Doanh nghiệp Nhà nước: Nhìn lại và hướng tới
Doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều thách thức trong chuyển đổi số Chuyển đổi số doanh nghiệp nhà nước: Cần giải pháp tổng thể, căn bản và toàn diện Nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN |
Chậm chuyển mình, hiệu quả chưa tương xứng nguồn lực
Phát biểu tại Tọa đàm: "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới" do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) phối hợp với Báo Đầu tư tổ chức ngày 26/9, ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh, dù DNNN chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại thời điểm cuối năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Riêng các doanh nghiệp chiếm 100% vốn nhà nước, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (chưa đến 0,1% số doanh nghiệp hoạt động) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường).
Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN, đặc biệt là hoạt động đầu tư trong thời gian qua còn một số hạn chế. Trong đó, nổi lên là DNNN nhìn chung có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Chất lượng, hiệu quả của DNNN chủ yếu xuất phát từ những DNNN quy mô lớn, hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên (như khai thác khoáng sản, dầu khí), thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại… mà chưa dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và năng lực đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, các DNNN đang chậm chuyển mình trong xu hướng mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét. Trên thực tế, một số DNNN đã tạo điều kiện để các thành phần kinh tế khác (nhất là các DNNVV) tham gia vào quá trình sản xuất, tuy nhiên tỷ lệ tham gia của các DNNVV còn rất nhỏ. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vẫn thực hiện gần như toàn bộ các khâu của quá trình liên kết sản xuất kinh doanh, tạo thành chuỗi sản xuất khép kín nội bộ.
Hoạt động đầu tư của DNNN cũng chưa được như kỳ vọng. Mặc dù nắm giữ trên 60% nguồn lực của nền kinh tế, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước hầu như chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi số. Khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của DNNN còn hạn chế. Các DNNN mới chỉ chiếm lĩnh được một phần thị trường trong nước, chưa có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và tạo ra giá trị gia tăng cao, trong khi xuất khẩu là tiêu chí quan trọng để đánh giá chính xác nhất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.
Tính đến hết 30/6/2023 tổng doanh thu của DNNN trên cả nước đạt gần 690 nghìn tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023; lãi phát sinh trước thuế là 67,4 nghìn tỷ đồng; tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN là 67,233 tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch năm. Ước cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra; tổng lãi phát sinh trước thuế đạt hơn 117,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch; tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.
Riêng với 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Ủy ban cho biết, các doanh nghiệp này hoạt động trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật. Đến năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,154 triệu tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất đạt 2,491 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của các DNNN trong cả nước.
Toàn cảnh Tọa đàm |
Cần những giải pháp đột phá
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, cần nhận định, đánh giá lại vị thế, vai trò của DNNN từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Xác định DNNN ở đâu trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam để từ đó đặt ra những sứ mệnh quan trọng cho DNNN và bố trí nguồn lực để DNNN thực hiện tốt vai trò, vị trí này trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần đưa ra các định hướng đổi mới phương thức quản lý phần vốn nhà nước của doanh nghiệp theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong bối cảnh mới, đặc biệt là giải pháp để nâng cao vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. “Với việc quản lý 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước lớn, nắm giữ 1,1 triệu tỷ đồng trong tổng số 3,7 triệu tỷ đồng tài sản của toàn bộ khối DNNN, Ủy ban cần thực hiện vai trò của người nhạc trưởng trong việc điều phối, huy động nguồn lực của 19 doanh nghiệp phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội”, ông Trung nhấn mạnh. Cùng với đó, đánh giá về tình hình thực hiện đầu tư và hiệu quả đầu tư của DNNN trong thời gian qua để từ đó xác định được những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ. Những khó khăn nào xuất phát từ thể chế chính sách, những khó khăn nào xuất phát từ khâu triển khai thực hiện để từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các quyết sách khơi thông nguồn lực, tạo đột phá, phát huy vai trò của DNNN với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất”.
Chúng ta cần xác định rõ những ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của DNNN trong giai đoạn tới và phát triển các DNNN thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt trong bối cảnh mới với phương châm “Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá”. DNNN cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác. Đơn cử, các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các DNNN, đặc biệt là DNNN quy mô lớn. Các DNNN cần phải hiện diện với một năng lực mới, diện mạo mới, thay vì chỉ đơn thuần trở thành một công cụ để điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Để làm được điều đó, cần đưa ra những giải pháp có tính đột phá để cởi trói cho DNNN, để DNNN được tự chủ, sáng tạo, phát triển trong một môi trường kiến tạo.