Đón làn sóng dịch chuyển đầu tư
10 thay đổi để tăng khả năng thu hút dòng đầu tư đang chuyển dịch | |
Dòng vốn đầu tư dịch chuyển |
Ảnh minh họa |
Song, nhìn sâu vào những con số này có thể thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang tìm đến với Việt Nam trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung diễn ra. Bởi mặc dù đăng ký đầu tư mới và vốn tăng thêm giảm mạnh; song hoạt động góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN lại trở thành điểm sáng với 4.020 lượt, tổng giá trị vốn góp 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký.
Không tính lượt góp vốn 3,85 tỷ USD của nhà đầu tư Hong Kong thì tổng giá trị vốn góp vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018. 6 tháng đầu năm 2019, cũng ghi nhận sự gia tăng trong giải ngân các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành thu hút nhiều vốn nhất với tổng số vốn đạt 13,15 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Với 5/7 dự án có quy mô vốn đăng ký từ 200 triệu USD đến từ Trung Quốc và Hong Kong, bảng xếp hạng đầu tư nước ngoài đã có đột biến với vị trí đầu bảng thuộc về Hong Kong với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,73 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đã vươn lên đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư.
Cùng với đó là những dấu hiệu cho thấy sự dịch chuyển sản xuất lắp ráp đồ điện tử ra khỏi Trung Quốc như dự án của Goertek trị giá 260 triệu USD (hãng sản xuất tai nghe Iphone cho Apple) hay dự án của Meiko 200 triệu USD (chuyên sản xuất bản vi mạch điện tử).
“Trong trường hợp Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận nào vào tháng 6/2019 tới, chúng tôi kỳ vọng vốn FDI đăng ký và giải ngân vào Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng nhanh và mạ̣nh hơn nữa. Trên thực tế, Việt Nam đã được hưởng lợi từ chiến lược “Trung Quốc +1” nhằm đa dạng hóa rủi ro của giới đầu tư trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ giúp thúc đẩy quá trình này nhanh và mạnh hơn nữa”, CTCK Bảo Việt (BVSC) dự báo.
Việt Nam có nhiều lợi thế rõ ràng trong việc nổi lên là một địa chỉ thay thế hấp dẫn trước xu hướng dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc như vị trí chiến lược thuận lợi; cơ sở hạ tầng Việt Nam ngày càng hoàn thiện; nguồn lao động rẻ, dồi dào với tiền lương tối thiểu chỉ bằng 60% so với Trung Quốc và vẫn còn thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực ASEAN. Cùng với việc Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế với nhiều Hiệp định FTA song phương và đa phương, trước viễn cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung có thể leo thang lên mức cao nhất, BVSC cho rằng nguồn vốn FDI tăng trưởng trong thời gian tới sẽ chủ yếu đến từ các đối tác: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong.
Trong đó với Hàn Quốc là kỳ vọng có thêm các DN vệ tinh trong chuỗi cung ứng lắp ráp điện thoại của Samsung hay LG ở Việt Nam và kỳ vọng Samsung nói riêng và các DN điện tử gia dụng khác của Hàn Quốc nói chung có thể sẽ thiết lập các nhà máy mới hoặc mở rộng công suất tại Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ xung đột thương mại Mỹ-Trung.
Với Trung Quốc, Đài Loan, BVSC kỳ vọng các DN thuộc lĩnh vực sản xuất, thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, sản xuất đồ chơi... sẽ tăng tốc đầu tư vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới. Vòng đánh thuế tiếp theo mà Mỹ đang đe dọa áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ tập trung nhiều vào các mặt hàng này với mức thuế cao (25%) sẽ tạo nhiều động lực để làn sóng dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam diễn ra mạnh hơn.
“Vốn FDI từ các đối tác khác như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore... nhiều khả năng cũng sẽ gia tăng nhưng chủ yếu qua phương thức góp vốn, mua cổ phần bằng các thương vụ M&A và phần nhiều nhắm đến thị trường nội địa ngày càng lớn mạnh của Việt Nam”, BVSC dự báo.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lũy kế đến hết năm 2018, các KCN, KKT thu hút được khoảng khoảng 8.000 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt trên 145 tỷ USD. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đã đi vào hoạt động đạt trên 73%. Những con số trực quan trên đã cho thấy phần nào độ “hot” của phân khúc này. Trước đó, nhận định của FPTS cũng đã đánh giá: “Tăng trưởng xây dựng công nghiệp sẽ tăng tốc và đây cũng là lĩnh vực xây dựng duy nhất có triển vọng khả quan trong năm 2019”.
Tuy nhiên, để đón đầu cuộc chuyển dịch chuỗi giá trị cùng cách mạng công nghệ 4.0 và cách mạng xanh cũng đang đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn cho bất động sản công nghiệp với sự chuyên biệt hóa cho từng nhóm trong điểm gắn với nhóm ngành nghề mục tiêu. Sự phát triển chuyên nghiệp của BĐS công nghiệp cũng sẽ là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng thu hút FDI trong thời gian tới.