Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán: Bước chuyển quan trọng để chuyên nghiệp hoá thị trường
Có nên thành lập Sở GDCK Việt Nam theo mô hình cổ phần? |
Chia sẻ về quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 ông Bùi Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Chào bán chứng khoán, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, các hoạt động trên TTCK không chỉ được điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán mà còn được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật khác có liên quan, đặc biệt là pháp luật về DN và đầu tư. Do vậy, một số quy định tại các Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán hiện hành cần được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ và tương thích với những thay đổi của Luật DN và Luật Đầu tư.
Theo đó, dự thảo nghị định hướng dẫn và quy định chi tiết 24 nội dung được uỷ quyền cho Chính phủ hướng dẫn thi hành tại 22 điều của Luật Chứng khoán. Các nội dung về TTCK phái sinh và về quản trị công ty không quy định tại dự thảo nghị định này mà được Chính phủ quy định cụ thể tại các nghị định riêng.
Nhiều quy định là cần thiết và tiến bộ nhưng khó áp dụng ngay |
Ông Hải chia sẻ thêm, dự thảo nghị định điều chỉnh một số thủ tục hành chính hiện hành theo hướng giảm bớt thời gian UBCKNN cấp, điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận, quyết định chấp thuận. Theo đó, giảm từ 20 ngày xuống còn 10 ngày làm việc đối với cấp giấy phép, giấy chứng nhận và giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày làm việc đối với quyết định chấp thuận. Đồng thời, giảm bớt hồ sơ mang tính nguyên tắc hoặc giấy tờ không thực sự cần thiết trong quá trình thực hiện, như hợp đồng thuê nhà, bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bản sao chứng chỉ hành nghề chứng khoán…
Đánh giá tổng thể, đại diện của các hiệp hội, DN trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán cho rằng, dự thảo nghị định đã thể hiện chủ trương kế thừa, đồng thời khắc phục những nhược điểm của các quy định hiện hành về hoạt động kinh doanh, phát hành chứng khoán, chứng chỉ quỹ. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo cũng đã bao gồm quy định về hoạt động của công ty quản lý quỹ là phù hợp với thực tiễn thị trường và mang tính chuyên ngành sâu hơn.
Bà Hoàng Hải Anh - Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam bổ sung thêm, dự thảo nghị định có nhiều điểm mang lại ý nghĩ lớn cho thị trường như các sản phẩm mới, các vấn đề liên quan đến huy động vốn được chuẩn hoá nhiều hơn và hầu hết điểm mới, sửa đổi đều hướng tới minh bạch rất lớn.
“Có những điểm có vẻ khó hơn cho hoạt động quản lý nhưng sẽ là một mốc quan trọng trong hoạt động của thị trường. Ví dụ như quy định về việc cho phép IPO của các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần… Đây là động thái khuyến khích các công ty đại chúng và chưa đại chúng tham gia thị trường. Đồng thời tăng tính minh bạch hơn nữa cho thị trường chứng khoán”, bà Hoàng Hải Anh nhận định.
Tuy nhiên, cũng chính vì nhiều quy định mang tính “đi tắt đón đầu”, tiếp thu các kinh nghiệm quản lý của thị trường quốc tế, nên đã khiến các DN, NĐT e ngại rằng sẽ khó áp dụng ngay lập tức đối với TTCK Việt Nam. Dẫn chứng về quy định trong phát hành trái phiếu phải có tổ chức xếp hạng tín nhiệm tham gia, bà Hoàng Hải Anh phân tích, quy định này mới và tạo sự yên tâm rất nhiều cho NĐT; tuy nhiên hiện nay trên thị trường chỉ có 2 DN có giấy phép trong lĩnh vực này và cũng chỉ có 1 DN là đang hoạt động, nên nếu áp dụng ngay thì e là sẽ có lượng rất lớn hồ sơ cho DN này xử lý.
“Tôi ủng hộ quy định này nhưng cho rằng phải có giai đoạn chuyển tiếp, vì các DN đủ điều kiện hoạt động đánh giá hạn mức tín nhiệm cũng phải tổ chức đội ngũ rất mất thời gian, nên Bộ Tài chính để ngay lập tức cấp giấy phép cho các DN này thì chắc chắn cũng sẽ rất khó khăn và gấp áp”, bà kiến nghị.
Ông Nguyễn Kim Long - Giám đốc khối Luật và Kiểm soát nội bộ, Công ty chứng khoán SSI cho rằng quy định về NĐT chứng khoán chuyên nghiệp sẽ khiến thị trường thu hẹp lại, các đối tượng tham gia mua bán chứng khoán sẽ rất giới hạn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ai là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, tiêu chí nào để xác định, thì nghị định lại đang bỏ ngỏ. Do đó, cần bổ sung quy định về NĐT chứng khoán chuyên nghiệp. “Tôi nghĩ các tổ chức tài chính, CTCK, công ty quản lý quỹ sẽ đóng vai trò xác định NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, họ là người tư vấn trực tiếp, do đó sẽ nắm rõ các quy tắc để xác định”, ông đề xuất.
Một vấn đề khác khiến ông Long băn khoăn là quy định về đại diện của người sở hữu trái phiếu. Dự thảo nghị định này là quy định đầu tiên chính thức đề cập đến đại diện của người sở hữu trái phiếu, song dưới góc nhìn của một luật sư thì quy định này có vấn đề mâu thuẫn cần bàn. Bởi lẽ người đại diện này do tổ chức phát hành chọn và trả phí, nhưng lại hành động bảo vệ quyền lợi người sở hữu trái phiếu, giám sát phát hành. Như vậy là một người trả tiền nhưng lại bảo vệ người khác, khiến cơ sở pháp lý có vẻ chưa chắc chắn.
“Tôi cho rằng phải có quy định cho người sở hữu trái phiếu chọn người khác làm đại diện, trong trường hợp người do tổ chức phát hành chọn không làm hài lòng họ”, ông Long đề nghị bổ sung.