Doanh nghiệp Việt vẫn “bình chân như vại” trước chuyển đổi số
Ông Tô Hoài Nam |
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về vấn đề này.
Ông có nhận xét gì về số liệu thống kê từ Enterprise cho biết hiện có 76% doanh nghiệp Việt Nam chưa bắt đầu chuyển đổi số? Chuyển đổi số mang lại những lợi ích nào cho các doanh nghiệp, thưa ông?
Đây rõ ràng là số liệu làm cho những ai mong muốn cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển đều phải lo lắng, suy nghĩ. Bởi lẽ, nếu chúng ta không cải thiện tình hình này sớm, thì chắc chắn đây sẽ là một nguyên nhân gây nên sự suy giảm về sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.
Tất nhiên, chúng ta buộc phải chia sẻ một điều là các thuật ngữ áp dụng công nghệ như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… đối với đại bộ phận chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ của Việt Nam đó là những kiến thức rất xa vời đối họ, đây cũng chính là điểm yếu của họ. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ về lịch sử hình thành, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thì ta có thể hiểu được vì sao như vậy, để chia sẻ nhiều hơn.
Chuyển đổi số sẽ giảm chi phí trong quản lý điều hành, vận hành, tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ kiểm soát được mọi diễn biến phát sinh của doanh nghiệp nhanh hơn rất nhiều, độ chính xác cao hơn rất nhiều, các thông tin mệnh lệnh từ trên xuống dưới “chiều dọc - chiều ngang” sẽ xuyên suốt, nhanh chóng, kịp thời…, điều đó sẽ giúp cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Theo đó, thì sức cạnh tranh sẽ mạnh mẽ hơn, đây là yếu tố để phát triển bền vững.
Theo ông, nguyên nhân vì sao khiến các doanh nghiệp Việt vẫn còn loay hoay trong chuyển đổi số? Vấn đề lớn nhất trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp là gì?
Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tôi chỉ đề cập đến một số lý do bắt nguồn theo quan điểm cá nhân của tôi, như sau: Trước hết là do nhận thức của những chủ sở hữu doanh nghiệp, phần lớn trong số họ tư duy phải chuyển đổi để tồn tại và tiếp tục phát triển chưa thắng được tư duy kiên trì cố thủ với cách cũ để nghe ngóng, thậm chí coi đây là vấn đề của tương lai xa, nên “ bình chân như vại”.
Thứ hai là do nguồn nhân lực hạn chế nên doanh nghiệp lo lắng sẽ gặp rủi ro công nghệ, đại loại như bị tin tặc tấn công, lộ số liệu của doanh nghiệp v.v... Liên quan đến ý này có một nguyên nhân mang tính chủ quan của doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là tính minh bạch chưa cao, nên sợ không kiểm soát được những bí mật riêng của doanh nghiệp. Ví dụ như doanh thu thật hay những chi phí không chính thức chẳng hạn...
Điều đáng nói, đáng tiếc, đáng suy nghĩ ở đây là tỷ lệ doanh nghiệp chuyển đổi số của Việt Nam thì thấp kém, trong khi nguồn nhân lực về tin học, về phần mềm của chúng ta hiện nay không thấp hơn ngưỡng trung bình của thế giới.
Theo ông, các doanh nghiệp cần làm gì để có thể chuyển đổi số thành công?
Đây là câu hỏi luôn làm tôi lo lắng. Vì rằng, nếu muốn doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chuyển đổi số thành công thì một mình doanh nghiệp không thể làm nổi. Tôi không đề cập đến trường hợp cá biệt. Tôi muốn nói đến số đông. Sự thật là muốn thực hiện bất cứ điều gì thành công thì đều cần có những điều kiện căn bản. Có nghĩa là ngoài doanh nghiệp thì vai trò của nhà nước rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay rất cần có những chính sách hỗ trợ chuyển đổi số.
Về phía doanh nghiệp thì đã có nhiều chuyên gia, các nhà khoa học và cả các doanh nghiệp thành công chia sẻ trong nhiều hội thảo. Đặc biệt với điểm đa dạng và phong phú của các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại càng không thể xây dựng theo kiểu nhất định có một giải pháp chung cho tất cả doanh nghiệp. Vì thể các nhà tư vấn hỗ trợ cần đồng hành với từng doanh nghiệp, từng nhóm ngành, lĩnh vực để thiết kế quy trình chuyển đổi cho phù hợp. Đây là các vấn đề cụ thể. Bên cạnh đó, có các yếu tố khác như hạ tầng số; số hoá hệ thống quản lý quản trị (quản lý nhân lực, kế toán, bán hàng ...); số hoá tư liệu sản xuất ...
Chuyển đổi số sẽ giúp cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Theo đó, sức cạnh tranh sẽ mạnh mẽ hơn. Có nhiều chuyên gia chia sẻ với tôi chuyển đổi số thành công sẽ làm gia tăng hiệu quả kinh doanh từ 30-40%, thậm chí có thể đạt tới 100%. Phải chăng đó là động lực để doanh nghiệp quyết tâm hành động. Đó cũng chính là lý do mà tôi đặt sự hy vọng nhiều nhất vào đấy.
Xin cảm ơn ông !