Du lịch Việt khởi đầu tươi mới như mùa xuân
Điều gì đã tạo nên sức hút du lịch Đà Nẵng? Bay thẳng Hà Nội - Điện Biên dễ dàng cùng Vietjet Xúc tiến mở đường bay từ Indonesia đến Đà Nẵng |
Bốn mùa đều có Festival Huế
Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa công bố Festival Huế 2024. Theo đó, Festival Huế 2024 có chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển" sẽ tổ chức các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm, mở đầu bằng Lễ hội sân khấu hóa tái hiện lễ Ban Sóc triều Nguyễn ngày 1/1 và kết thúc bằng Chương trình Countdown ngày 31/12. Điểm nhấn của Festival Huế năm nay diễn ra từ ngày 7 đến 12/6.
Thừa Thiên - Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã trở thành một sự kiện được chú ý trong hệ thống các Festival trên thế giới. Từ những thành quả, kinh nghiệm thu được, Tuần lễ trọng điểm Festival Huế 2024 (7/6-12/6) sẽ tiếp tục triển khai chuỗi hoạt động Festival nghệ thuật chất lượng cao, quy tụ các nghệ sĩ của Huế, các vùng văn hóa Việt Nam và các đoàn nghệ thuật đặc sắc quốc tế.
Khách du lịch quốc tế “check in” với thắng cảnh đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc (Hà Nội) |
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Festival Huế 2024 sẽ được tổ chức với các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm với định hướng bốn mùa. Cụ thể, Lễ hội mùa Xuân trải dài 3 tháng đầu năm, bao gồm các lễ hội mang tính chất tái hiện nghi lễ cung đình, lễ hội dân gian truyền thống đặc thù, với điểm nhấn là chương trình công bố Festival Huế 2024 và lễ Ban Sóc cùng nhiều chương trình Tết Huế xưa phong phú, độc đáo qua những phong tục đón Tết, những không gian văn hóa Tết truyền thống, các hoạt động vui chơi giải trí ngày xuân của Kinh đô xưa kết hợp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thừa Thiên - Huế.
Từ tháng 4 đến tháng 6 là Lễ hội mùa Hạ, lấy Tuần lễ Festival Huế 2024 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển" làm điểm nhấn, diễn ra từ ngày 7 đến 12/6. Đây là tuần lễ cao điểm hội tụ nhiều đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với các không gian di sản được phục hồi, điển hình như điện Kiến Trung sẽ được tương tác với các chương trình nghệ thuật, kỳ vọng sẽ đưa đến cho công chúng những trải nghiệm mới lạ về Festival Huế.
Từ tháng 7 đến tháng 9 là Lễ hội mùa Thu. Và từ tháng 10, Lễ hội mùa Đông. Ngoài các chương trình chính, Festival Huế 2024 còn nhiều chương trình hưởng ứng khác như lễ hội, liên hoan, trưng bày, triển lãm của nhiều đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước cùng cộng hưởng để làm nên một Festival Huế 2024 phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức thể hiện.
Tại một số tỉnh, thành phố khác cũng đã có nhiều hoạt động thúc đẩy du lịch ngay từ đầu năm. Trong đó, theo Sở Du lịch Hà Nội, dịp năm mới 2024, khách du lịch quốc tế ước đạt 72 nghìn lượt khách, tăng 2,1 lần; khách du lịch nội địa ước đạt 330 nghìn lượt khách, tăng 59%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm bản lề để bứt tốc
Thông tin Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy: Năm 2023 là một năm phục hồi mạnh mẽ của du lịch nước ta. Theo công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google, lượng tìm kiếm của du khách quốc tế về du lịch Việt Nam năm 2023 đạt mức tăng trưởng trên 75%, xếp thứ 6 toàn cầu; trên Thái Lan (10), Indonesia (11), Malaysia (12) và Philippines (14).
Tốp 10 thị trường tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam có: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Đức, Malaysia và Thái Lan. Các điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất, ngoài 2 TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, còn 2 điểm đến du lịch biển nổi tiếng là Đà Nẵng, Phú Quốc. Tiếp theo là Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Huế và Phan Thiết.
Bước vào năm 2024, các chuyên gia du lịch đang kỳ vọng sẽ là một năm bản lề để tạo sự bứt tốc và tăng sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa. Trong điều kiện lý tưởng nhất, nếu đạt con số 18 triệu, ngành du lịch xem như phục hồi hoàn toàn, trở lại mức của năm 2019.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel cho rằng, du lịch Việt Nam đang có sự tăng trưởng trở lại nhưng so với các nước trong khu vực thì sự tăng trưởng vẫn còn khiêm tốn. Vì vậy, để du lịch bứt phá tốt hơn, cần có sự thay đổi toàn diện từ nhận thức cho đến cách làm và công tác quảng bá sản phẩm, hình ảnh du lịch Việt Nam.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với năm 2019. Nhưng mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực. Nhu cầu của du khách quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo.
Giới chuyên gia nhìn nhận, bước sang năm 2024, ngành du lịch toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường; tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát tiếp tục gia tăng; xung đột ở các khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn…
Do đó, việc ngành du lịch Việt Nam tập trung các chương trình quảng báo du lịch để thu hút du khách là hết sức cần thiết. Chỉ khi toàn ngành du lịch cũng như các địa phương cùng vào cuộc, tăng tốc triển khai các hoạt động các sản phẩm du lịch mới, thì mục tiêu đón khách 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 mới thành hiện thực.