Doanh nghiệp xi măng hưởng lợi từ Nghị quyết 02 của Chính phủ
Mặc dù không được hỗ trợ trực tiếp từ những ưu đãi theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, nhưng là “bánh mỳ của ngành Xây dựng”, các công ty sản xuất xi măng đang được lợi gián tiếp từ việc hạ lãi suất đến sự “ấm lên” của thị trường xây dựng.
Ông Lương Quang Khải - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) khẳng định với việc ngân hàng hạ lãi suất cùng với thị trường xây dựng đã có dấu hiệu ấm lên, tiêu thụ xi măng của VICEM đã tăng trở lại trong mấy tuần vừa qua. Năm 2013, VICEM dự kiến trả nợ đầu tư 5.000 tỷ đồng. Nếu lãi suất hạ thêm 1% thì VICEM giảm được hàng chục tỷ đồng lãi vay. Lợi ích mang lại từ việc thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ đã thấy rõ.
Quý I/2013, VICEM tiêu thụ 4,914 triệu tấn sản phẩm tăng 19,2% so với kế hoạch đề ra. Tiêu thụ tăng giúp thị phần của VICEM tăng ấn tượng trong hơn 1 năm qua ( 32% năm 2011, 34% năm 2012 và quý I/2013 là 35,9%.
VICEM - nhà sản xuất xi măng số 1 Việt Nam, đã tiêu thụ 22 triệu tấn sản phẩm trong năm 2012 và dự kiến tiêu thụ từ 19 - 20 triệu tấn sản phẩm trong năm 2013. Mặc dù đặt kế hoạch tiêu thụ thấp hơn nhưng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của VICEM đều tăng so với năm 2012, trong đó doanh thu dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng và lợi nhuận là 500 tỷ đồng.
Quý I/2013 cả nước tiêu thụ 9,8 triệu tấn sản phẩm (xi măng và clinker), giảm 3,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dù tiêu thụ ít nhưng giữ được giá và không thực hiện khuyến mãi “bằng mọi giá” làm cho lợi nhuận của các công ty đều có mức tăng ổn định. Hơn nữa, các nhà sản xuất xi măng đã tìm “lối thoát” cho sản phẩm bằng xuất khẩu, cũng từ đó, xuất khẩu đã chuyển từ “giải pháp tình thế” sang hướng đi lâu dài của nhiều công ty.
Ông Hoàng Xuân Vịnh - TGĐ Xi măng Cẩm Phả cho biết trong quý I/2013 xi măng Cẩm Phả tiêu thụ 618.000 tấn sản phẩm, sản xuất vượt công suất thiết kế và trong đó 50% được xuất khẩu. Tiêu thụ xi măng cho các công trình lớn cũng tăng lên, trong đó xi măng rời đạt khoảng 35%. Ngoài lợi thế về cảng biển đáp ứng được 10.000 tấn hàng/ngày, giảm thời gian chờ tàu cùng với chất lượng clinker ổn định nên giá clinker xuất khẩu của xi măng Cẩm Phả thường cao nhất trong các công ty xuất khẩu clinker tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc “lãi suất giảm đã giúp cho xuất khẩu của Công ty thuận lợi hơn rất nhiều” , ông Vịnh khẳng định.
Hiện Tổng Công ty Vinaconex vẫn đang thu xếp trả nợ đầu tư giúp xi măng Cẩm Phả để Công ty này “rảnh tay” kinh doanh. Theo đó, lãi suất cho trả nợ đầu tư của xi măng Cẩm Phả vào khoảng 13,5% (lãi suất bình quân của một số ngân hàng cộng với biên độ tỷ giá), lãi suất vay cho xuất khẩu là 11%. “Lãi suất giảm cùng với thị trường xây dựng đang dần phục hồi giúp cho sản xuất kinh doanh của Công ty tốt hơn. Công ty kiểm toán chưa làm việc xong nhưng nhiều khả năng trong Quý I/2013, xi măng Cẩm Phả sẽ có lãi khoảng 20 - 30 tỷ đồng” - Ông Vịnh cho biết.
Xuất khẩu cũng là một trong những điểm mạnh của xi măng The Vissai sau khi Tập đoàn này mua lại Xi măng Đô Lương và Đồng Bành.
Khác với xu thế chung khi nguồn cung trên thị trường đang dư thừa, tiêu thụ xi măng của The Vissai vẫn tiến triển khả quan. Theo ông Nguyễn Vũ Thanh - Phó TGĐ Tập đoàn The Vissai, nhờ cân đối tốt khách hàng nên hiện tại, xi măng của Tập đoàn sản xuất đến đâu bán hết đến đó và không có hàng tồn kho. Vì thế, kế hoạch sản xuất và tiêu thụ 4,5 triệu tấn xi măng trong năm 2013 là trong tầm tay.
Theo Trung Kiên (chinhphu.vn)