Du lịch đường sông tắc vì bến bãi
Hiện, có nhiều tuyến du lịch đường sông đã được các DN đưa vào khai thác như: cảng sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà; cảng Sông Hàn - cầu Trần Thị Lý - cầu Thuận Phước; cảng Sông Hàn - bán đảo Sơn Trà - Cù Lao Chàm. Ngoài ra, còn phải kể đến các tour mới gồm, “Thưởng ngoạn sông Hàn về đêm” và “Khám phá Bãi cát Vàng”…
Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch đường sông |
Trên địa bàn thành phố, tổng số phương tiện thủy phục vụ du lịch có 44 canô và tàu du lịch với sức chứa từ 12 - 250 chỗ ngồi. Một số DN đã đầu tư đóng mới tàu du lịch chuyên nghiệp như tàu Rồng sông Hàn với sức chứa 250 chỗ, tàu du lịch Phú Quý, du thuyền Seahorses của Công ty TNHH Du thuyền Ngựa Biển, du thuyền Harems của CTCP Đầu tư Hoàng Gia... Để hỗ trợ du lịch đường sông phát triển, UBND TP. Đà Nẵng còn ban hành các chính sách khuyến khích, phát triển đội tàu du lịch, các điểm đến…
Tuy có nhiều thuận lợi, song nhìn chung du lịch đường sông ở TP. Đà Nẵng vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Đại diện một số DN kinh doanh du lịch đường sông ở thành phố cho rằng, còn nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng bến bãi cũng như các điểm đến khiến du lịch đường sông đang bị “tắc”. Nan giải đầu tiên là vấn đề bến bãi, do thiếu cầu tàu, bến bãi khiến các tàu gặp khó khăn trong việc đón trả khách.
Ông Trần Văn Minh, chủ tàu du lịch Minh Trần cho biết, việc du khách phải trèo lan can qua đường Bạch Đằng để xuống tàu hay trèo thang tre từ tàu xuống các điểm du lịch gây mất an toàn, nhiều du khách rất không hài lòng.
Cũng vì chưa có cầu tàu cố định nên đội tàu du lịch đang phải neo đậu ở cảng Sông Hàn cũ. Được biết, hiện mới chỉ có 1 cầu tàu của CTCP DHC đã hoàn thiện nhưng vẫn chưa đưa vào khai thác…
Bên cạnh vấn đề bến bãi, nhiều hãng lữ hành vẫn còn rất dè dặt khi đưa tour du lịch đường sông vào chương trình tham quan, khám phá Đà Nẵng, bởi sản phẩm không mang tính ổn định. Thực tế các tour du lịch đường sông ở Đà Nẵng chỉ khai thác được trong mùa khô, còn mùa mưa thì phải nằm bờ vì công suất của các tàu rất nhỏ.
Các điểm đến ở Đà Nẵng còn đơn giản, hoang sơ, thiếu các dịch vụ và cơ sở vật chất tối thiểu để phục vụ khách. Chưa kể, những tàu du lịch được cải hoán từ tàu đánh cá nên chất lượng phục vụ du lịch không cao. Nguồn nhân lực phục vụ đường sông còn hạn chế, chưa được đào tạo nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp phục vụ khách…
Hướng tới việc phát triển du lịch đường sông một cách chuyên nghiệp, về vấn đề bến bãi ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố đã xác định phải đầu tư một số bến bãi cho du lịch đường sông. Các bến bãi này sẽ để cho nhiều DN cùng sử dụng chứ không giao lại cho một số nhà đầu tư...
Trước mắt, để xử lý tình huống, UBND thành phố giao Sở Giao thông - vận tải sớm quy hoạch cảng Sông Hàn thành cảng du lịch tạm thời để thành phố phê duyệt lần cuối, nhanh chóng khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng…
Tuy nhiên, để du lịch đường sông phát triển ổn định, theo nhiều người bên cạnh việc tập trung đầu tư cho bến bãi… TP. Đà Nẵng cũng cần mở rộng các tour, tuyến, kết nối với địa phương lân cận như Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng, cần sớm khơi thông dòng sông Cổ Cò kết nối Đà Nẵng với Điện Bàn, phố cổ Hội An (Quảng Nam), hình thành tour du lịch làng quê, văn hóa, sinh thái đặc trưng, bởi tour này không chỉ du khách trong nước mà khách nước ngoài rất thích thú khám phá.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn, đối với những tàu du lịch không đủ điều kiện hoạt động, cần kiên quyết không cho lưu hành và tổ chức đưa các tàu này lên bờ. Đối với các tàu hoán cải hiện nay vẫn được phép hoạt động nhưng phải có đủ giấy phép và theo niên hạn… sẽ dần loại bỏ những tàu hoán cải không đảm bảo yêu cầu...