EVFTA: Tháo gỡ khó khăn và bảo vệ sản xuất trong nước
Cảnh báo sớm, giúp doanh nghiệp “vượt ải” phòng vệ thương mại | |
Phòng vệ thương mại là yếu tố sống còn với EVFTA | |
12 mặt hàng có thể bị điều tra |
Bộ Công thương cho biết đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo kế hoạch, Quốc hội dự kiến sẽ họp về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA vào ngày 20/5/2020 - ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, khi có hiệu lực thi hành, Hiệp định này sẽ tác động đến các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), tháo gỡ khó khăn và bảo vệ sản xuất trong nước.
Sử dụng công cụ phòng vệ thương mại một cách thích hợp để bảo vệ sản xuất trong nước |
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác thông qua việc ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA khác; trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA). Để đảm bảo hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thì một trong những yêu cầu quan trọng nhất mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra là chủ động xây dựng chiến lược bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ: "Tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của các hiệp định, thỏa thuận thương mại để thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời có biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng".
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của kinh tế khu vực và toàn cầu, chính sách bảo hộ thương mại của một số nền kinh tế lớn trên thế giới đang gia tăng và xung đột thương mại Mỹ-Trung kéo dài thì việc xây dựng, bảo vệ và phát triển năng lực sản xuất trong nước đang trở thành một yêu cầu cấp bách nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng bền vững và đảm bảo ổn định xã hội.
Là một thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bên cạnh việc vận động theo xu thế tự do hóa thương mại, Việt Nam cũng ý thức rất rõ sự cần thiết của các công cụ PVTM (bao gồm: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) đối với ngành sản xuất trong nước trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Các mức cắt giảm thuế quan hầu hết về 0% theo 13 FTA đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có độ mở cửa cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, song hành cùng với những thuận lợi của các Hiệp định khi tận dụng lợi thế so sánh để gia tăng hiệu quả sản xuất, Việt Nam cũng đang đối mặt không ít thách thức đối với mục tiêu phát triển bền vững.
Đó là, quá trình mở cửa, dù theo lộ trình, với các đối tác thương mại lớn có thể khiến một số ngành sản xuất trong nước không thích ứng kịp với diễn biến cạnh tranh phức tạp, thậm chí không lành mạnh (như bán phá giá, nhận trợ cấp) của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
Cùng với đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng bị các nước áp dụng biện pháp PVTM với tần suất cao. Các vụ kiện này không chỉ diễn ra với hàng hóa có thể mạnh xuất khẩu mà với ngay cả các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp. Việc này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới các ngành sản xuất, xuất khẩu và gián tiếp đặt ra các gánh nặng về kinh tế-xã hội.
Tại Việt Nam, pháp luật về PVTM đã được xây dựng cách đây 15 năm, trước khi chúng ta chính thức gia nhập WTO. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 5 năm gần đây, Việt Nam mới thực sự chủ động sử dụng công cụ hợp pháp mà WTO và các FTA cho phép.
Kể từ năm 2013 đến nay, Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra 16 vụ việc PVTM, trong đó có 10 vụ điều tra chống bán phá giá và 6 vụ điều tra tự vệ. Trên cơ sở tiến hành điều tra một cách khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế, Bộ Công thương đã ra quyết định áp dụng 13 biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu. Các hàng hóa là đối tượng áp dụng của các biện pháp thuộc các nhóm hàng sắt thép, phân bón, chất dẻo, hàng dệt, thực phẩm. Đây hầu hết là những mặt hàng có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia.
Thực tế cho thấy, các biện pháp PVTM đã đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, giúp khắc giảm những tác động tiêu cực do gia tăng hàng nhập khẩu, giữ vững sản xuất và từng bước phát triển.
“Các biện pháp PVTM đã và đang áp dụng góp phần bảo vệ công ăn việc làm của khoảng 120.000 người lao động trong các lĩnh vực, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp PVTM ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước. Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng”, ông Khánh cho hay.
Qua theo dõi tác động của các biện pháp PVTM, Bộ Công thương cho biết, hiện tượng tăng trưởng nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể. Ví dụ, mặt hàng tôn mạ, trước đây mỗi năm lượng nhập khẩu đều tăng gấp đôi so với năm trước thì sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, lượng nhập khẩu đã giảm đáng kể. Nhờ công cụ PVTM, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như Công ty phân bón DAP Hải Phòng, Công ty thép Việt Trung, Công ty thép Việt Ý, Công ty thép Pomina...
Các biện pháp PVTM cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước. Cụ thể, như đối với phân bón DAP, khi có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá mặt hàng này đã được giảm thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Cụ thể, trước năm 2009, khi không sản xuất DAP trong nước, giá mặt hàng này (chủ yếu là nhập từ Trung Quốc) đã từng bị đẩy lên ở mức rất cao (18.000 đồng/kg năm 2008) dẫn đến chi phí sản xuất lúa tăng cao. Nhưng sau khi hai nhà máy sản xuất trong nước đi vào hoạt động, giá DAP đã giảm liên tục và chỉ còn 8.000 đồng/kg vào cuối năm 2017. Chính vì vậy, việc áp dụng công cụ PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp, xây dựng... vừa là để bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước, đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Rất nhiều thành viên WTO, kể cả các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Canada, Úc… đều đã và đang đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp PVTM nhằm đảm bảo duy trì sản xuất trong nước.