Đưa vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử
Lễ khởi động chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương lên sàn thương mại điện tử Lazada, Sen Đỏ đã diễn ra tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021 với sự tham dự của 200 đầu mối nhập khẩu quốc tế và hơn 50 doanh nghiệp phân phối lớn, siêu thị lớn tham dự cùng các cơ quan địa phương và Bộ Công thương.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song hoạt động sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều của cả nước vẫn đạt kết quả đáng khích lệ với sản lượng trên 200.000 tấn, giá ổn định đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Tổng lượng quả vải xuất khẩu mùa vụ 2020 của cả nước đạt khoảng 98.000 tấn (chiếm xấp xỉ 50% tổng sản lượng cả nước), trong đó tỉnh Hải Dương xuất khẩu khoảng gần 25.000 tấn (khoảng 50% sản lượng của tỉnh).
Đại diện Bộ Công thương thăm nhà vườn trồng vải tại huyện Thanh Hà |
Thị trường xuất khẩu quả vải được mở rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống như: Trung Quốc, một số nước ASEAN, quả vải còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường được coi là “khó tính” khác như: Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan, Anh, Pháp, Canada, U.A.E... Đáng chú ý, trong năm 2020, quả vải tươi của Việt Nam tiếp tục mở cửa thành công vào hai thị trường lớn và nhiều tiềm năng là Singapore và Nhật Bản. Đây là tín hiệu tích cực, khẳng định thương hiệu quả vải Việt Nam với thị trường quốc tế.
“Với chức trách, vai trò của mình, Bộ Công thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp trong sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm. Bộ Công thương cũng rất chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, khai thác các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết và có hiệu lực như EVFTA, CPTPP… hỗ trợ doanh nghiệp đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống phân phối nội địa và quốc tế”, ông Hải thông tin.
Như tỉnh Hải Dương, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với UBND và các đơn vị của tỉnh triển khai nhiều hoạt động, trong đó phải kể đến như Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử uy tín. Trong đó việc đưa quả vải thiều Hải Dương lên các kênh thương mại điện tử Lazada, Sen Đỏ gắn với việc truy xuất nguồn gốc... Theo đó, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vải thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh; giao dịch trực tuyến với khoảng 200 các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đối với quả vải thiều Thanh Hà và nông sản như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan… vào các ngày từ 18 đến 20/5/2021.
Đại diện huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương phấn khởi khi đây là năm đầu tiên vải thiều Thanh Hà được một số doanh nghiệp đưa lên sàn thương mại điện tử như: Alibaba.com, Voso.vn, Lazada.vn, Sendo. Huyện Thanh Hà đang phối hợp tích cực với các sở, ngành và doanh nghiệp để hỗ trợ người dân sử dụng hiệu quả tem truy xuất nguồn gốc, cung cấp đầy đủ thông tin cho quả vải trước khi bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, hình thức bán hàng này mở ra thị trường mới cho quả vải thiều Thanh Hà. Người tiêu dùng mọi miền đất nước, quốc tế sẽ biết đến vải thiều Thanh Hà một cách đầy đủ nhất và có thể đặt mua tại nhà.
Hiện toàn huyện có 3.300 ha vải được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và đã có 35 vùng vải được cấp mã vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế. Thực tế nhiều năm nay, vải thiều Thanh Hà đã tiêu thụ thuận lợi tại các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore.