệp may mặc trong nước. Theo đại diện Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến, những năm qua, doanh nghiệp đã khẳng định được tên tuổi và vị thế tại thị trường nội địa cũng như người tiêu dùng trong nước. Với một chiến lược cạnh tranh hợp lý, lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí cạnh tranh hàng đầu cùng với việc luôn cải tiến mẫu mã, đáp ứng cho nhiều phân khúc thị trường cho người tiêu dùng có thu nhập từ trung bình, khá đến cao cấp, nâng cao năng lực cạnh tranh đã tạo nên thương hiệu thời trang VTEX chiếm lĩnh thị trường nội địa. Tổng Giám đốc Bùi Văn Tiến nhấn mạnh, Việt Tiến đã và đang nỗ lực để chuyển đổi từ một ngành may mặc sang kinh doanh thời trang và các liên doanh liên kết chuỗi, tạo ra giá trị thặng dư kinh tế cho ngành và giá trị nhân văn cho xã hội. Vị thế của thương hiệu Việt Tiến đã và đang đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng và hội nhập toàn cầu.
Hiện nay, Việt Tiến là một trong những doanh nghiệp có hệ thống cửa hàng lớn nhất trong ngành với 1.300 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm trên khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có riêng thương hiệu Viettien, Viettien Smartcasual được bán tại 67 cửa hàng, 1.159 đại lý…
Theo ông Tiến, việc quan tâm đầu tư vào thị trường nội địa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là tỷ trọng xuất khẩu mang thương hiệu Việt Tiến sẽ chiếm từ 10%-15% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam, với kim ngạch 1,2-1,4 tỷ USD toàn hệ thống Việt Tiến. Việt Tiến cũng sẽ xây dựng giải pháp bán trên mạng chiếm từ 25-35%. Tổng Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng về các địa phương mà Việt Tiến đã có nhà máy, củng cố các xí nghiệp, công ty con ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, đưa quy mô từ 50.000 - 60.000 lao động toàn hệ thống đồng thời xây dựng tầm nhìn đầu tư nhà máy sản xuất ra nước ngoài.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp dệt may. Những năm gần đây, các doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư, đẩy mạnh sản xuất các dòng sản phẩm cung ứng ra thị trường trong nước. Một số doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm, dịch vụ với chất lượng sản phẩm ngày càng cao, giá thành hợp lý, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của xã hội, đồng thời phát triển hệ thống phân phối trên toàn quốc.