Đứt chuỗi liên kết, DN khó cạnh tranh
Ông Trần Trọng Thành - Chủ tịch HĐQT Vinapo, người có gần 20 năm kinh doanh tại EU và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, bán hàng trực tuyến… cho rằng, điều kiện kinh doanh ở Việt Nam không mấy cải thiện suốt nhiều năm gần đây.
“Chuỗi giá trị bị đứt, giá trị gia tăng trong chuỗi vì thế rất thấp do phải chi phí nhiều hơn để đi từ sản xuất đến thị trường. Môi trường kinh doanh không được cải thiện, và phát huy những điểm mạnh để hút nguồn lực”, ông Thành bình luận vậy và nói thêm rằng: “Cứ nhìn vào dòng vốn FDI đang có xu hướng giảm sẽ rõ”.
Liên kết chuỗi đứt đoạn khiến chi phí sản xuất lớn
Theo lưu ý đầu tiên của ông, tiềm năng con người của Việt Nam là cao, nếu chúng ta đào tạo tốt thì có thể cạnh tranh được với thế giới. Nhưng do những giá trị công nghệ, ý tưởng kinh doanh tốt thiếu một môi trường pháp lý bảo vệ hiệu quả nên khó hút vốn đầu tư mạo hiểm để chuyển giá trị chất xám Việt thành sản phẩm, dịch vụ cụ thể.
“Cách đầu tư cho khoa học công nghệ của ta có vấn đề là tiền không đi đúng hướng. Nhà nước đáng ra không cần đầu tư trực tiếp mà cần bảo vệ những nghiên cứu khoa học, ý tưởng kinh doanh để tự nó với sức hấp dẫn của mình có thể hút vốn triển khai”.
Trong thực tế, việc đầu tư cho khoa học kỹ thuật của Việt Nam lâu nay còn mang nặng tính bao cấp: Nhà nước chi tiền cho các dự án nghiên cứu. Vì kết quả nghiên cứu làm ra “không của riêng ai”, nên hoạt động này rất khó để xác định giá trị đến đâu.
Trong cơ chế bao cấp như vậy, nghiên cứu có được thực hiện hiệu quả trên thực tế hay không thì tác giả các dự án đó vẫn được đánh giá như nhau. “Nhiều nghiên cứu của ta là dạng “cắt - dán”. Cứ nhìn ngành nông nghiệp, nơi nuôi sống đến 70% dân số, nhưng nhập khẩu từ hạt giống, quả trứng đến thịt gà, thịt lợn. .. chúng ta sẽ nhận thấy mức độ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh như thế nào”, ông Thành trăn trở.
Trong khi các nước như Israel, Mỹ, các nước Bắc Âu, Đức… rất khác, nhà nước chỉ bảo vệ bản quyền, tạo môi trường cho phát kiến nảy nở… Bất kỳ ý tưởng tốt nào cũng được các quỹ đầu tư mạo hiểm quan tâm. Những cá nhân giỏi cũng nhận được tài trợ. Môi trường như vậy khiến cho nghiên cứu - phát triển (R&D) thu hút được nguồn lực chất xám và tài chính. “Họ đầu tư cho 10 phát kiến chỉ cần thành công một là đã có lợi nhuận. Điều này Israel đang làm rất tốt”, ông Thành lưu ý.
Đến khâu sản xuất, sự liên kết tiếp tục trở nên rối và yếu, ông Thành lấy ví dụ ở ngành dệt may, hiện đang góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Vẽ một chuỗi sản xuất từ kéo sợi, dệt vải, nhuộm, may…, ông Thành nói rằng khâu nhuộm của Việt Nam hiện nay là kém nhất. “Có DN kéo sợi, đưa đi nhuộm ở nước ngoài, rồi mới mang về Việt Nam sản xuất”, ông Thành cho biết.
Trong chuỗi giá trị ngành dệt may, nhiều khâu bị đứt khiến nhập khẩu và xuất khẩu nhiều đã làm tăng chi phí và giảm giá trị gia tăng trong địa phận lãnh thổ Việt Nam. “Vì đứt chuỗi liên kết, sản xuất trong nước rất khó cạnh tranh với thế giới”, ông nhìn nhận.
Trên thực tế, cũng có nhiều DN Việt Nam tìm đến các điểm đứt của chuỗi để cố gắng “lấp đầy”. Nhưng để liên kết được trong toàn bộ hệ thống chuỗi lại khá khó khăn. “Khái niệm hình thành chuỗi giá trị ở Việt Nam rất thấp”, ông Thành bình luận. Vì không có những đầu mối liên kết nên tìm đến nhau là khó. “Nhiều khi một số sản phẩm mình cần, hàng xóm làm được mà không biết”, ông Thành nói. DN phải tìm liên kết với các hệ thống sẵn có trên thế giới, nhưng những giải pháp này tạo ra lợi nhuận thấp. “Giá trị gia tăng tạo ra trong nước sẽ không lớn”, ông nói.
Anh Quân