Doanh nghiệp xi-măng tăng thị phần nội
Tiềm năng cho vật liệu xây dựng công nghệ cao | |
Vật liệu xây dựng mới nhập cuộc | |
Doanh nghiệp vật liệu xây dựng lạc quan |
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), việc tiêu thụ vật liệu xây dựng trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ tiêu thụ trong nước, mà các mặt hàng vật liệu xây dựng xuất khẩu cũng gặp khó khăn.
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam (VNCA), năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 33,87 triệu tấn xi-măng và clinker. Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, lượng xuất khẩu nhóm vật liệu xây dựng nói chung và xi-măng nói riêng sụt giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2019. Ở phía xuất khẩu, hàng năm Việt Nam xuất khẩu 33,87 triệu tấn xi-măng và clinker, trong đó sang thị trường Trung Quốc đạt gần 17 triệu tấn, chiếm 49% trong tổng lượng và chiếm 45% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay thị trường này gần như ngưng nhập khẩu do tình hình dịch bệnh lan rộng, chưa biết sẽ khởi động lại lúc nào. Tiếp đến các nước Đông Nam Á là thị trường lớn thứ hai tiêu thụ xi-măng Việt Nam, chiếm 21% trong tổng lượng và chiếm gần 26% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xi-măng của cả nước.
Thị trường này 2 tháng đầu năm 2020 cũng giảm nhập khẩu 14% về lượng và giảm 5% về kim ngạch so với cùng kỳ. Philippines là thị trường lớn thứ ba đang giảm 11% kim ngạch, giảm 18,6% về lượng, chiếm 16,7% trong tổng lượng và chiếm 20,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xi-măng của cả nước. Thị trường Bangladesh chiếm 11,9% trong tổng lượng và chiếm 10,8% trong tổng kim ngạch xi-măng xuất khẩu của cả nước. Giá bán tại thị trường Bangladesh tốt hơn, tăng 13,3% song ngay từ đầu năm 2020 nước này đã giảm nhập khẩu xi-măng Việt Nam 46,7% về số lượng. Những thị trường có vị trí địa lý xa hơn lại càng giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu (Chile giảm 82,4%, Pê ru giảm 32%, …).
Theo Bộ Xây dựng, nếu năm 2019 thị trường vật liệu xây dựng, xi-măng vẫn là điểm sáng với mức tăng trưởng toàn ngành vượt 2% so với năm trước đó. Thì năm 2020 này nhu cầu tiêu thụ xi-măng tăng khoảng 5%. Trong đó, tiêu thụ xi-măng nội địa khoảng 70 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 34 triệu tấn (chiếm 30%). Mặc dù hiện tại các thị trường nhập khẩu đều ngưng trệ, nhưng thị trường trong nước được dự báo vẫn có sức tiêu thụ xi-măng cao, do việc xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn rất lớn và tiếp tục phát triển để phù hợp với nhu cầu của xã hội. Hơn nữa việc đầu tư xây dựng rất nhiều dự án nhà ở, khu nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê… trên khắp cả nước là cơ sở vững chắc để dự báo mức tăng trưởng tiêu thụ xi-măng 5%/2020 là hợp lý.
Theo Tiến sĩ Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành, trong đó có doanh nghiệp xi-măng của Việt Nam có quy mô sản xuất lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại, sản phẩm ra thị trường đã đáp ứng được 100% nhu cầu xây dựng trong nước. Vì vậy, trong bối cảnh thị trường khó khăn, các doanh nghiệp đang chuyển hướng phục vụ nhu cầu trong nước, thay vì xuất khẩu. Nhưng sức mua còn phụ thuộc rất lớn vào thị trường bất động sản. Từ đầu năm 2020 tại TP. Hồ Chí Minh rất nhiều dự án nhà đất lớn còn chưa hoàn thiện về pháp lý (chỉ 4 dự án nhà ở được công nhận chủ đầu tư). Ở Hà Nội, nhiều công trình xây dựng cũng chưa khởi động lại từ sau Tết Âm lịch. Đây chính là lý do chính khiến thị trường vật liệu xây dựng trong nước giảm sức mua. Song đây cũng chỉ là trong ngắn hạn và ở những thành phố lớn. Còn lại các tỉnh thành trong cả nước vẫn nhộn nhịp xây dựng từ hạ tầng cơ sở đến dự án nhà ở, tòa nhà văn phòng, khu du lịch nghỉ dưỡng… Nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng và xi-măng sẽ sớm phục hồi, nhất là hiện đang vào mùa hè, thời điểm khí hậu ổn định để xây dựng.
Ông Nguyễn Quang Cung cho rằng, để ứng phó với thị trường nhiều biến động hiện tại, các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng (trong đó có xi-măng) đang hướng đến giảm sản lượng sản xuất, đổi mới công nghệ và tăng chất lượng sản phẩm. Một số doanh nghiệp lớn (như xi-măng Hà Tiên, Vicem) không xem xuất khẩu là mô hình tăng trưởng, mà tham gia xuất khẩu để nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng tối ưu hóa năng lực sản xuất, cân đối sản lượng theo mùa vụ. Còn lại, doanh nghiệp tập trung vào tiêu thụ nội địa và phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước.