Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư hơn nữa vào Việt Nam
Ông Hong Sun |
Ông có thể cho biết về diễn biến và xu hướng dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam?
Xu hướng đầu tư của Hàn Quốc hiện nay tập trung vào lĩnh vực sản xuất (các sản phẩm điện thoại, điện tử, linh phụ kiện điện tử, đồ gia dụng…) chứ không còn ở những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như trước đây, hoạt động sản xuất để xuất khẩu là chính. Ví dụ như riêng với Samsung thì trên 90% hàng sản xuất ra là để xuất khẩu chứ không phải chỉ tiêu thụ trong nội địa Việt Nam. Ngoài các tập đoàn như Samsung là DN lớn thì còn có rất nhiều DN Hàn Quốc khác cũng đang sản xuất linh, phụ kiện.
Về quy mô đầu tư, có DN vốn chỉ vài trục triệu USD, cũng có DN quy mô hàng trăm triệu USD, sản xuất các sản phẩm cung cấp cho các DN như Samsung, Apple và cho nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới khác. Chính vì thế bây giờ có thể coi đây là thời điểm của dòng vốn lần thứ hai của các NĐT Hàn Quốc vào Việt Nam.
Ngoài vào lĩnh vực sản xuất, các NĐT Hàn Quốc đầu tư gián tiếp vào Việt Nam ở các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng và các startup, đặc biệt là các công ty công nghệ của Việt Nam hoạt động đầu tư gián tiếp cũng đang rất mạnh.
Tôi cho rằng, những xu hướng dòng vốn đầu tư như vậy cũng rất phù hợp với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị mới đây, vì cho thấy chúng tôi không chỉ coi Việt Nam là nơi cung cấp nguồn nhân lực, là xưởng sản xuất (thu hút FDI) mà còn là nước đồng hành để phát triển cùng với Hàn Quốc một cách lâu dài. Như ngày 29/2 vừa qua, mặc dù không tổ chức lễ khởi công do dịch Covid-19, nhưng Samsung đã khởi công xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội, dự kiến sẽ thu hút khoảng 3.000 lao động chất xám vào làm việc để đáp ứng, giải quyết tất cả các vấn đề của Tập đoàn Samsung tại khu vực Đông Nam Á. Điều đó cho thấy, các NĐT Hàn Quốc đã đầu tư khá nhiều nhưng bây giờ chúng tôi muốn đầu tư hơn nữa và muốn hợp tác bền vững và hợp tác sâu ở tất cả các lĩnh vực với Việt Nam.
Nhiều DN Hàn Quốc muốn đầu tư vào Việt Nam theo chân Samsung |
Theo ông, thách thức để có thể thu hút được các nguồn FDI thực sự chất lượng, hiệu quả là gì?
Muốn thu hút được những NĐT nước ngoài trong những lĩnh vực mới, muốn phát triển CMCN 4.0 thì cần những chính sách, cơ chế mới, không chỉ là những ưu đãi về miễn, giảm thuế (dù vẫn cần). Trước đây Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi cho NĐT nước ngoài, bây giờ đang cố gắng giảm bớt những ưu đãi như về thuế mà thực ra trong số đó có cả một số lĩnh vực hết sức tiên tiến (nên cần thu hút). Lưu ý là Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với các nước khác (cả trong khu vực, cả những nước ở xa hơn và cả những nước đã phát triển như Mỹ, châu Âu).
Chúng ta không khó để thấy hiện rất nhiều nước đang muốn thu hút các DN lớn đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết trong tương lai, đặc biệt là về công nghệ. Như những công ty hàng đầu thế giới về Internet và thương mại điện tử chẳng hạn, để đầu tư vào nơi nào đó thì người ta cần cả ưu đãi và một cơ chế thuận lợi. Như Amazone người ta đang được rất nhiều thành phố, bang ở ngay chính nước Mỹ đưa ra nhiều ưu đãi, tạo nhiều điều kiện tốt để mời gọi vào đầu tư.
Với các NĐT Hàn Quốc thì Việt Nam lúc nào cũng là điểm đến đầu tư được ưu tiên nhất vì rất gần gũi giữa hai dân tộc và độ tin cậy của Chính phủ Việt Nam rất cao. Không chỉ các DN lớn mà rất nhiều các DNNVV, doanh nghiệp phụ trợ cấp 1, cấp 2, cấp 3 của Hàn Quốc đều vào việt Nam để sản xuất, phục vụ cho các tập đoàn như Samsung. Vì vậy tôi tin Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực.
Nhưng như tôi đã nói, cạnh tranh thu hút của các nước hiện nay rất khốc liệt và Việt Nam cần có những cơ chế đặc biệt cho những NĐT trong các lĩnh vực mới, công nghệ cao, cần cho phát triển nền kinh tế trong tương lai. Theo tôi, Chính phủ Việt Nam nên xem xét nghiên cứu có các chính sách thuận lợi (không chỉ trên cơ sở nội bộ Việt Nam tự đánh giá) mà nên tham khảo, học hỏi cả những chính sách, cơ chế ưu đãi mà các nước, trong đó có cả các nước phát triển như Mỹ, châu Âu họ đã và đang áp dụng, từ đó xây dựng và vận dụng phù hợp để đảm bảo cạnh tranh tốt nhất trong thu hút đầu tư. Trong đó, chính sách ưu đãi tương ứng với mức độ đầu tư của NĐT hiện đang rất phổ biến ở các nước và Việt Nam nên tham khảo. Bên cạnh đó, cần thống nhất chính sách từ trung ương đến địa phương, tránh trường hợp địa phương trước đó dành ưu đãi cho các NĐT nhưng soi lại không phù hợp với chính sách của trung ương nên lại bị loại bỏ.
Hàn Quốc đã có khoảng 9.000 DN đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn khoảng 65 tỷ USD. Có khoảng 200.000 người Hàn Quốc đang sống và làm việc tại Việt Nam; khoảng 1 triệu lao động trực thuộc các công ty Hàn Quốc tại đây. |
Hiện Việt Nam cũng đang rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Theo ông, việc đặt ra các tiêu chuẩn môi trường có khiến các NĐT nước ngoài thấy đó là các trở ngại không?
Vấn đề môi trường giờ đây đã trở thành vấn đề chung của cả thế giới. Việt Nam nên khuyến khích theo hướng như nước thế và các NĐT nước ngoài cũng phải ý thức về vấn đề đó. Tuy nhiên, các NĐT cũng muốn chính quyền phải làm việc một cách rõ ràng, khách quan, tránh áp dụng một cách chủ quan hay thay đổi một cách quá gấp thì các DN khó có thể chuẩn bị được ngay. Ví dụ, các nhà máy cũ họ đã có sẵn rồi, nhưng giờ lại đột xuất yêu cầu trong vòng một vài tháng phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải, cấp thoát nước theo tiêu chuẩn mới thì họ rất khó xử lý ngay mà cần có vốn đầu tư và thời gian.
Chính vì thế, quy định cần rõ ràng, khách quan, có lộ trình thực hiện và trong khả năng của DN. Tôi lấy ví dụ với DN chỉ có vốn đầu tư trị giá 5 triệu USD, nhưng giờ theo yêu cầu của Nhà nước họ phải đầu tư thêm vài triệu USD nữa để đáp ứng với các tiêu chuẩn môi trường thì họ sẽ không có tiền đầu tư. Trong những trường hợp như vậy thì có thể phải yêu cầu cả khu công nghiệp làm chung, hay Chính phủ phải có những ưu đãi miễn thuế, giảm thuế cho các khoản đầu tư để triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn mới.
Xin cảm ơn ông!